Ông Nguyễn Hữu Đức

Ông Nguyễn Hữu Đức

Nguyễn Hữu Đức, sáng lập, Giám đốc điều hành Bluecore: Thắng nhờ cách định nghĩa sản phẩm 'ngược đời'

0:00 / 0:00
0:00
Công ty TNHH Bluecore (tại TP.HCM) đặt cược vào sự phát triển của nền kinh tế số tại Việt Nam. Theo đó, nhiều doanh nghiệp sẽ có nhu cầu phân tích dữ liệu kinh doanh để tối ưu hoạt động.

Truy xuất dữ liệu đơn giản nhất

Theo Fortune Business Insights, thị trường tích hợp dữ liệu toàn cầu đạt 11,9 tỷ USD vào năm ngoái và dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) ở mức 12,3% trong giai đoạn 2023-2030.

Có nhiều start-up phục vụ nhu cầu này, chủ yếu ở Mỹ, như RainFocus (thành lập năm 2013, tổng vốn huy động 88 triệu USD, doanh thu hơn 17 triệu USD năm 2022), hay Gladly (thành lập năm 2014, tổng vốn huy động 168 triệu USD, doanh thu hơn 10 triệu USD năm 2022), theo thống kê của website getlatka.com.

Ở Việt Nam, chưa có báo cáo chính thức về thị trường tích hợp dữ liệu, nhưng có thể nhìn nhận theo tốc độ phát triển của nền kinh tế số.

Theo báo cáo e-Conomy SEA năm 2022 do Google, Temasek và Bain & Company công bố, Việt Nam sẽ là quốc gia có nền kinh tế số tăng trưởng mạnh nhất giai đoạn 2022-2025 trong 6 quốc gia Đông Nam Á, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, với tổng giá trị trao đổi hàng hóa tăng 31%, từ 23 tỷ USD năm 2022 lên 49 tỷ USD năm 2025.

Theo báo cáo e-Conomy SEA năm 2022 do Google, Temasek và Bain & Company công bố, Việt Nam sẽ là quốc gia có nền kinh tế số tăng trưởng mạnh nhất giai đoạn 2022-2025 trong 6 quốc gia Đông Nam Á, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, với tổng giá trị trao đổi hàng hóa tăng 31%, từ 23 tỷ USD năm 2022 lên 49 tỷ USD năm 2025.

Ông Nguyễn Hữu Đức, sáng lập, Giám đốc điều hành Công ty Bluecore cho rằng, khi kinh tế số phát triển, dữ liệu kinh doanh sẽ nhiều hơn và doanh nghiệp sẽ có nhu cầu phân tích để tối ưu hoạt động. Ông Đức và các cộng sự đang đặt cược vào điều đó.

Lĩnh vực mà Công ty Bluecore đang tham gia được xếp vào hạng mục tích hợp dữ liệu. Các công ty này tập hợp dữ liệu đầu vào của doanh nghiệp và sắp xếp thành một báo cáo thống nhất, hoàn chỉnh.

Theo quan điểm của ông Đức, kết quả cuối cùng của chuyển đổi số là dữ liệu minh bạch và người chủ công ty có thể truy xuất theo ý muốn của mình. Góc nhìn này đã tác động rất lớn đến cách công ty hình thành sản phẩm: thay vì phát triển các chức năng phân tích kinh doanh phục vụ chủ doanh nghiệp, Bluecore tập trung vào việc truy xuất dữ liệu sao cho đơn giản nhất.

Phần lớn chuỗi bán lẻ hiện nay có mặt trên các sàn thương mại điện tử, sử dụng nhiều nền tảng quảng cáo khác nhau. Bluecore sẽ chuẩn hóa và sắp xếp dữ liệu đầu vào, sau đó phát triển khả năng phiên dịch của hệ thống để chủ doanh nghiệp hoặc nhà quản lý có thể sử dụng những câu truy vấn bằng ngôn ngữ kinh doanh thông thường để truy xuất dữ liệu.

Định nghĩa sản phẩm không giống ai

Với mức phí dao động từ 10 đến 50 triệu đồng/tháng cho dịch vụ phân tích dữ liệu, Bluecore đang dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam mức phí thấp hơn ít nhất 6 lần và tiết kiệm 3-6 tháng triển khai một hệ thống có tính năng tương tự.

Tuy nhiên, điều làm start-up gần 3 năm tuổi này được hơn 40 khách hàng, chủ yếu là các chuỗi bán lẻ từ 5 cửa hàng trở lên, lựa chọn không chỉ là chi phí, mà còn là cách định nghĩa sản phẩm không giống ai của chính người sáng lập và điều hành của Bluecore.

Theo ông Đức, không ai hiểu việc kinh doanh hằng ngày của một doanh nghiệp hơn những người quản lý nó. Do đó, với đội ngũ phát triển Bluecore, nền tảng phân tích dữ liệu hiệu quả nhất phải hỗ trợ tối đa những thắc mắc đời thường nhất của họ.

Trước khi thành lập Bluecore, ông Đức có 4 năm ở vị trí Trưởng Bộ phận Triển khai của Haravan và 11 năm ở vị trí Quản trị dự án tại FPT.

Từ kinh nghiệm xây dựng nhiều hệ thống dữ liệu cho các doanh nghiệp lớn, ông quyết định thành lập Bluecore khi nhận thấy dữ liệu thực sự hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh.

“Điều doanh nghiệp cần là hiệu quả. Công nghệ tốt nhất phải là công nghệ đơn giản và dễ sử dụng nhất đối với người dùng. Nếu có dữ liệu rõ ràng, doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể ứng phó rất nhanh và hiệu quả với các rủi ro”, ông Đức chia sẻ.

Còn nhớ, khách hàng đầu tiên của Bluecore là một doanh nghiệp bán lẻ với quy mô hơn 6 cửa hàng, đang phát triển tốt và tiếp tục mở rộng, nhưng rồi dịch bệnh diễn ra khiến mọi hoạt động trì trệ, doanh thu có dấu hiệu sụt giảm. Điều ông Đức có thể hỗ trợ doanh nghiệp này vào thời điểm đó là đưa dịch vụ của Bluecore vào chuẩn hóa dữ liệu.

Thông qua các thao tác truy xuất dữ liệu được đơn giản hóa, chủ doanh nghiệp này nhận ra những chỗ cần quan tâm, như tỷ lệ hủy đơn do giao hàng sai cao đến 13%, giá trị đơn hàng nhiều chi nhánh thấp đột ngột... Ngay sau đó, chủ doanh nghiệp bắt tay vào xử lý các lỗ hổng rất nhanh.

Nhưng tham vọng của Bluecore không dừng lại ở đó. Gần đây, Công ty bắt đầu mở rộng nhân sự và tập trung vào các tính năng tự động, tích hợp các dịch vụ trí tuệ nhân tạo (AI).

Hiện có nhiều lý do để dịch vụ tích hợp dữ liệu chưa phát triển, như chi phí đầu tư cao, tính hiệu quả chưa rõ. Ông Đức kỳ vọng, Bluecore có thể là người đầu tiên có thể phá bỏ các rào cản đó, không chỉ ở Việt Nam.

Dẫu nguồn vốn hạn chế, đang “tự bơi” bằng tiền túi của mình, song đội ngũ sáng lập Bluecore cho rằng, vấn đề quan trọng hơn lúc này là tìm nhà đầu tư chiến lược, phát triển khách hàng, chứ không phải là tìm kiếm nhà đầu tư tài chính đơn thuần.

Tin bài liên quan