Nhà thu mua ở các thị trường Bắc Âu cần gì ở các doanh nghiệp Việt Nam?

Nhà thu mua ở các thị trường Bắc Âu cần gì ở các doanh nghiệp Việt Nam?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Xu hướng sản xuất và kinh doanh bền vững và có trách nhiệm hơn ngày càng được quan tâm

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm các nước Bắc Âu, kết thúc sự kiện Sourcing Fair 2023, các tập đoàn lớn trong lĩnh vực nội thất, hàng gia dụng như FH (Đan Mạch), IKEA (Thụy Điển), hay các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu thực phẩm Á châu như Scanesia (Na Uy), East Asia (Thụy Điển)… khi tham gia hội chợ đã ít nhiều có cái nhìn tích cực hơn đối với thị trường Việt Nam nói chung và hàng xuất khẩu của Việt Nam nói riêng. Một số hợp đồng đã được ký kết ngay sau hội chợ. Nhiều mặt hàng mới được đưa vào thị trường từ bánh mì Việt Nam đông lạnh, đến đu đủ xanh nạo sợi…

Đối với IKEA, nhóm hàng đồ gỗ, nội thất, họ lựa chọn các nhà cung cấp cùng chia sẻ giá trị và hoài bão nhằm tạo nên ảnh hưởng tích cực cho nhân loại và hành tinh. IKEA đã xây dựng tiêu chuẩn IWAY - Bộ quy tắc thu mua, cung ứng có trách nhiệm - là tiền đề cốt lõi trong hoạt động kinh doanh dành cho các nhà cung cấp của IKEA.

IWAY là cách IKEA cùng các nhà cung cấp đảm bảo hoạt động tìm nguồn cung ứng cho các sản phẩm, dịch vụ, vật liệu và linh kiện có trách nhiệm, bằng cách xác định các kỳ vọng và cách thức làm việc rõ ràng đối với các nhà cung cấp, đảm bảo hoạt động kinh doanh luôn vì môi trường, xã hội, điều kiện làm việc của người lao động và cả phúc lợi động vật. Thực hiện các tiêu chuẩn IWAY cũng là điều kiện tiên quyết và bắt buộc đối với tất cả các đối tác cung ứng và nhà cung cấp dịch vụ khi làm việc với IKEA. Bộ quy tắc IWAY mong muốn đem lại giá trị việc làm có ý nghĩa cho tất cả người lao động và góp phần đem lại thay đổi tích cực tại cộng đồng địa phương trong toàn bộ chuỗi giá trị của IKEA trên toàn cầu.

Đối với FH, ngoài các tiêu chuẩn cơ bản thường, họ nhấn mạnh tìm nhà cung ứng có chứng chỉ BSCI/Amfori (Business Social Compliance Initiative).

Đối với các doanh nghiệp thực phẩm, các sản phẩm không những đáp ứng yêu cầu bắt buộc của EU như an toàn sản phẩm, dư lượng thuốc trừ sâu… mà còn phải đáp ứng được các yêu cầu rất khắt khe của người mua như các chứng nhận về môi trường, trách nhiệm xã hội…

“Nói chung, đối với tất cả các nhóm mặt hàng, xu hướng sản xuất và kinh doanh bền vững và có trách nhiệm hơn ngày càng được quan tâm. Xu hướng này liên quan đến nhiều khía cạnh trong chuỗi cung ứng, bao gồm điều kiện làm việc, sử dụng nước, quản lý chất thải, giảm phát thảo... Sản phẩm của doanh nghiệp sẽ được người mua Bắc Âu chấp nhận nếu tuân thủ các sáng kiến bền vững”, bà Thúy nhấn mạnh.

Tiếp nối thành công của Sourcing Fair 2023, Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển đã và đang tăng cường quảng bá, tiếp thị cho sự kiện Sourcing Fair thông qua các hoạt động trực tuyến và trực tiếp để cung cấp thông tin chi tiết về cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư tại thị trường Việt Nam, cơ hội nhập khẩu hàng Việt Nam chất lượng cao với mức thuế ưu đãi do Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) mang lại.

Ngoài việc tham dự chuỗi sự kiện Sourcing Fair 2024, Thương vụ thiết kế chương trình riêng cho từng nhóm doanh nghiệp theo yêu cầu. Hiện nay, dự kiến IKEA, CTFood, Á Châu Liên và 1 đoàn doanh nghiệp của Latvia do Phòng Thương mại và Công nghiệp Latvia đồng tổ chức cùng Thương vụ sẽ vào Việt Nam tham dự Sourcing Fair 2024.

“Thương vụ khẳng định châu Âu vẫn là thị trường tiềm năng, tuy nhiên các yêu cầu ngày càng khắt khe và doanh nghiệp cần phải thay đổi để đáp ứng được yêu cầu của EU”, bà Thúy cho biết.

Tin bài liên quan