Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết.

Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết.

Nhà đầu tư không được bồi thường vụ Trịnh Văn Quyết thao túng chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
Cơ quan điều tra xác định, không có căn cứ để xem xét, giải quyết đề nghị bồi thường của nhà đầu tư đối với 5 mã chứng khoán AMD, HAI, GAB, ART, FLC, do không có căn cứ xác định thiệt hại.

Vừa qua, Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra bổ sung vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Chứng khoán BOS, Công ty cổ phần Xây dựng Faros và các công ty có liên quan.

Quá trình điều tra xác định, từ năm 2014 đến tháng 9/2016, Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC chỉ đạo các cá nhân là lãnh đạo, nhân viên Công ty cổ phần Xây dựng Faros, các công ty thuộc Tập đoàn FLC, người thân, họ hàng đứng tên làm cổ đông góp vốn, thực hiện các thủ đoạn lập và ký khống hồ sơ góp vốn, nâng khống hơn 3.100 tỷ đồng vốn góp vào công ty này, làm tăng vốn điều lệ từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng.

Sau đó, các bị can tạo lập hồ sơ, đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán chấp thuận đăng ký thành công ty đại chúng, đăng ký lưu ký chứng khoán và niêm yết 430 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống của Công ty cổ phần Xây dựng Faros tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM.

Sau khi cổ phiếu được niêm yết, từ tháng 9/2016 đến tháng 3/2022 (thời điểm bị khởi tố, tạm giam), Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm đã bán hơn 391 triệu cổ phiếu, thu được hơn 4.818 tỷ đồng, trong đó chiếm đoạt 3.620 tỷ đồng của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Cùng với đó, Cơ quan điều tra cũng xác định, nhóm bị can Trịnh Văn Quyết đã có hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán” đối với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART.

Theo đó, trong thời gian từ ngày 26/5/2017 đến ngày 10/1/2022, Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế (em gái) cùng đồng phạm mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng lập hồ sơ, thủ tục để Huế thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng.

Huế đã quản lý, sử dụng các thông tin, tài khoản này để thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán đối với 5 mã cổ phiếu này. Khi giá cổ phiếu tăng, theo chỉ đạo của Quyết, Trịnh Thị Minh Huế bán cổ phiếu ra thị trường, thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng.

Trong quá trình điều tra vụ án, 685 nhà đầu tư có đơn tố cáo Trịnh Văn Quyết và đề nghị bồi thường thiệt hại với 6 mã chứng khoán nhóm FLC. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết, đã phân loại giải quyết theo quy định.

Cụ thể, đối với các nhà đầu tư mua cổ phiếu AMD, ART, HAI, GAB, FLC, Cơ quan điều tra cho rằng, không có căn cứ để xem xét giải quyết do không đủ căn cứ xác định thiệt hại của các nhà đầu tư do hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán” của Trịnh Văn Quyết và đồng phạm gây ra, theo kết luận giám định ngày 23/10/2023 của Bộ Tài chính.

Đối với các nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS (đã được phân loại, ghi lời khai, xác định bị hại kết luận trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”), có 126 đơn của các cá nhân tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của pháp nhân Công ty cổ phần Tập đoàn FLC và Công ty cổ phần FLC Quy Nhơn Golf & Resort; cá nhân Trịnh Văn Quyết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phân loại, chuyển Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều các địa phương để giải quyết theo thẩm quyền.

Ngoài ra, 44 đơn của 33 cá nhân ký hợp đồng đặt mua trái phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC phát hành tháng 12/2021, với giá 10.000 đồng/trái phiếu, lãi suất 12%/năm, Cơ quan điều tra cho rằng, đây là vụ việc tranh chấp dân sự, các bên đang thỏa thuận giải quyết chưa thống nhất, nếu các bên thỏa thuận không thống nhất thì khởi kiện ra tòa để được giải quyết theo quy định.

Tin bài liên quan