Nhà băng Mỹ và nỗi lo “chảy máu” tiền gửi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Người gửi tiền ở Mỹ có xu hướng dịch chuyển tiền gửi từ kênh tiết kiệm ngân hàng sang các quỹ thị trường tiền tệ.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) duy trì lãi suất ở mức gần 0% trong khoảng15 năm, khiến người gửi tiền cam chịu cảnh không kiếm lời từ việc gửi tiền, dù gửi vào ngân hàng hay các quỹ thị trường tiền tệ. Vậy nhưng, thời điểm tạo nên sự khác biệt đã tới.

Trong cuộc chiến kiềm chế lạm phát, Fed buộc phải nâng lãi suất liên tiếp trong 1,5 năm qua và hiện lãi suất ở mức 5,25 - 5,5%/năm, mức cao nhất trong vòng 22 năm qua. Đáng chú ý, thông điệp từ cuộc họp gần nhất của Fed cho thấy, lãi suất có khả năng tiếp tục được nâng lên và môi trường lãi suất cao sẽ kéo dài hơn các dự báo trước đó.

Trong bối cảnh này, người gửi tiền có xu hướng dịch chuyển sang các quỹ thị trường tiền tệ, với lãi suất thấp nhất là 4%/năm. Chưa kể, việc một số ngân hàng địa phương gặp khủng hoảng xuất phát từ sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) vào tháng 3/2023 cũng khiến người dân Mỹ lo ngại với việc gửi tiền tại các ngân hàng.

“Nếu duy trì tài khoản tiền mặt tại ngân hàng, vẫn có rủi ro người gửi không nhận được tiền của mình cũng như các khoản đền bù xứng đáng. Mọi người bắt đầu thức tỉnh sau sự cố SVB và dòng tiền theo đó cũng chuyển động”, Joseph Abate, chiến lược gia tại Barclays Plc nhận định.

Lãi suất tiền gửi trung bình tại các ngân hàng Mỹ ngày 18/9 vào khoảng 0,45%/năm, trong khi mức lợi nhuận của Crane 100 Money Fund Index - chỉ số đo lường mức lợi nhuận trung bình của 100 quỹ thị trường tiền tệ lớn nhất - là 5,16%, tính tới cuối tháng 8.

Với việc lãi suất USD tiếp tục gia tăng, lợi nhuận của các quỹ thị trường tiền tệ đã leo lên mức hơn 5%/năm lần đầu tiên kể từ trước khủng hoảng tài chính năm 2008. Điều này càng thúc giục người gửi tiền sớm hành động để tận hưởng lãi suất cao.

Theo số liệu của Investment Company Institute, từ khi Fed bắt đầu nâng lãi suất cách đây 18 tháng, tổng tài sản của các quỹ thị trường tiền tệ đã tăng hơn 1.000 tỷ USD, đưa tổng tài sản lên mức cao nhất từ trước tới nay với 5.640 tỷ USD. Trong đó, khoảng 900 tỷ USD được rót vào các quỹ thị trường tiền tệ kể từ đầu năm tới nay.

“5% nhận được từ các quỹ thị trường tiền tệ so với những gì nhận được từ tiền gửi nhà băng. Không cần phải nghĩ ngợi thêm về chuyện này”, Michael Bird - nhà quản lý quỹ Allspring Global Investments nói và cho biết, quỹ này đã chứng kiến dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân tăng gấp đôi kể từ đầu năm tới nay.

Về phía các nhà băng, kể từ tháng 3 tới nay, lượng tiền gửi đã giảm khoảng gần 700 tỷ USD. Điều này diễn ra phần nào cũng bởi các nhà băng không mặn mà với việc nâng lãi suất tiền gửi. Khi Fed bắt đầu nâng lãi suất vào tháng 3/2022, hệ thống tài chính, chủ yếu là nhóm ngân hàng, ngập tràn tiền mặt từ các cá nhân và tổ chức sau thời kỳ đại dịch và quãng thời gian nới lỏng tiền tệ. Hệ thống ngân hàng giữ lượng tiền gửi ở mức kỷ lục 19.900 tỷ USD vào thời điểm này, theo số liệu từ Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ. Theo đó, các nhà băng không vội trước động thái nâng lãi suất của các quỹ thị trường tiền tệ. Các ngân hàng thương mại cho biết, nâng lãi suất tiền gửi để cạnh tranh với các quỹ sẽ ăn mòn lợi nhuận của nhà băng. Trong khi để bảo vệ lợi nhuận, họ có thể nâng lãi suất cho vay.

Hiện tại, dường như các nhà băng đã bắt đầu chịu tổn thương trước diễn biến của dòng tiền. Một số ngân hàng lớn nhất nước Mỹ nâng các khoản vay lên khoảng 9% trong tháng 8, tương đương khoảng 70 tỷ USD, theo số liệu của Ngân hàng Dự trữ. Đồng thời, Federal Home Loan Bank System - đơn vị cung cấp các khoản vay cho nhà băng cũng ghi nhận lượng nợ tăng lên mức 1.249 tỷ USD trong tháng 8 so với con số 1.245 tỷ USD vào tháng 7.

Theo Shuo Li và Jasan Williams, chiến lược gia tại Citibank, điều này đồng nghĩa với việc các nhà băng đang “không còn cảm thấy thoải mái khi lượng tiền giảm xuống nhiều hơn so với mức hiện tại".

Với việc giới chức Fed tiếp tục ám chỉ sẽ duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn, dòng tiền gửi rút ra khỏi các nhà băng nhiều khả năng gia tăng. Theo Peter Crane, Chủ tịch Crane Data LLC - nhà cung cấp thông tin thị trường tiền tệ, diễn biến này khiến các ngân hàng rơi vào cảnh phải lựa chọn: chấp nhận giảm lợi nhuận hoặc mất đi tiền gửi và không loại trừ khả năng cả hai nỗi đau này cùng diễn ra.

Tin bài liên quan