
Trung tâm giao dịch bất động sản một cửa sẽ tiết kiệm đáng kể thời gian giao dịch. Ảnh: Thanh Vũ
Trong Quyết định 110/QĐ-BXD, Bộ Xây dựng đã đề xuất việc nghiên cứu thí điểm mô hình trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý.
Theo đó, trung tâm sẽ hoạt động theo cơ chế một cửa liên thông, tăng cường sử dụng hệ thống công nghệ 4.0. Các giao dịch được xử lý bao gồm giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai, giao dịch quyền sử dụng đất, giao dịch bất động sản có sẵn, cho thuê nhà ở.
Về quy trình, sau khi bên bán và bên mua đạt được thỏa thuận giao dịch và làm thủ tục lập hồ sơ ký hợp đồng mua bán theo quy định của pháp luật, hai bên sẽ truy cập website cổng thông tin điện tử của trung tâm, điền thông tin, nộp đơn xin yêu cầu làm thủ tục sang tên trực tuyến.
Ba cơ quan thẩm quyền sẽ thụ lý trực tuyến, xét duyệt theo chức năng của từng cơ quan. Sau 2 ngày làm việc hoàn tất xét duyệt, bên mua sẽ nhận được tin nhắn thông báo và có thể đặt lịch hẹn để đến trung tâm nhận ngay giấy chứng nhận sở hữu bất động sản.
Phía Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản sẽ là đơn vị thực hiện việc nghiên cứu đề án. Đơn vị phối hợp sẽ gồm Vụ Quy hoạch - Kiến trúc, Cục Phát triển đô thị, Cục Hoạt động xây dựng và các cơ quan liên quan. Thời gian thực hiện là quý II/2025.
Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), mô hình trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý có cốt lõi là hệ thống dữ liệu. Thông tin của bất động sản sẽ phải được định danh, có mã số.
“Phải hướng việc xây dựng trung tâm dữ liệu là trọng tâm để sau này có thể kiểm soát việc mua bán bất động sản. Bất động sản không được định danh sẽ được coi là bất hợp pháp”, ông Đính nhận định.
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, ông Trần Trọng Vũ, người sáng lập đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản S.PER bày tỏ sự hoan nghênh trước đề xuất của Bộ Xây dựng.
Vị chuyên gia kỳ vọng mô hình trung tâm giao dịch bất động sản sẽ làm chùn tay giới đầu cơ, đặc biệt là các đối tượng chuyên ký gửi nhà, đất tại phòng công chứng. Ngoài ra, các chủ đầu tư cũng sẽ phải bảo đảm tính pháp lý của dự án mới có thể tiến hành giao dịch với khách hàng.
“Không chỉ vậy, mô hình mới sẽ cắt giảm đáng kể thời gian và thủ tục hành chính. Người dân khi giao dịch bất động sản sẽ không phải ‘lặn lội’ di chuyển từ phòng công chứng, qua văn phòng đăng ký đất đai rồi qua bên thuế… Như vậy, mô hình này sẽ là một mũi tên trúng nhiều đích, khi vừa tránh thất thu ngân sách, vừa mở ra cơ hội để thanh lọc, chuyên nghiệp hoá thị trường”, ông Trần Trọng Vũ bình luận.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội hào hứng cho rằng, mô hình trung tâm giao dịch sẽ là một bước tiến lớn đối với ngành bất động sản, khi vừa giúp minh bạch hóa thị trường, vừa giúp tiết kiệm thời gian giao dịch.
Theo ông Điệp, những công đoạn tưởng chừng đơn giản như sang tên sổ đỏ đang tiêu tốn khá nhiều thời gian, đặc biệt là khi người mua yêu cầu cấp sổ mới. Ngoài ra, việc hoàn thiện mô hình trung tâm giao dịch sẽ giúp phía cơ quan quản lý có thêm dữ liệu về thị trường, từ đó đưa ra những phương án điều tiết hợp lý mỗi khi thị trường địa ốc “đóng băng” hoặc “sốt nóng”.
Trước đó, vào đầu tháng 5/2025, Bộ Tài chính cho biết đang nghiên cứu phương án lựa chọn áp dụng giữa 2 phương án tính thuế, phụ thuộc vào thông tin giao dịch chuyển nhượng bất động sản. Trong đó, phương án tính thuế 20% sẽ dựa trên trên giá trị chênh lệch giữa giá mua và giá bán.
Tuy nhiên, Bộ cho rằng cần 2 điều kiện để hiện thực hoá phương án trên. Một là, cơ sở dữ liệu về lịch sử giao dịch của thửa đất phản ánh đúng giá giao dịch của các lần chuyển nhượng. Hai là, quy định rõ tại văn bản quy phạm pháp luật về các khoản chi phí được trừ và điều kiện về hóa đơn, chứng từ chứng minh, cũng như giá vốn của bất động sản chuyển nhượng. Tuy nhiên, hiện cả hai điều kiện này vẫn chưa được đảm bảo.