Khu công nghiệp cần đóng vai trò như một nền tảng tích hợp dịch vụ - đổi mới - kết nối cộng đồng sản xuất

Khu công nghiệp cần đóng vai trò như một nền tảng tích hợp dịch vụ - đổi mới - kết nối cộng đồng sản xuất

Khu công nghiệp không thể chỉ “cho thuê đất”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Biến động thuế quan đang khiến nhiều dự án đầu tư mới chững lại, buộc các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp không thể đi theo lối cũ.

Dòng vốn FDI thận trọng hơn

Trò chuyện cùng Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Trương Khắc Nguyên Minh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Prodezi Long An - nhà phát triển bất động sản công nghiệp tại phía Nam - cho hay, qua quan sát thị trường và thực tiễn làm việc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp ghi nhận rõ sự chuyển dịch trong hành vi và chiến lược đầu tư của khách thuê, đặc biệt sau những tác động ban đầu từ biến động thuế quan của Mỹ.

Mặc dù Chính phủ Mỹ đã hoãn thực thi chính sách thuế đối ứng trong vòng 90 ngày và tín hiệu từ một số cuộc đàm phán thương mại giữa các nền kinh tế lớn với Mỹ cho thấy có sự “xuống thang” nhất định giữa các bên, nhưng theo ông Minh, các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đang trong giai đoạn ra quyết định đầu tư có sự chững lại rõ rệt. Đặc biệt, nhiều dự án đầu tư có liên kết chặt chẽ với chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, hoặc đầu ra phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ đã bị tạm dừng, hoặc hủy bỏ kế hoạch đầu tư, nhất là các dự án có biên lợi nhuận thấp hoặc mô hình sản xuất truyền thống, thiếu khả năng linh hoạt.

Còn theo khảo sát gần đây của EuroCham, nhiều nhà đầu tư vẫn duy trì góc nhìn tích cực đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam, đồng thời đặt kỳ vọng vào các biện pháp ổn định thị trường từ phía Chính phủ. Tuy nhiên, họ cũng đang tính toán lại các kịch bản và lộ trình đầu tư phù hợp với bối cảnh mới của nền kinh tế toàn cầu. Điểm đáng chú ý là, có tới 47% số doanh nghiệp tham gia khảo sát không có hoạt động kinh doanh trực tiếp với Hoa Kỳ.

Bình luận về câu chuyện thu hút đầu tư và biến động thuế quan, ông Vũ Công Trụ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Vietnam Solution cho rằng, Việt Nam đang được thế giới biết đến nhiều hơn nhờ chính sách ngoại giao năng động và các cải tổ lớn về bộ máy hành chính, chính sách cũng như các cam kết trong hội nhập quốc tế. Ngày càng có nhiều nhà đầu tư quốc tế tìm hiểu về Việt Nam, cả qua kênh ngoại giao và xúc tiến đầu tư chính thống. Tuy vậy, xuất nhập khẩu sẽ khó khăn hơn và thu hút vốn FDI thời gian tới có thể bị ảnh hưởng từ các biến động thương mại toàn cầu, trong đó đáng lưu ý là câu chuyện chính sách thuế đối ứng của Mỹ.

Ông Trụ cho rằng, với nhóm nhà đầu tư đã vào Việt Nam, nếu sản phẩm chủ lực xuất khẩu sang Mỹ, câu chuyện duy trì hay mở rộng sản xuất sẽ được cân nhắc. Họ có thể phải tính đến việc thay đổi cơ cấu sản phẩm, hoặc chuyển dịch sản xuất sang quốc gia có thuế quan với Mỹ thấp hơn.

Doanh nghiệp cho thuê khu công nghiệp cần thích ứng

Việc thu hút dòng vốn chất lượng cao ngày nay không còn đơn thuần là cung cấp đất hay hạ tầng cơ bản.

Ông Trương Khắc Nguyên Minh, Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần Prodezi Long An

Theo các chuyên gia, dù các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ đang được xúc tiến, song biến động thuế quan vẫn là rủi ro hiện hữu với các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Điều các doanh nghiệp xuất khẩu cần làm trong giai đoạn hiện tại là đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, tìm kiếm các thị trường mới, giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ; chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ dựa trên vốn và lao động sang dựa trên khoa học, công nghệ, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao…

Ông Bruno Sivanandan, Tiểu ban Kỹ thuật số (DSC) của EuroCham cho biết, trong bối cảnh Việt Nam mong muốn trở thành một trung tâm sản xuất bán dẫn và châu Âu đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình đã tạo ra nền tảng vững chắc cho sự hợp tác song phương. Hiện Ủy ban Châu Âu đã công bố Đạo luật chip châu Âu (EU Chips Act), cùng với nhiều chương trình hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn. EuroCham cũng đang làm việc với các doanh nghiệp tư nhân có quan tâm tới thị trường Việt Nam. Do đó, Việt Nam cũng cần xây dựng một kế hoạch chi tiết để chuẩn bị môi trường phù hợp cho ngành công nghiệp bán dẫn, bao gồm năng lượng, nguồn nhân lực chất lượng cao, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ…

“Một lợi thế lớn của Việt Nam là đã có những doanh nghiệp công nghệ nội địa mạnh mẽ và có năng lực, đóng vai trò như những “tech champions” để đồng hành và thúc đẩy ngành công nghiệp này”, ông Bruno Sivanandan nhấn mạnh.

Trong bối cảnh mới, không chỉ các doanh nghiệp xuất khẩu mà các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp cũng phải chuyển mình để thích nghi. Ông Trương Khắc Nguyên Minh cho hay, Prodezi Long An đang đa dạng hóa nhóm khách hàng - đối tác mục tiêu nhằm hướng tới sự cân bằng giữa các dòng vốn đến từ Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc và ASEAN. Cùng với đó, Công ty phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái, tích hợp tiêu chuẩn ESG và nguyên tắc kinh tế tuần hoàn nhằm tạo ra không gian sản xuất hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Ngoài ra, Prodezi còn tăng cường dịch vụ hỗ trợ đầu tư, nâng cao trải nghiệm của khách thuê - từ hạ tầng số, logistics nội khu, dịch vụ “một cửa” đến hỗ trợ thu hút nguồn nhân lực.

“Việc thu hút dòng vốn chất lượng cao ngày nay không còn đơn thuần là cung cấp đất hay hạ tầng cơ bản. Các nhà đầu tư thế hệ mới, đặc biệt là những doanh nghiệp thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu, luôn đi cùng một hệ sinh thái các nhà cung ứng, đối tác công nghệ và yêu cầu vận hành linh hoạt. Chính vì vậy, khu công nghiệp cần đóng vai trò như một nền tảng tích hợp dịch vụ - đổi mới - kết nối cộng đồng sản xuất, chứ không chỉ là nơi “cho thuê đất”, ông Minh nhấn mạnh.

Còn theo ông Trụ, trong giai đoạn hiện tại, các nhà phát triển khu công nghiệp cần nâng cao chất lượng “dịch vụ mềm”, từ tư vấn, hỗ trợ khách thuê về mặt giải pháp trong suốt quá trình đầu tư cho tới hỗ trợ khách hàng kết nối, đàm phán kinh doanh, thậm chí là tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, thông qua các chương trình xúc tiến, liên kết kinh doanh, để vượt qua các thách thức từ biến động thuế quan từ Mỹ.

Đồng quan điểm về đòi hỏi thích ứng trong tình hình mới, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Hà Nội cho hay, bất động sản công nghiệp chủ yếu phục vụ sản xuất - kinh doanh, tỷ trọng lớn của Việt Nam là xuất khẩu và trong bối cảnh hiện tại, cần tập trung sản xuất, kinh doanh hướng đến các đối tác có hiệp định thương mại tự do hai bên.

Tin bài liên quan