Nguy cơ thua lỗ từ việc “bắt đáy”

(ĐTCK-online) Nhà đầu tư nhỏ lẻ thường mạo hiểm mua vào những cổ phiếu tăng nóng, "đua trần" với hy vọng kiếm lời từ khoản đầu tư này. Đây là chiến lược đầu tư được các nhà đầu tư ưa rủi ro lựa chọn, mặc dù nguy cơ thua lỗ là rất lớn.

Thực tế cho thấy, nhà đầu tư thường chứng kiến một bộ phận các cổ phiếu đang trong giai đoạn tăng nóng, dư mua khối lượng lớn với giá trần đột ngột rớt xuống giá sàn nhiều phiên liên tiếp, thanh khoản rất thấp. Đây chính là minh chứng cho việc TTCK luôn xuất hiện những "cái bẫy", không lần nào giống lần nào, không có sự lý giải rõ ràng cho những hiện tượng này.

Sau một giai đoạn giá cổ phiếu tăng nóng, mà không đi kèm với sự tăng trưởng của giá trị thực và sự hỗ trợ của các thông tin tích cực từ phía doanh nghiệp, thì nguy cơ rớt giá của cổ phiếu là rất cao. Bản thân thị trường là cỗ máy sàng lọc những cổ phiếu thật sự có giá trị, mà điều này cũng là rào cản cho việc giá cổ phiếu nào đó bị kéo lên một cách có chủ tâm cần quay về với giá trị thật. Trong khi đó, một phần nguyên nhân rớt giá của cổ phiếu là khi cổ phiếu đó không hấp dẫn được nhiều nhà đầu tư tham gia mua. Dòng tiền ở đây đóng vai trò kích thích giao dịch của cổ phiếu đó.

Nhà đầu tư tham gia mua cổ phiếu trong giai đoạn thoái trào thường đối diện với nguy cơ thua lỗ. Ngược lại, đồng tiền thông minh khai thác được những cổ phiếu bị lãng quên, giá thấp hơn so với giá trị thực và có triển vọng tăng trưởng thì nhà đầu tư sẽ thu được lợi nhuận lớn. Điều này phụ thuộc vào thời điểm bán ra của cổ phiếu mà nhà đầu tư nắm giữ.

Tuy nhiên, khi bán ra cổ phiếu cũng là khi cổ phiếu đó không còn "hợp thời" đối với các nhà đầu tư lướt sóng. Những "đại gia" đột ngột rút lui trong lặng lẽ để lại nhiều hệ lụy cho nhà đầu tư nhỏ lẻ thiếu thông tin tham gia mua vào cổ phiếu trong giai đoạn thoái trào. Khi cổ phiếu giao dịch yếu, dòng tiền hạn chế, sức hấp dẫn của cổ phiếu đang giảm dần, phần thua thiệt thuộc về bộ phận nhà đầu tư tham gia mua vào chậm chân với kỳ vọng tăng giá trong giai đoạn tiếp theo của cổ phiếu này. Chiến lược mua này thường được gọi là “bắt đáy” hoặc “bắt dao rơi”, dù chúng có sự khác nhau.

Thông thường, điểm bắt dao rơi là các ngưỡng hỗ trợ trên phương diện kỹ thuật. Nhà đầu tư tham gia bắt dao với tâm lý nôn nóng mua được cổ phiếu với giá hời, mà không quan tâm đến T+4, lượng tiền hấp thụ của cổ phiếu đó, các thông tin cơ bản, thì phần lớn bị thua lỗ khi mua cổ phiếu tại mức giá đỉnh. Tín hiệu an toàn thường thể hiện ở khối lượng. Nếu lượng mua đủ lớn để tạo một đáy khá vững cho cổ phiếu, chấm dứt chuỗi ngày giảm không phanh và xác lập một mặt bằng an toàn, thì đây là cơ hội tốt để nhà đầu tư mua vào cổ phiếu đó.