Các dự án hạ tầng giao thông lớn đang tạo nguồn việc làm cho khối nhà thầu xây dựng. Ảnh: Dũng Minh

Các dự án hạ tầng giao thông lớn đang tạo nguồn việc làm cho khối nhà thầu xây dựng. Ảnh: Dũng Minh

Nhà thầu xây lắp “ngóng” việc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nguồn việc làm của các nhà thầu xây dựng đang có sự phân hóa rõ nét, khi mà nhóm nhà thầu thi công dự án đầu tư công bận rộn ngược xuôi, còn nhóm nhà thầu dự án ngoài ngân sách “ngồi chơi xơi nước”.

Người làm không hết, kẻ lần chẳng ra

Mở đầu câu chuyện cùng phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, hiệu ứng đầu tư công đang mang đến những tín hiệu tích cực cho cộng đồng nhà thầu xây dựng.

Theo ông Hiệp, các doanh nghiệp nhóm này có thể chia thành 2 khối là khối đầu tư công và khối ngoài ngân sách. Trên thực tế, nguồn việc của 2 khối này có sự phân hóa rõ nét. Khối các doanh nghiệp nhà thầu thi công các dự án đầu tư công đang có nhiều việc nhờ chủ trương của Chính phủ đẩy mạnh triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trên cả nước như dự án sân bay Long Thành (chuẩn bị mở thầu trong tháng 11 tới), cao tốc Bắc - Nam…

Tất nhiên, không phải doanh nghiệp nào trong khối cũng nhận được dự án vì còn liên quan đến các quy định về năng lực tài chính, kỹ thuật… Chẳng hạn, gói thầu dự án sân bay Long Thành hay đường cao tốc Bắc - Nam đều là các gói đầu tư lớn, vốn đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng nên chỉ doanh nghiệp lớn, đủ năng lực tài chính, kỹ thuật… mới có thể đảm trách, còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ làm thầu phụ.

Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp nhà thầu thi công các dự án ngoài ngân sách, mà chủ yếu là các dự án bất động sản thương mại, tình hình không mấy khả quan do dự án ít, dẫn đến nguồn việc thiếu thốn. Ông Bùi Khắc Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai (Xuân Mai Corp) cho hay, nhiều doanh nghiệp nhà thầu đang gặp khó khăn do nguồn việc làm ít, nhất là những nhà thầu không tham gia nhiều vào mảng đầu tư công.

“Thời gian qua, rất nhiều dự án bất động sản thương mại trong nước cũng như dự án FDI bị đình trệ do vướng thủ tục pháp lý khiến các doanh nghiệp nhà thầu không đảm bảo được nguồn việc. Ngoài ra, việc thắt chặt tín dụng bất động sản cũng làm trầm trọng thêm tình trạng nợ đọng, gây nhiều bất lợi cho nhà thầu xây dựng”, ông Sơn nói.

Đồng quan điểm, ông Trung Kiên, nhà sáng lập Công ty Quản lý tài sản Vietnam Holdings Inc cho hay, cả doanh nghiệp bất động sản lẫn nhà thầu xây dựng đều đang đối mặt với khó khăn do dòng tiền bị siết chặt. Cùng với đó, giá nguyên vật liệu xây dựng, nhất là sắt, thép, xi măng…, dù đã điều chỉnh giảm nhưng vẫn neo ở mức cao, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của doanh nghiệp.

Đặc biệt, theo ông Kiên, dù đã có nhiều nỗ lực từ Chính phủ và các địa phương, nhưng thực tế tại nhiều dự án, việc bàn giao mặt bằng vẫn bị chậm, ảnh hưởng tới tiến độ thi công và chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ của lĩnh vực này tới thị trường bất động sản hay các doanh nghiệp nhà thầu.

Ông Kiên cũng cho rằng, nền kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ suy thoái và Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy này, dẫn đến việc các doanh nghiệp trong nước vừa phải đối mặt với khó khăn về dòng tiền, kế hoạch triển khai dự án, vừa phải giữ tâm lý cẩn trọng, nghe ngóng nhiều hơn. Những điều này phần nào tác động đến hoạt động của nhóm doanh nghiệp địa ốc và thị trường việc làm của nhà thầu những tháng cuối năm 2022.

Không thiếu nguyên liệu

Không nhiều dự án bất động sản được triển khai cuối năm. Ảnh: Dũng Minh
Không nhiều dự án bất động sản được triển khai cuối năm. Ảnh: Dũng Minh

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện một doanh nghiệp chuyên cung cấp vật liệu xây dựng phía Nam cho biết, hiện tại, do một số dự án hạ tầng trọng điểm bị chậm tiến độ nên nguồn nguyên liệu không những không thiếu mà còn thừa thãi. Theo vị này, thị trường vật liệu xây dựng phụ thuộc nhiều vào các dự án lớn, nên nếu dự án nào bị đình trệ thì đều bị ảnh hưởng.

“Thật ra, với thị trường phía Nam, câu chuyện khan hiếm vật liệu nhiều khi chỉ diễn ra ‘trên ti-vi, báo đài’. Kể cả ở thời điểm các dự án lớn được triển khai rầm rộ thì cũng không đến mức khan hiếm, thậm chí chúng tôi còn đang ế một số loại đá xây dựng, nếu có thì cũng chỉ diễn ra cục bộ ở một vài khu vực cũng như một số nguyên liệu như đất san lấp, cát…, nhưng đằng sau đó là những ‘góc khuất’ mà người ngoài ngành không biết được”, vị đại diện doanh nghiệp trên nói và dẫn chứng, chẳng hạn như việc khan hiếm đất san lấp, nhiều khi việc “khóc” thiếu nguyên liệu là có chủ ý để lồng ghép dự án, khai thác các mỏ lộ thiên khác. Hay như với cát, việc thiếu nguồn cung thực chất là do trước đây có đến quá nửa là cát lậu, nhưng nay công tác quản lý khai thác cát được siết chặt mới dẫn đến hụt cung.

Liên quan tới giá thành sản phẩm, vị đại diện doanh nghiệp này cho biết, giá nguyên vật liệu cao không xuất phát từ việc khan hiếm nguồn cung, mà chủ yếu do thời gian gần đây, nhiều địa phương phía Nam đẩy mạnh hoạt động thanh tra, xử lý xe chở quá tải trọng khiến giá cước vận chuyển tăng cao, từ đó kéo giá sản phẩm tăng theo.

“Trước đây, hầu hết phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng đều chở vượt gấp đôi tải trọng đăng ký, trong khi giá cước được hình thành trên mức độ trọng tải, nên khi buộc phải chạy đúng tải trọng thì việc tăng giá cước là dễ hiểu”, vị này lý giải, đồng thời cho biết thêm, mặt khác, trước đây, nếu vi phạm tải trọng chỉ có xe chở nguyên liệu bị phạt, thì nay cơ quan chức năng có thể “truy vết” và phạt cả mỏ bán nguyên vật liệu, tất cả những điều này đều tác động lên giá vật liệu xây dựng.

Quay trở lại câu chuyện thị trường xây dựng những tháng cuối năm 2022, theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, dù việc thúc đẩy triển khai các dự án hạ tầng lớn đang mang lại hiệu ứng tích cực cho nhóm nhà thầu chuyên thi công những dự án đầu tư công, song không phải nhà thầu nào cũng được hưởng lợi, mà một tỷ lệ lớn nhà thầu quy mô vừa và nhỏ đang đối mặt với khó khăn, nhất là về nguồn tài chính.

“Năm 2022, sẽ chỉ một số nhà thầu xây dựng lớn có thể hoàn thành được kế hoạch đề ra, còn đa phần sẽ khó hoàn thành mục tiêu kinh doanh cả năm nay”, ông Hiệp nhận xét.

Còn ông Bùi Khắc Sơn cho hay, dù năm 2022 sản lượng từ thi công, xây lắp có tăng trưởng so với năm 2021, song vì một số nguyên nhân khách quan nên có những dự án đã trúng thầu nhưng chưa thể triển khai. Do đó, doanh thu và lợi nhuận của Xuân Mai Corp có thể thấp hơn đôi chút so với kế hoạch đề ra.

“Chúng tôi đang triển khai một số dự án bất động sản dở dang, còn một số dự án liên quan đến khối FDI có sự điều chỉnh giấy phép nên chưa thể thi công. Điều này ảnh hưởng đến việc hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch năm của đơn vị”, ông Sơn nói.

Tin bài liên quan