TP.HCM những ngày “ngồi nhưng không yên”. Ảnh: Lê Toàn

TP.HCM những ngày “ngồi nhưng không yên”. Ảnh: Lê Toàn

Người mua nhà trả góp “thon thót” nhận thông báo đòi tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù đã được ngân hàng và một số chủ đầu tư hỗ trợ giảm lãi suất, giãn tiến độ nộp tiền, nhưng ngồi nhà trốn dịch, nhiều người mua nhà trả góp vẫn “thon thót” với thông báo thanh toán gốc và lãi vay.

“Ngồi” nhưng không… yên

Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, chị Thảo, ngụ tại một căn hộ nhỏ mua trả góp tại chung cư Hausneo, thuộc địa bàn phường Phú Hữu (TP. Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, gần 2 tuần nay chị ngồi nhà vì toàn bộ chung cư đang bị phong tỏa do có một số trường hợp được xác định là dương tính với Covid-19.

Thảo bảo rằng, có lẽ đây sẽ là quãng thời gian khó quên nhất của cô trong cả cuộc sống và công việc khi vốn là một nhân viên môi giới bất động sản, ngày thường phải di chuyển liên tục, gặp gỡ nhiều khách hàng…, nhưng đã hơn 10 ngày nay, cô chỉ quanh quẩn trong nhà. Quãng đường dài nhất mà Thảo di chuyển là từ căn phòng xuống dưới siêu thị ở tầng trệt để mua lương thực, thực phẩm và cũng phải ngó trước trông sau lúc vắng người mới dám xuống.

Khi được hỏi về công việc, Thảo cười nhẹ rồi bảo, không chỉ từ khi TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, mà mấy tháng nay không mua bán gì được. Công ty tạm đóng cửa cho nhân viên nghỉ không lương từ tháng 5 và nguồn thu nhập của các môi giới như cô cũng đứt gãy từ đó đến giờ.

“Để cầm cự, tôi nhắn người nhà gửi cho ít thực phẩm là đặc sản ở quê để bán qua mạng. Thời điểm này mọi người chủ yếu ở nhà, hạn chế đi lại nên nhu cầu mua online cũng lớn. Thu nhập chẳng đáng là bao nhưng cũng đủ để cầm chừng qua ngày”, Thảo tâm sự.

Ngụ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM, anh Trần Nguyễn Vinh cho biết, công việc của anh trước khi dịch bùng phát là điều hành tại một công ty du lịch ở quận 1, nhưng từ cuối tháng 4 đến nay rơi vào cảnh thất nghiệp khi không đợi đến khi các tỉnh, thành phố giãn cách xã hội, bắt đầu xuất hiện một số ca F0 ngoài cộng đồng, phần đông người dân cắt hẳn việc đi du lịch, kể cả khi đã đặt phòng, book vé. Thu nhập mỗi tháng trở về con số “0” nên Vinh cho biết, anh đã quyết định cuối tháng 7 này sẽ chốt sổ bảo hiểm xã hội để lĩnh tiền bảo hiểm thất nghiệp.

“Mặc dù lúc cho nhân viên tạm nghỉ không lương, công ty có hỗ trợ một phần nhưng không đáng gì so với nhu cầu chi tiêu. Do đó, tôi quyết định nghỉ việc để lĩnh tiền thất nghiệp và sắp tới chuyển hướng làm việc tự do như lái xe hoặc bán hàng khi dịch bệnh được kiểm soát”, Vinh chia sẻ và nói rằng, dầu sao anh cũng còn chút tiền bảo hiểm lĩnh một lần để trông vào, chứ các hướng dẫn viên trong công ty đa phần làm việc theo chế độ cộng tác viên, hoa hồng hưởng theo tour, nên hầu như không nhận được khoản hỗ trợ nào.

Câu chuyện của Vinh, của Thảo… rất phổ biến và thực ra có thể tìm thấy ở khắp nơi, chứ không riêng gì TP.HCM hay các địa phương giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong quý II/2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…

Người mua nhà trả góp mong nhận được những hình thức hỗ trợ như những chia sẻ thế này trong cuộc sống thời giãn cách. Ảnh: Lê Toàn

Người mua nhà trả góp mong nhận được những hình thức hỗ trợ như những chia sẻ thế này trong cuộc sống thời giãn cách. Ảnh: Lê Toàn

Nỗi lo kép

Ở các đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM, khi cái gì cũng phải mua bằng tiền thì đúng như nhiều người ví von rằng “ngồi nhưng không yên” khi mất việc, nguồn thu nhập thường xuyên đứt gãy, trong khi ở nhà phần lớn thời gian, nhiều khoản chi như tiền điện, tiền nước… đội lên trông thấy.

“Ngồi nhà nhiều, đến khoản ăn vặt cũng tốn hơn kha khá vì nhiều khi cứ phải nhấm nháp một cái gì đó cho tâm trạng đỡ stress”, Vũ Thị Huyền - phóng viên một tờ báo tại TP.HCM tự trào. Huyền bảo, dịch bệnh là khó khăn chung, ai cũng khổ, nhưng vợ chồng cô còn phải chịu “nỗi lo kép” khi vừa phải xoay xở để chi tiêu hàng ngày, vừa lo tiền trả ngân hàng cho khoản vay mua nhà trước đó.

Cuối năm 2019, vợ chồng cô quyết định mua căn hộ chung cư rộng 70 m2 tại khu vực huyện Nhà Bè với giá hơn 1,5 tỷ đồng. Vợ chồng trẻ lại cùng nghề nên không dư dả bao nhiêu, với số tiền tiết kiệm ít ỏi, Huyền phải vay ngân hàng 1 tỷ đồng trong 15 năm, lãi suất 10,5% mỗi năm và hàng tháng phải trả cả gốc lẫn lãi hơn 12 triệu đồng.

Nếu như trước đây, với thu nhập đều đặn 25 triệu đồng mỗi tháng của hai vợ chồng, chi tiêu tằn tiện và gói ghém thì vẫn đủ trả tiền nhà, nhưng oái oăm là từ lúc nhận nhà đến nay, tòa soạn đã hai lần giảm lương và thu nhập của hai vợ chồng chỉ còn xấp xỉ 50%.

“Năm rồi thu nhập giảm, nhưng hai vợ chồng cũng có khoản tiết kiệm riêng và mượn đỡ tiền từ gia đình để duy trì cuộc sống và việc trả nợ, nhưng ngay lúc này, nhiều đêm tôi không ngủ được vì không biết khi nào dịch mới hết”, Huyền nói và cho biết thêm, mỗi ngày thấy tin thành phố nơi mình sinh sống có thêm cả ngàn ca nhiễm mới là cô lại thêm lo. Lo cho sức khỏe cộng đồng, gia đình và cũng lo cho căn hộ mơ ước mới chưa ấm chỗ rất có thể sẽ bị xiết nợ vì không thể kham nổi khoản gốc và lãi.

Tương tự, anh Tuấn, một giáo viên trường tư và dạy tự do cho biết, năm ngoái anh có mua một căn chung cư giá 1,7 tỷ đồng bằng cách đóng tiền theo tiến độ thi công, tới năm 2023 sẽ hoàn tất và bàn giao nhà và kể từ đó, mỗi tháng anh phải đóng hơn 40 triệu đồng cho chủ đầu tư. Nếu như trước kia, khoản tiền này hoàn toàn trong khả năng chi trả của anh, nhưng tình hình hiện nay do dịch bệnh phức tạp, học sinh nghỉ nên anh cũng nghỉ không lương, việc dạy online cũng thất thường. Cộng thêm tài chính gia đình ở quê cũng khó khăn, nên anh không biết làm gì để qua mùa dịch khi tin nhắn thông báo đóng tiền hàng tháng của chủ đầu tư tới đều.

“Tôi đã trễ hạn thanh toán 1 kỳ, nếu thêm 1 kỳ nữa sẽ bị chủ đầu tư thu hồi nhà, còn phải đóng tiền phạt và các loại phí khác. Tôi thật sự lo lắng...”, anh Tuấn than thở và cho biết thêm, mong mỏi lớn nhất của anh cũng như nhiều người mua nhà khác lúc này là được ngân hàng, chủ đầu tư hỗ trợ về việc giảm lãi suất, giãn nợ… để vượt qua thời kỳ dịch bệnh.

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, trên địa bàn TP.HCM, để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi vay, nhưng đối tượng ưu tiên dường như chỉ là doanh nghiệp và các hộ kinh doanh, còn các khách hàng cá nhân vay để mua nhà được giảm khá ít, chỉ từ 0,5-1%/năm.

Chia sẻ về vấn đề này, lãnh đạo một ngân hàng thương mại tư nhân tại TP.HCM cho biết, dù dư địa giảm lãi suất cho vay vẫn còn, nhất là khi kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các ngân hàng thương mại vẫn tốt, nhưng việc giảm mạnh lãi suất cho vay không dễ, bởi bản thân ngân hàng cũng là một doanh nghiệp nên việc giảm lãi suất sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận, và việc này phải có sự đồng thuận của cổ đông. Hơn nữa, các ngân hàng thương mại cũng phải dành nguồn lực tài chính để dự phòng rủi ro nợ xấu gia tăng trong thời gian tới.

“Việc giảm lãi suất nhằm chia sẻ với doanh nghiệp, cá nhân trong lúc này là cần thiết, nhưng bản thân các ngân hàng phải ưu tiên hàng đầu cho sự an toàn của hệ thống, nên thời gian tới khó kỳ vọng về một làn sóng giảm sâu, giảm rộng lãi suất cho vay”, vị này chia sẻ và nói thêm, đối với nhóm khách hàng vay mua nhà còn khó tính đến chuyện giảm lãi vay hay hoãn nợ hơn, vì đây không phải đối tượng cho vay ưu tiên trước đó. Đối với trường hợp mua nhà tại các dự án có sự phối hợp cho vay giữa ngân hàng và chủ đầu tư thì có thể xem xét, nhưng việc này cần có sự đồng hành của các chủ đầu tư và áp dụng thống nhất với toàn bộ đối tượng vay.

Đề cập đến câu chuyện này, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group - doanh nghiệp chuyên phát triển các dự án nhà vừa túi tiền hướng đến đối tượng khách hàng trẻ, những người thường sử dụng một phần tiền vay ngân hàng để mua nhà cho rằng, nếu dự án đang trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư hoàn toàn có thể giãn tiến độ thanh toán, giãn tiến độ giao nhà, nhưng điều này cũng cần sự đồng ý của các bên liên quan để tránh những khiếu kiện về sau vì thời điểm bàn giao đã chốt trong hợp đồng. Trong trường hợp dự án chuẩn bị bàn giao, doanh nghiệp chỉ có thể đề nghị ngân hàng ân hạn thời gian trả nợ gốc và lãi cho người mua nhà.

“Về phía khách hàng, nếu quá khó khăn tài chính thì nên cân nhắc bán sớm vì dẫu dịch bệnh, nhưng do nguồn cung khan hiếm, việc bán lại các căn hộ chung cư tại TP.HCM không phải quá khó”, ông Phúc nói.

Tin bài liên quan