Hình ảnh nhếch nhác tại dự án nhà ở xã hội Chương Dương Home. Ảnh: Việt Dũng

Hình ảnh nhếch nhác tại dự án nhà ở xã hội Chương Dương Home. Ảnh: Việt Dũng

Nhà ở xã hội: Phía sau kỳ vọng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Được sở hữu một căn nhà ở xã hội là mơ ước của bao công nhân, người thu nhập thấp, thế nhưng kỳ vọng về chốn an cư vẫn chưa được trọn vẹn…

“Cơn khát” sắp được giải tỏa

Theo thống kê, trên cả nước hiện có hàng triệu lao động cần có nhà ở, nhưng số lượng nhà ở mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu. Tuy nhiên, cuộc đua xây dựng nhà ở xã hội bắt đầu “nóng” lên khi nhiều doanh nghiệp địa ốc có định hướng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền dành cho người lao động.

Mới nhất, sau Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp tổ chức cuối tuần qua dưới hình thức trực tuyến do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, nhiều tập đoàn bất động sản lớn công bố thông tin xây dựng nhà ở xã hội.

Đơn cử, Vingroup cam kết xây dựng 500.000 căn, Novaland nhận nhiệm vụ đầu tư xây dựng 200.000 căn tại các địa phương phía Nam với trọng tâm là TP.HCM. Các doanh nghiệp khác như Him Lam, Sun Group, Bitexco… cũng hưởng ứng kế hoạch của Chính phủ.

Trước đó, Tập đoàn Hưng Thịnh đã hợp tác với Tập đoàn Gỗ Trường Thành và Đồng Tâm Group để huy động nguồn lực chung của toàn bộ chuỗi giá trị bất động sản mỗi doanh nghiệp, từ ý tưởng, quỹ đất, quy hoạch, thiết kế, nguyên vật liệu, thiết bị, đến giải pháp kỹ thuật, giải pháp thi công, giải pháp quản trị dự án... cho đến khi hình thành được căn nhà. Mục tiêu của sáng kiến là tạo ra những ngôi nhà đảm bảo chất lượng, có giá thành phù hợp với người có thu nhập thấp.

Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, với quỹ đất, năng lực, kinh nghiệm triển khai dự án hiện tại, Hưng Thịnh sẽ xây dựng 150.000 căn nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền tại TP.HCM và mở rộng ra các địa phương lân cận.

Các thủ tục pháp lý và đề xuất chính sách từ góc độ doanh nghiệp cũng đang được đẩy mạnh, mục tiêu kêu gọi những giải pháp mang tính căn cơ, đồng bộ và thực tiễn cho bài toán an sinh - xã hội vốn đã tồn tại nhiều năm trên thị trường bất động sản.

Khởi công từ năm 2016, đến nay dự án nhà ở xã hội ở xã Vĩnh Lộc A vẫn chưa hoàn thiện. Ảnh: Việt Dũng

Khởi công từ năm 2016, đến nay dự án nhà ở xã hội ở xã Vĩnh Lộc A vẫn chưa hoàn thiện. Ảnh: Việt Dũng

Phía sau kỳ vọng

Việc các “ông lớn” bất động sản xắn tay vào cuộc không chỉ giúp giải tỏa cơn khát về nguồn cung, mà còn thắp lên hy vọng sẽ khắc phục được những tồn tại đang diễn ra tại nhiều dự án nhà ở xã hội được đầu tư kém bài bản, thậm chí nhếch nhác trước đó.

Đơn cử, tại dự án nhà ở xã hội Chương Dương Home dành cho người có thu nhập thấp có quy mô khá lớn, gồm 5 block cao 12 tầng, số lượng căn hộ gần 1.177 căn, với diện tích sàn 68.360 m2, từ tháng 6/2018 đến nay đã giải quyết nơi sinh sống cho 1.028 hộ dân. Những tưởng có thể an cư lập nghiệp, thế nhưng thời gian qua, cư dân nơi đây luôn trong tình trạng bức xúc do chất lượng dịch vụ yếu kém.

Theo phản ánh của cư dân, ban quản lý vẫn thu phí đều đặn, nhưng chưa chú trọng hoàn thiện các dịch vụ tối thiểu, chẳng hạn hầm giữ xe không đủ đáp ứng cho cả xe 2 bánh, hầu hết các phương tiện phải để ngoài trời, không được che chắn dễ gây hư hỏng, hao mòn. Các tiện ích như trung tâm thương mại, nhà trẻ… vẫn chưa được triển khai, cho dù dự án đã đưa vào hoạt động hơn 4 năm, thậm chí khu vui chơi cho trẻ em cư dân cũng phải tự bỏ tiền túi xây dựng.

Đặc biệt, chất lượng chung cư đang dần xuống cấp, một số căn hộ có hiện tượng bong tróc, thấm nước; thiếu bình chữa cháy tại một số nơi, hệ thống báo cháy thường xuyên bị trục trặc; hệ thống xử lý nước thải quá tải dẫn đến ảnh hưởng tới môi trường sống… Các vấn đề được cư dân nhiều lần phản ánh với ban quản lý chung cư nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng.

Tương tự, tập thể cư dân tại khu nhà ở xã hội IDICO đã phải gửi đơn cầu cứu tới UBND huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) do chủ đầu tư tăng phí dịch vụ lên đến hơn 70%, trong khi chất lượng dịch vụ chưa cải thiện hơn. Cụ thể, đối với căn hộ có diện tích 33 m2 tăng từ 100.000 đồng lên 171.000 đồng (tương đương 5.100 đồng/m2); căn hộ 53,45 m2 tăng từ 170.000 đồng lên 305.000 đồng (tương đương 5.700 đồng/m2)… Nhiều hộ dân đã bị cắt điện sinh hoạt do không chấp nhận đóng theo phí mới. Thậm chí, có hộ dân chấp nhận thắp đèn cầy, nấu nướng bằng bếp gas… để phản đối.

Để giải quyết những bức xúc, ông Nguyễn Thế Phong, Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch đã chủ trì buổi làm việc với Công ty TNHH MTV Phát triển đô thị và Khu công nghiệp IDICO (Công ty IDICO, chủ đầu tư dự án) cùng đại diện các sở, ngành, địa phương liên quan. Sau khi lắng nghe ý kiến các bên, lãnh đạo huyện Nhơn Trạch cùng các đơn vị chức năng nhận định, Công ty IDICO cắt điện của các hộ dân với lý do chưa đóng phí dịch vụ là không đúng quy định, vi phạm Thông tư số 22/2020/TT-BCT của Bộ Công thương.

Trước kết luận này, đại diện chủ đầu tư cho biết, đang cố gắng kiện toàn lại ban quản trị để sớm bàn giao lại việc vận hành các tòa nhà ở xã hội. Trong khi đó, các cư dân mong muốn chủ đầu tư đưa ra mức phí dịch vụ phù hợp với quy định và hoàn trả phần tiền chênh.

“Trước mắt, vẫn phải chờ bên thứ 3 vào kiểm tra, cân đối lại mọi chi phí để có kết quả sớm nhất. Dự kiến 2-3 tuần nữa sẽ có kết quả cuối cùng”, vị đại diện trên nói.

Ngoài chi phí, chất lượng dịch vụ, tiến độ xây dựng chậm trễ cũng là vấn đề gây bức xúc. Chẳng hạn, dự án nhà ở xã hội ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển An Nhân (Công ty An Nhân) làm chủ đầu tư, khởi công từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện để bàn giao cho người mua nhà.

Theo phản ánh của khách hàng, trong tháng 6/2022, chủ đầu tư mời người mua nhà tại dự án đến để “bàn giao kỹ thuật” căn hộ. Tuy nhiên, các căn hộ vẫn chưa được hoàn thiện nội thất, chưa có đèn, điện, nước. Tại block B, các căn hộ còn chưa được lát gạch nền, nhiều căn chưa có cửa chính. Bên ngoài các block chung cư, nước mưa đọng thành vũng, các bậc thang lên xuống được xây bằng gạch đóng rêu xanh…

Chị Trần Thị Thanh, người mua nhà tại dự án chia sẻ, do nguồn tài chính hạn chế nên chọn nhà ở xã hội với mong có một nơi để ở. Khi mua, chị chỉ nghĩ đơn giản rằng Nhà nước sẽ bảo hộ, làm nhà ở giá rẻ để người nghèo có nơi an cư, thế nhưng thực tế không như kỳ.

“Chúng tôi đều hy vọng khi có sự quyết tâm vào cuộc của chính quyền và các doanh nghiệp lớn trong ngành thì những vấn đề như hiện nay sẽ không diễn ra nữa. Chỉ khi được an cư thì chúng tôi mới yên tâm lao động và sản xuất được”, chị Thanh bộc bạch.

Tin bài liên quan