Nguyễn Lê Quốc Tuấn, CEO Sông Hương Foods: Đưa cà pháo lên men trở thành món ăn “quốc dân”

0:00 / 0:00
0:00
Sau gần 4 năm giữ cương vị Tổng giám đốc Sông Hương Foods, Nguyễn Lê Quốc Tuấn đã giúp Công ty đạt mức doanh số cao gấp 5 lần so với giai đoạn trước năm 2018.
Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Sông Hương Foods.

Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Sông Hương Foods.

Tập trung vào sản phẩm cốt lõi

Kết thúc năm 2021, Sông Hương Foods đạt doanh thu 30 tỷ đồng và hướng tới mốc 100 tỷ đồng vào năm 2023, khi nhà máy mới tại An Giang đi vào hoạt động. Để đạt được mục tiêu này, Sông Hương Foods sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, phát triển vùng trồng và từng bước xuất khẩu.

“Khi có được sự tập trung vào sản phẩm cốt lõi, chắn chắn doanh nghiệp sẽ phát triển”, Quốc Tuấn tự tin nói. Anh kỳ vọng, trong vòng 3 năm nữa, cà pháo lên men theo công thức gia truyền - sản phẩm chính của Sông Hương Foods - sẽ trở thành món ăn “quốc dân” của người Việt, tương tự như món kim chi của người Hàn Quốc.

Sông Hương Foods là một doanh nghiệp gia đình, tiền thân là cơ sở chế biến thực phẩm Sông Hương, ra đời năm 1996 với vỏn vẹn 3 nhân công. Đầu năm 2018, Tuấn thay thế dì, dượng của mình, chính thức trở thành nhà lãnh đạo kế tiếp.

“Tôi chỉ nắm 25% vốn, nhưng được dì và dượng tin tưởng, nên tôi có quyền tự quyết về hướng phát triển của Công ty. Sông Hương Foods đang hướng đến mục tiêu niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2026, không chỉ để tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, mà còn để giúp hoạt động của Công ty trở nên minh bạch hơn”, Quốc Tuấn chia sẻ.

Dự kiến, tổng vốn đầu tư cho nhà máy mới tại An Giang khoảng 65 tỷ đồng. Công suất của nhà máy trong giai đoạn I là 2.000 tấn/năm và có thể nâng lên 4.000 tấn/năm trong giai đoạn II. Nhà máy này sẽ tuyển dụng thêm khoảng 150 lao động địa phương, nâng tổng số nhân viên của Sông Hương Foods lên hơn 300 người.

Cùng với đó, Công ty cũng đang đầu tư phát triển vùng trồng cà pháo ở gần nhà máy để sẵn sàng cung cấp nguyên liệu khi nhà máy đi vào hoạt động.

CEO 8X của Sông Hương Foods cho biết, trong lộ trình phát triển, từ năm 2023, các sản phẩm của Công ty, đặc biệt là cà pháo lên men, sẽ được xuất khẩu đến nhiều thị trường, chứ không chỉ tập trung vào Nhật Bản như hiện nay. Đến năm 2024, Công ty sẽ mở rộng danh mục sản phẩm với các món đặc trưng của Việt Nam như bánh nậm, bánh lọc…

Coi trọng tiếp thị, truyền thông

Quốc Tuấn ăn chay trường hơn 6 năm nay. Anh tâm sự: “Tôi từng nghĩ mình đã chọn sai nghề khi ăn chay trường mà lại làm lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất sản phẩm có thành phần từ tôm, cá… Cho đến khi đại dịch xảy ra, khúc mắc này mới được giải quyết”.

Thời điểm trước năm 2020, Quốc Tuấn không chỉ điều hành Sông Hương Foods, mà còn đảm nhiệm vai trò lãnh đạo ở một số công ty trong lĩnh vực tư vấn giải pháp bán lẻ, nấm linh chi…

Giai đoạn Covid-19 bùng phát, trong số các công ty này, chỉ riêng Sông Hương Foods không phải đóng cửa, thậm chí còn phải tăng ca sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường. Cũng trong thời gian này, sản phẩm của Công ty được dùng vào các suất ăn thiện nguyện gửi đến bệnh viện dã chiến, chốt kiểm soát dịch…

Khi đó, Quốc Tuấn nhận được nhiều cuộc gọi hỏi về nguồn gốc món mắm cà pháo, dưa món của Sông Hương Foods. Anh giật mình nhận ra, dù đã có mặt trên thị trường 25 năm, nhưng Công ty chỉ tập trung vào sản xuất mà bỏ quên khâu tiếp thị để đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.

“Tôi cảm nhận được sự hài lòng thật sự khi khách hàng khen các món của Sông Hương ngon. Bởi vậy, tôi không thể vì ăn chay trường mà bỏ qua sứ mệnh phục vụ người tiêu dùng của một doanh nghiệp đã có 25 năm phát triển với những món ăn gia truyền”, Quốc Tuấn bộc bạch.

Sản phẩm của Sông Hương Foods luôn đảm bảo 2 yếu tố quan trọng, đó là tốt cho sức khoẻ và ngon. Khi duy trì tốt hai yếu tố này, một doanh nghiệp gia đình như Sông Hương Foods hoàn toàn có thể phát triển tốt trong bối cảnh thị trường cạnh tranh và thay đổi không ngừng như hiện nay.

Một trong những mục tiêu mà Quốc Tuấn cần nhanh chóng thực hiện trong thời gian tới là nghiên cứu về thành phần dinh dưỡng có trong cà pháo lên men cũng như gợi ý nhóm đối tượng nên ăn hoặc không nên ăn mỗi ngày.

“Một trái cà pháo vào nhà máy Sông Hương Foods phải thông qua hình thức chế biến gia truyền mới có thể ra thành phẩm. Tôi sẽ truyền thông chi tiết về phương thức này để người tiêu dùng hiểu được, vì sao lên men tự nhiên lại tạo ra dinh dưỡng, có lợi hơn phương thức muối thông thường”, Quốc Tuấn chia sẻ.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, thực phẩm lên men, như cơm rượu, dưa chua, mẻ… không xa lạ với người Việt. Đây cũng là xu hướng tiêu dùng đang trở nên thịnh hành trên thế giới, khi người dân ngày càng quan tâm đến việc tăng cường hệ miễn dịch.

“Sau khi Covid-19 xuất hiện, lượng kim chi Hàn Quốc xuất khẩu ra thế giới tăng gấp rưỡi. Trong chiến dịch marketing, họ đặc biệt nhấn mạnh đặc tính miễn dịch của kim chi để mở rộng thị trường”, bà Hạnh thông tin.

Bà Hạnh gợi ý, Việt Nam có nhiều món ăn ngon được chế biến theo hình thức lên men, vì vậy, các doanh nghiệp nên đẩy mạnh công tác marketing để đưa sản phẩm đến gần hơn nữa với người tiêu dùng trong nước và nước ngoài.

Tin bài liên quan