Nhà vệ sinh không phát thải: Đã vận hành và có tiềm năng nhân rộng tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trường Tiểu học Long Phú C (tỉnh Sóc Trăng) là điểm trường đầu tiên có nhà vệ sinh không phát thải, sử dụng hệ thống bể Aquonic và năng lượng mặt trời để xử lý nước thải thành nước an toàn. Mô hình này đã có mặt tại nhiều quốc gia trước khi được UNICEF thí điểm thành công tại Việt Nam với sự hỗ trợ của Masterise, với khả năng nhân rộng trên toàn quốc.

Thành công đưa sáng kiến nhà vệ sinh không phát thải tới Việt Nam

Theo khảo sát do UNICEF phối hợp cùng Trung tâm Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tại Sóc Trăng, hơn 40% trường học không có nước sạch và cơ sở vật chất hợp vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng học tập của học sinh.

Bể Aquonic đã được lắp đặt và đi vào vận hành từ tháng 11/2023 tại Trường Tiểu Học Long Phú C (Sóc Trăng). Ảnh: UNICEF Việt Nam

Bể Aquonic đã được lắp đặt và đi vào vận hành từ tháng 11/2023 tại Trường Tiểu Học Long Phú C (Sóc Trăng). Ảnh: UNICEF Việt Nam

Với mong muốn cải thiện tiếp cận nước sạch và vệ sinh môi trường, dự án đặt ra mục tiêu nâng cấp công trình nhà vệ sinh và áp dụng năng lượng tái tạo (như năng lượng mặt trời) tại 7 trường học và nâng cấp hệ thống xử lý, mở rộng mạng lưới và áp dụng năng lượng tái tạo tại 2 trạm cấp nước tập trung. Trong số 7 trường học thí điểm, dự án đã chọn ra điểm trường Tiểu học Long Phú C để thí điểm mô hình Nhà vệ sinh không phát thải.

Học sinh tại 7 điểm trường thuộc tỉnh Sóc Trăng hào hứng trong năm học mới vì đã có nhà vệ sinh sạch, an toàn hơn với sự hỗ trợ của dự án Innovation for Children. Ảnh: UNICEF Việt Nam

Học sinh tại 7 điểm trường thuộc tỉnh Sóc Trăng hào hứng trong năm học mới vì đã có nhà vệ sinh sạch, an toàn hơn với sự hỗ trợ của dự án Innovation for Children. Ảnh: UNICEF Việt Nam

Hệ thống xử lý nước thải “Net Zero Aquonic” là sáng kiến được tài trợ bởi Quỹ Bill & Melinda Gates và sản xuất bởi Tập đoàn SCG Chemical tại Thái Lan, xử lý nước thải không phát thải khí nhà kính gồm các bể xử lý nhỏ gọn với nhiều cấu phần, có thể biến nước thải từ bể tự hoại thành nước sạch, không chứa mầm bệnh và có thể tái sử dụng để tưới tiêu hoặc xả nhà vệ sinh. Hệ thống xử lý tuần hoàn được vận hành bằng nguồn năng lượng sạch từ pin mặt trời, góp phần giải quyết các vấn đề do hạn hán và xâm nhập mặn tại Sóc Trăng.

Sơ đồ triển khai mô hình nhà vệ sinh không phát thải trong khuôn khổ dự án Innovation for Children, thực hiện bởi Masterise và UNICEF Việt Nam. Ảnh: Masterise Group

Sơ đồ triển khai mô hình nhà vệ sinh không phát thải trong khuôn khổ dự án Innovation for Children, thực hiện bởi Masterise và UNICEF Việt Nam. Ảnh: Masterise Group

Mô hình này được lần đầu lắp đặt năm 2019 tại một khu dân cư thu nhập thấp ở Bangkok. Đáp ứng các yêu cầu của ISO 30500, hệ thống đã đạt kết quả đáng ngạc nhiên: giảm tới 91% tổng chất rắn lơ lửng và giảm 99.99% vi khuẩn E.coli cho giai đoạn xử lý nước thải.

Khi đưa mô hình về Việt Nam, cụ thể là tại Trường Tiểu học Long Phú C, dự án đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của chính quyền địa phương và nhà trường. Để đáp ứng nhu cầu của 200 học sinh và giáo viên, một hệ thống bể Aquonic đã được lắp đặt và chính thức đi vào vận hành từ tháng 11/2023.

Đại diện Masterise Group và UNICEF trong buổi bàn giao nhà vệ sinh không phát thải tại trường Tiểu học Long Phú C. Ảnh: UNICEF Việt Nam

Đại diện Masterise Group và UNICEF trong buổi bàn giao nhà vệ sinh không phát thải tại trường Tiểu học Long Phú C. Ảnh: UNICEF Việt Nam

Công trình hiện đang nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các em học sinh và giáo viên - đối tượng thụ hưởng trực tiếp của công trình. Anh Thơ và các bạn tại trường Tiểu học Long Phú C đều rất vui vì năm học này nhà vệ sinh đã trở nên sạch và an toàn hơn. "Để giữ vệ sinh, chúng con sẽ nhắc nhau và nhắc những em nhỏ sau khi sử dụng phải xả nước. Chúng con cũng nhớ rửa tay trước khi ăn và sau khi sử dụng nhà vệ sinh", Anh Thơ chia sẻ.

Anh Thơ bên bức tranh do em tự vẽ về ước mơ có nhà vệ sinh sạch, an toàn tại trường học. Ảnh: UNICEF Việt Nam

Anh Thơ bên bức tranh do em tự vẽ về ước mơ có nhà vệ sinh sạch, an toàn tại trường học. Ảnh: UNICEF Việt Nam

Để đảm bảo tính bền vững của dự án, đại diện các bên liên quan từ cấp trung ương và tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện ký kết về trách nhiệm của từng bên trong việc vận hành, duy trì và bảo dưỡng hệ thống sau khi lắp đặt cũng như nhân rộng mô hình sau khi đánh giá hiệu quả.

Tiềm năng được nhân rộng trên toàn quốc

Chỉ vài tháng sau khi công bố tại Việt Nam, mô hình đã ngay lập tức tạo tiếng vang tốt, thu hút sự quan tâm từ các đơn vị trong khu vực công và tư nhân tại Việt Nam. Theo thông tin từ UNICEF Việt Nam, một Tập đoàn trong lĩnh vực đầu tư đã quyết định rót vốn để sản xuất các bể Aquonic tại Việt Nam. Đây là một bước tiến quan trọng vì việc đưa công nghệ này về sản xuất trong nước sẽ giúp giảm đáng kể chi phí so với giá nhập khẩu, từ đó giúp tăng khả năng nhân rộng sáng kiến lên quy mô toàn quốc.

Việc sáng kiến thành công thu hút sự quan tâm của các đơn vị cũng góp phần hiện thực hoá mục tiêu dài hạn, kêu gọi nhiều “cánh tay nối dài” cùng chung tay nhân rộng các mô hình hiệu quả, kiến tạo giá trị tích cực và bền vững.

UNICEF và Masterise Group cho biết nỗ lực của dự án Innovation for Children không chỉ dừng lại ở kết quả của giai đoạn 1. Dự án sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp về năng lượng xanh, đặc biệt là trong lĩnh vực nước sạch và vệ sinh, để góp phần vào mục tiêu giảm thiểu phát thải khí carbon. Song song với lĩnh vực nước sạch và vệ sinh, dự án cũng tập trung thúc đẩy công nghệ và sáng tạo trong giáo dục. Hiện tại, dự án cũng đã thành công giới thiệu Thư viện số toàn cầu, giúp các em tiếp cận nguồn tài liệu học tập chất lượng cao, miễn phí và không chỉ bằng tiếng Việt mà còn bằng tiếng Khmer và ngôn ngữ ký hiệu.

Các “sáng kiến thay đổi tương lai” đang được UNICEF và Masterise thực hiện tại Sóc Trăng.

"Innovation for Children" là một dự án thuộc chương trình vì cộng đồng phát triển bền vững “Build A Better Future” do Masterise Group triển khai tháng 4/2022.

Tin bài liên quan