Nguy cơ lạm phát của Trung Quốc gia tăng do giá dầu leo thang và các biện pháp kiểm soát Covid-19

Nguy cơ lạm phát của Trung Quốc gia tăng do giá dầu leo thang và các biện pháp kiểm soát Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc trong tháng 3 đã tăng hơn dự kiến do giá dầu leo thang, trong khi sự gián đoạn từ việc phong toả do Covid-19 đã làm tăng chi phí thực phẩm, đe dọa triển vọng lạm phát ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Dữ liệu chính thức hôm thứ Hai (11/4) cho thấy, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc trong tháng 3 đã tăng 8,3% so với một năm trước đó, giảm từ 8,8% trong tháng 2 và cao hơn mức ước tính trung bình là tăng 8,1% trong một cuộc khảo sát của Bloomberg với các nhà kinh tế. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng tăng nhanh lên 1,5% sau khi giữ nguyên ở mức 0,9% trong hai tháng.

Căng thẳng ở Ukraine đã đẩy chi phí hàng hóa toàn cầu bao gồm dầu lên cao, làm tăng thêm áp lực kinh tế khi Trung Quốc phải đối mặt với đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất trong hai năm. Các đợt phong toả nhằm hạn chế sự lây lan của virus ở một số tỉnh và thành phố đã làm gián đoạn nguồn cung cấp thực phẩm, khiến giá cả tăng cao trong tháng 3.

Nathan Chow, chuyên gia kinh tế cấp cao của DBS Group Holdings cho biết: “CPI sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn PPI trong thời gian tới do các biện pháp kiểm soát của Covid như hạn chế hậu cần, giới hạn hoạt động của người tiêu dùng và truy vết trên quy mô lớn, tác động đến các tài xế xe tải”.

Chỉ số chứng khoán CSI 300 của Trung Quốc đã giảm tới 3% sau dữ liệu lạm phát được công bố và là mức giảm mạnh nhất trong gần một tháng.

“Dữ liệu giá sản xuất và tiêu dùng của Trung Quốc là một minh chứng cho Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) hiện nay rằng trọng tâm của ngân hàng trung ương là tăng trưởng và có khả năng sẽ tăng cường kích thích để hạn chế suy thoái. Trong tương lai, chúng tôi kỳ vọng lạm phát CPI sẽ duy trì ở mức dưới 2% trong quý II, ngay cả khi mức cơ sở thấp hơn so với cùng kỳ”, David Qu, nhà kinh tế Bloomberg Economics cho biết.

Các nhà sản xuất ở những khu vực chịu ảnh hưởng của đại dịch bị buộc phải đóng cửa, hoặc giữ công nhân ở hệ thống khép kín để họ có thể duy trì hoạt động. Các doanh nghiệp cho biết họ gặp khó khăn trong việc mua nguyên liệu thô hoặc phải đối mặt với thời gian giao hàng kéo dài do gián đoạn chuỗi cung ứng. Những hạn chế cũng buộc người tiêu dùng phải ở nhà vì nhiều người phải vật lộn để đảm bảo nhu cầu thiết yếu hàng ngày hoặc phải trả giá cao cho hàng hóa.

Dong Lijuan, nhà phân tích tại NBS cho biết, sự sụt giảm hàng năm của PPI chủ yếu là do cơ sở cao so với năm ngoái. “Giá hàng hóa quốc tế tiếp tục tăng cao do các yếu tố địa chính trị và các yếu tố khác”, bà cho biết.

“Do các vụ đình trệ và gián đoạn giao thông ở Đông Bắc Trung Quốc, cơ sở sản xuất ngũ cốc lớn nhất ở Trung Quốc, việc gieo trồng vụ xuân năm nay có thể bị trì hoãn và nguy cơ thiếu lương thực có thể tăng lên trong nửa cuối năm, gây thêm áp lực cho tình hình lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng”, các nhà kinh tế học tại Nomura Holdings cho biết.

Không giống như các nền kinh tế phát triển lớn khác, PBOC đang trong trạng thái nới lỏng chính sách tiền tệ và đã cắt giảm lãi suất trong những tháng gần đây để tăng tính thanh khoản và tăng chi tiêu tài khóa.

Các nhà chức trách trong những tuần gần đây đã nhiều lần đưa ra cam kết sẽ ổn định nền kinh tế khi đợt bùng phát Covid-19 trầm trọng hơn, làm dấy lên suy đoán rằng việc cắt giảm lãi suất chính sách hoặc các biện pháp nới lỏng khác có thể sớm xảy ra.

Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management cho biết: “Lạm phát giá tiêu dùng nói chung có thể sẽ ở mức thấp do nhu cầu trong nước yếu khi nhiều thành phố bị đóng cửa”.

Tin bài liên quan