VN-Index năm 2023 được dự báo sẽ biến động trong biên độ hẹp nửa đầu năm, sau đó tăng tốc nửa cuối năm.

VN-Index năm 2023 được dự báo sẽ biến động trong biên độ hẹp nửa đầu năm, sau đó tăng tốc nửa cuối năm.

Nhận diện biến số 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Có nhiều yếu tố sẽ tác động đến kinh tế và thị trường chứng khoán, vấn đề là các yếu tố này đều không chắc chắn về mặt thời điểm.

Nhiều yếu tố cũ sẽ tiếp tục tác động

Năm 2022, lạm phát là “con ngáo ộp” đe dọa toàn thế giới. Để kiềm chế lạm phát, giới đầu tư toàn cầu đã phải trải qua những thời điểm căng thẳng nhất khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất. Gần đây, rủi ro lãi suất giảm bớt, nhưng thị trường lại đón nhận rủi ro suy thoái kinh tế tăng dần.

Tại talkshow Chọn danh mục do Báo Đầu tư tổ chức tuần qua, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc SSI Research cho biết, lạm phát tháng 11/2022 của Mỹ hạ nhiệt, nhưng số liệu bán lẻ của một số ngành hàng tiêu dùng chính như điện tử, nội thất, mô tô, xe máy có mức giảm mạnh. Lãi suất tăng “ngấm” dần và tác động đến chi tiêu của người dân Mỹ. Lãi suất của không ít khoản vay tiêu dùng và hộ gia đình sẽ được điều chỉnh tăng kể từ năm 2023. Trong khi đó, thị trường việc làm có dấu hiệu ngày càng khó khăn, dù tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp.

Giai đoạn tăng lãi suất trên toàn cầu kéo dài đến khi nào, Trung Quốc đối mặt với dịch Covid-19 trong bao lâu nữa, xung đột Nga - Ukraine liệu có sớm chấm dứt, quan hệ Mỹ - Trung Quốc sẽ ra sao... Tất cả đều mang tính không chắc chắn. Thị trường chứng khoán toàn cầu nhiều khả năng tiếp tục biến động mạnh.

Đối với Việt Nam, nguy cơ suy thoái của các thị trường lớn như Mỹ, EU sẽ tác động trực tiếp đến các ngành xuất khẩu. Trong tháng 11/2022, xuất khẩu giảm 8,9% so với cùng kỳ, có thể có tác động dây chuyền đến một số ngành khác và ảnh hưởng đến tiêu dùng chung. Tổng chi tiêu bán lẻ của cả nước trong tháng 11 mới chỉ đạt 82% con số trước dịch Covid-19.

Đáng lưu ý, áp lực trái phiếu bất động sản đáo hạn trong năm 2023 ở mức cao (ước tính khoảng 7,2 tỷ USD), sẽ ảnh hưởng đến triển vọng lợi nhuận của 2 ngành lớn trên thị trường chứng khoán là bất động sản và ngân hàng.

Bà Hoàng Việt Phương đánh giá, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản có mối liên hệ chặt chẽ với hệ thống ngân hàng, nên sự trầm lắng cũng như một số bất cập của 2 thị trường này có tác động không nhỏ đến kinh tế và thị trường chứng khoán.

Trong 3 năm qua, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp có tỷ lệ cao đến từ doanh nghiệp bất động sản (năm 2021 chiếm 44%). Trong khi đó, thị trường bất động sản đang bị ảnh hưởng bởi mức lãi suất cao, như lãi suất cho vay mua nhà khoảng 13%/năm, không kích thích được nhu cầu đi vay để mua nhà của người dân.

Lượng lớn trái phiếu đáo hạn sẽ tạo ra các áp lực trong năm 2023, kỳ vọng Nghị định 65/2022/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được sửa đổi, giúp giảm nhẹ những áp lực này. Về lãi suất, quan điểm của SSI Research là có khả năng giảm, nhưng cần chờ xem mức lãi suất mới có có đủ hấp dẫn, kích thích nhu cầu trên thị trường bất động sản hay không.

Một số điểm sáng

Nhiều quỹ đầu tư và công ty chứng khoán đã hạ triển vọng tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 ở các doanh nghiệp niêm yết.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư Công ty Quản lý quỹ VinaCapital cho rằng, có không ít điểm sáng hỗ trợ lợi nhuận các doanh nghiệp.

Cụ thể, giải ngân đầu tư công hàng năm dự kiến chiếm 5 - 6% GDP, đóng vai trò là nguồn vốn “mồi” dẫn dắt và định hướng vốn đầu tư toàn xã hội phục vụ cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Cùng với quyết tâm và tiến độ cụ thể ở các dự án trọng điểm, tốc độ giải ngân đầu tư công sẽ được đẩy mạnh, nhất là khi giá vật liệu xây dựng gần đây có diễn biến giảm, kỳ vọng đóng góp khoảng 0,5% vào mức tăng trưởng GDP năm 2023.

Yếu tố tiếp theo là Trung Quốc mở cửa kinh tế, dù chưa chắc chắn về mặt thời điểm, nhưng nước này đang có động thái nới lỏng các quy định về giãn cách, người dân được đi làm khi có triệu chứng Covid-19 nhẹ... Ngành du lịch sẽ hưởng lợi rõ nét từ du khách Trung Quốc. Giả định lượng khách Trung Quốc giúp du lịch phục hồi 50% so với trước dịch, thì yếu tố này có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 2% trong năm 2023.

Ngoài ra, Trung Quốc mở cửa sẽ tốt cho chuỗi cung ứng toàn cầu, giải quyết một số tắc nghẽn về nguyên vật liệu nhập khẩu của Việt Nam (điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị và dệt may...), đồng thời giúp xuất khẩu khởi sắc, do giá xuất khẩu sẽ được hỗ trợ khi nguồn cung thế giới được hấp thụ bởi nhu cầu từ thị trường đông dân nhất thế giới.

VinaCapital dự báo, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, EU có thể hồi phục trong nửa cuối năm 2023 và các doanh nghiệp có cơ hội tăng trưởng lợi nhuận.

Các yếu tố khác như tỷ giá và lãi suất hạ nhiệt, chi phí vận chuyển giảm, giá xăng dầu và hàng hóa giảm từ đỉnh, ảnh hưởng đứt gãy chuỗi cung ứng không còn trọng yếu, sẽ góp phần hỗ trợ lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Trên thị trường chứng khoán, khối nhà đầu tư nước ngoài có động thái mua ròng mạnh mẽ từ tháng 11/2022 tới nay, được lý giải đến từ tác động vĩ mô thế giới cũng như Việt Nam là rủi ro ngắn hạn, nên khối ngoại xem đây là cơ hội để gia tăng giải ngân trong bối cảnh định giá hấp dẫn, kinh tế có triển vọng tăng trưởng cao so với thế giới. Năm 2023, mục tiêu GDP của Việt Nam là tăng trưởng khoảng 6,5% (năm 2022 ước tăng 8%, vượt mục tiêu là 6 - 6,5%, trong khi năm 2021 tăng 2,58%).

Nhận định về thị trường chứng khoán năm 2023, Giám đốc SSI Research Hoàng Việt Phương cho rằng, nhà đầu tư có quyền hy vọng thị trường sẽ có diễn biến tích cực, vì chính sách sẽ đi vào thực tế nhiều hơn. Kỳ vọng, Nghị định 65/2022/NĐ-CP sẽ được sửa đổi, lãi suất đảo chiều, tỷ giá ổn định, giải ngân đầu tư công mạnh mẽ... Trong kịch bản tích cực, VN-Index có khả năng tăng 5 - 10%.

Tái cơ cấu danh mục

Giám đốc Đầu tư VinaCapital Nguyễn Hoài Phương dự báo, thị trường chứng khoán năm 2023 sẽ biến động trong biên độ hẹp nửa đầu năm, sau đó tăng tốc nửa cuối năm. Chiến lược đầu tư chọn lọc cổ phiếu riêng lẻ, thay vì theo ngành, sẽ phát huy hiệu quả, bởi môi trường chung vẫn còn nhiều ẩn số. Ngay cả những ngành gặp khó khăn, nếu chọn được doanh nghiệp có sức chống chịu tốt thì hiệu suất đầu tư vẫn cao, nhất là khi nắm giữ trung và dài hạn, chờ đợi sự bứt phá trở lại của ngành.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản có mối liên hệ chặt chẽ với hệ thống ngân hàng.

Nửa cuối năm 2022, VinaCapital không phân bổ nhiều vào ngành ngân hàng, nhưng năm 2023 sẽ cân nhắc tăng tỷ trọng vào các ngân hàng có lợi thế cạnh tranh về chỉ số thanh khoản, danh mục cho vay đa dạng và quản trị rủi ro tốt.

Khi lãi suất có xu hướng tăng chậm lại, cổ phiếu các công ty chứng khoán có sự phân bổ đồng đều về các dịch vụ sinh lời sẽ được quan tâm nhiều hơn. Các doanh nghiệp khác đáng chú ý là vật liệu xây dựng, bán lẻ, các công ty xuất khẩu chọn lọc, dầu khí, cảng biển.

Một chủ đề đầu tư mà VinaCapital vẫn yêu thích đó là các doanh nghiệp hưởng lợi trong sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Apple có kế hoạch sản xuất Macbook ở Việt Nam từ giữa năm 2023, các doanh nghiệp may mặc Nhật Bản chuyển bớt sản xuất sang Việt Nam, Lego có nhà máy đầu tiên và tiếp tục mở rộng ở Việt Nam…, là những minh chứng cho triển vọng thu hút FDI của Việt Nam trong các năm tới.

Ở vai trò là nhà đầu tư chuyên nghiệp, dài hạn, VinaCapital không có tầm nhìn quá ngắn, cũng như khuyến nghị mang tính giao dịch ngắn hạn. Tuy nhiên, những nhịp giảm điểm hoặc biến động của thị trường sẽ là cơ hội để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu và đạt lợi nhuận cao khi thị trường dần hồi phục bền vững hơn. Điều quan trọng là chọn mua cổ phiếu các công ty có lợi thế dài hạn, thay vì chạy theo những thông tin hỗ trợ ngắn hạn, vì sẽ dễ bị ảnh hưởng khi thị trường biến động.

VinaCapital cho rằng, năm 2023, thị trường sẽ có sự hỗ trợ bởi dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm giải ngân thêm ở Việt Nam. Đồng USD không còn dư địa tăng giá mạnh sẽ hướng dòng tiền đầu tư từ Mỹ sang các nước khác như đã thấy trong các tháng vừa qua.

Trong khi đó, Giám đốc SSI Research Hoàng Việt Phương đánh giá, với nhà đầu tư dài hạn, thời điểm này có nhiều cơ hội khi các cổ phiếu đầu ngành có giá rất thấp. Với trường phái đầu tư ngắn hạn, năm 2023 vẫn sẽ là một năm gập ghềnh, có những đợt lên và xuống. Do vậy, nhà đầu tư nên thận trọng với nhóm ngành có mức độ rủi ro cao liên quan đến các thị trường đang gặp “vấn đề”. Tuy nhiên, khi thấy có những định hướng rõ ràng giải quyết những vấn đề đó, nhà đầu tư có thể giải ngân nếu cổ phiếu có mức chiết khấu lớn.

Ngân hàng HSBC vừa nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 từ 7,6% lên 8,1%, nhưng năm 2023 sẽ tăng chậm lại ở mức 5,8%, do hiệu ứng mở cửa trở lại nhạt dần, lạm phát bắt đầu tác động...

Trước đó, Công ty Chứng khoán VNDIRECT dự báo, GDP năm 2023 tăng 6,7% (năm 2022 ước tăng 7,9%), trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, công nghiệp và xây dựng tăng 7,1%, dịch vụ tăng 7,3%. Ba động lực chính cho tăng trưởng kinh tế gồm: du lịch, đầu tư công và dịch chuyển năng lượng bền vững.

Tin bài liên quan