Nhà phát triển dự án còn đối diện với nhiều mối lo. Ảnh: Dũng Minh

Nhà phát triển dự án còn đối diện với nhiều mối lo. Ảnh: Dũng Minh

Người mua nhà ngóng ngân hàng “mở hầu bao”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trông đợi các ngân hàng thương mại "dễ tính" hơn với các khoản vay mua nhà đang là tâm lý chung của các khách hàng có nhu cầu thực khi mùa an cư cuối năm đã cận kề.

Vẫn khó vay vốn

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, anh Như Quang (quê ở Bình Thuận, hiện đang thuê nhà tại quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho hay, vợ chồng anh đang gửi tiết kiệm hơn 1 tỷ đồng và muốn vay ngân hàng thêm 1 tỷ đồng nữa để mua một căn hộ chung cư tại quận Gò Vấp. Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng chuẩn bị các giấy tờ, thủ tục, đến nay vẫn chưa được giải ngân, cho dù ngân hàng anh đang làm thủ tục vay vốn nằm trong số vừa được cấp thêm room tín dụng.

“Tôi đã hoàn thiện đầy đủ các thủ tục theo yêu cầu, nhưng đến nay vẫn chưa tiếp cận được khoản vay, ngân hàng vẫn yêu cầu tôi tiếp tục chờ đợi”, anh Quang ngao ngán nói.

Tương tự, chị Trần Thị Thanh (ngụ tại TP. Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ, chị dự tính mua căn chung cư tại một dự án ở huyện Bình Chánh với giá 2,4 tỷ đồng, trong đó vốn vay ngân hàng là 60% giá trị căn nhà, tương đương hơn 1,4 tỷ đồng. Làm việc với một số ngân hàng có hợp tác với chủ đầu tư dự án thì đều cho biết đang hết room nên chưa thể giải ngân. Mới đây, sau khi biết thông tin ngân hàng chị từng làm việc được nới room tín dụng nên quay lại làm thủ tục vay vốn mua nhà tiếp nhưng vẫn không được chấp thuận vì nhiều lý do.

“Phía ngân hàng đưa ra các lý do như chứng minh thu nhập của tôi không đảm bảo, ngân hàng vẫn bị kiểm soát giải ngân và đã đủ dư nợ tăng trưởng cho vay mua nhà… để từ chối tiếp nhận hồ sơ vay vốn”, chị Thanh cho hay.

Theo ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, việc nới room tín dụng chủ yếu dành cho các ngân hàng thương mại đáp ứng yêu cầu xếp hạng theo quy định, tham gia hỗ trợ xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp…, hạn mức tín dụng cấp thêm cũng không nhiều và nguồn vốn tăng thêm vẫn chủ yếu hướng đến các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, trong khi tiếp tục thận trọng cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản như định hướng trước đó, nên phần vốn cho vay mua nhà vẫn hạn chế.

“Với nhu cầu vay vốn rất lớn hiện nay, tôi cho rằng, lượng tín dụng được cấp thêm sẽ cạn trong 8-12 tuần tới. Bởi vậy, việc nới room tín dụng mang ý nghĩa tâm lý nhiều hơn”, ông Quang nhìn nhận.

Còn ông Cao Hữu Phi, Tổng giám đốc Công ty COPiHOME cho hay, từ cuối tháng 4/2022 đến nay, đa phần người mua nhà để ở gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay, còn nhà đầu tư trong trạng thái chờ ngân hàng giải ngân mới quyết định xuống tiền mua tài sản. Tuy nhiên, việc các ngân hàng giải ngân từ nay đến cuối năm ra sao còn để ngỏ bởi dư địa cho vay không còn nhiều, do đó người mua bất động sản không dễ tiếp cận vốn vay như kỳ vọng.

“Cần chờ thêm các diễn biến cho vay bất động sản trên thực tế sau khi nới room như thế nào mới có thể đánh giá tác động. Nhưng với số lượng không nhỏ người mua nhà để ở đang chờ giải ngân thời gian qua, e rằng dư địa cho vay mới sẽ khó đáp ứng đủ”, ông Phi nói.

Người mua nhà vẫn khó tiếp cận vốn vay. Ảnh: Dũng Minh

Người mua nhà vẫn khó tiếp cận vốn vay. Ảnh: Dũng Minh

Doanh nghiệp chưa hết lo

Bà Trần Thùy Linh, Phó giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng địa ốc Đức Linh (Duc Linh Real) tỏ ra khá thận trọng khi cho rằng, nhiều ngành nghề khác cũng đang khát vốn nên cả người mua nhà và các chủ đầu tư sẽ còn phải kiên nhẫn chờ đợi thêm.

“Khi room tín dụng mới tung ra, ngân hàng sẽ ưu tiên giải ngân cho những hồ sơ cũ và danh sách chờ này khá dài nên sẽ khó lòng giải quyết hết. Với hồ sơ mới, ngân hàng vẫn làm nhưng giữa việc duyệt cho vay và giải ngân là 2 câu chuyện hoàn toàn khác nhau”, bà Linh nói, đồng thời chia sẻ thêm, Duc Linh Real cũng vay vốn ngân hàng để phục vụ hoạt động kinh doanh, nhưng vì có lịch sử tín dụng tốt và khoản vay không lớn nên chưa ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, trong khi nhiều doanh nghiệp cùng ngành khác đang rất sốt ruột, họ chấp nhận lãi suất cao miễn sao được cấp vốn kịp thời.

Bên cạnh đó, lãi suất huy động và cho điều chỉnh tăng cũng đang tạo áp lực, chẳng hạn như ông Nguyễn Văn Hòa, chủ một doanh nghiệp bất động sản tại huyện Bình Chánh, TP.HCM cho biết, trước đó ông được vay lãi suất ưu đãi 7,8%/năm, dù chưa hết thời hạn ưu đãi nhưng ngân hàng đã thông báo áp dụng mức lãi suất mới là 8,6%/năm.

“Không chỉ doanh nghiệp, khách hàng cá nhân vay mua nhà hiện nay cũng phải trả lãi vay ở mức cao từ 11-13%/năm, chứ không còn được ngân hàng ưu đãi lãi suất 6 tháng hay 1 năm như trước”, ông Hòa nói.

TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế phân tích, áp lực lạm phát gia tăng, đồng tiền mất giá, lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay buộc phải tăng theo. Tuy vậy, so với vay tiêu dùng, tín chấp, lãi suất vay mua bất động sản vẫn thấp hơn đáng kể.

“Vay mua nhà để ở vẫn là một hình thức đầu tư bởi người mua vẫn có lợi nhuận, trong khi vẫn còn nhiều người vay tiền để thuê nhà. Nếu giá bất động sản tăng, lãi suất thấp thì người mua được lợi. Trường hợp giá bất động sản và lãi suất cùng tăng thì đó là rủi ro trong đầu tư, là chuyện bình thường trên thị trường”, ông Hiển nói, đồng thời cho rằng, lãi suất cho vay còn có thể tăng trong thời gian tới nên người mua nhà cần phải có sự tính toán, dự phòng .

Theo các chuyên gia trong ngành, từ nay tới cuối năm, các doanh nghiệp bất động sản khó có thể trông chờ sự khởi sắc của 2 hai kênh dẫn vốn chủ lực là tín dụng ngân hàng và người mua nhà. Vì thế, nhiều nhà phát triển dự án có xu hướng cơ cấu lại sản phẩm, giảm đầu tư ở các địa phương, thay vào đó là tập trung hơn vào các dự án ở gần trung tâm hay khu vực ven đô để đảm bảo tính thanh khoản.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp bất động sản lúc này là phải đa dạng hóa nguồn vốn, trước tiên là chủ động xây dựng và cải thiện hồ sơ tín dụng trên thị trường vốn, hướng đến một chiến lược vốn tối ưu, thay vì đến khi có nhu cầu mới huy động. Cùng với đó, các chủ đầu tư cần tạo điều kiện cho người mua nhà bằng cách điều chỉnh kỳ hạn thanh toán phù hợp với hạn mức tín dụng từ các ngân hàng…

Tin bài liên quan