Quân sư từ HSC khuyến nghị: Nên chuyển sang phòng thủ và lựa chọn cổ phiếu cho năm 2023

Quân sư từ HSC khuyến nghị: Nên chuyển sang phòng thủ và lựa chọn cổ phiếu cho năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chiều ngày 22/12, Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC) đã tổ chức hội thảo “Chứng trường 2022 - Một năm nhìn lại”. Tại đây, các quân sư đầu tư là chuyên gia hàng đầu của HSC đã chỉ ra những điều cần lưu ý và cơ hội mới cho nhà đầu tư trong năm 2023.

“Viện binh” khối ngoại cứu thị trường 2022

Thị trường chứng khoán cuối năm, dòng tiền khối ngoại liên tiếp quay lại và giao dịch sôi động. Bà Bùi Hoàng Minh, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư, Khối Khách hàng cá nhân, HSC cho rằng, điều này đến từ dấu hiệu tạo đỉnh của chỉ số dollar-index.

Bà Minh phân tích, các quỹ bắt đầu bước vào chiến lược bắt đáy cổ phiếu thuộc nhiều quốc gia mới nổi và cận biên. Vì về mặt định giá, sau một thời gian bước vào thị trường gấu kéo dài, tiếp theo là cú sốc sụt giảm năm 2022, đã khiến định giá các quốc gia mới nổi và cận biên được cho là về vùng giá hấp dẫn hơn nhiều so với các quốc gia đã phát triển.

Đồng thời, yếu tố chính khiến dòng vốn ngoại đổ về các quốc gia mới nổi và cận biên là kỳ vọng sự mở cửa của Trung Quốc tạo điểm nhấn lớn cho thế giới. Tuy nhiên, sự trở lại của Trung Quốc là quá trình gập ghềnh. Trung Quốc cũng đang áp dụng chính sách nới lỏng diện rộng để vực dậy nền kinh tế đã chịu nhiều hậu quả của chiến lược Zero Covid kéo dài, khiến sự bùng nổ về tiêu dùng, không chỉ nội bộ Trung Quốc, mà còn tỏa đi khắp nơi trên thế giới.

Mặt khác, rủi ro liên quan đến lạm phát có dấu hiệu tạo đỉnh sớm hơn ở các quốc gia đang phát triển và mới nổi, và muộn hơn đối với các quốc gia đã phát triển. Dấu hiệu sớm đặc biệt tập trung ở các quốc gia đang có lợi thế xuất khẩu dầu thô, khiến cho chính sách tiền tệ các quốc gia này dễ thở hơn các quốc gia đã phát triển.

Cuối cùng, bà Minh nhận thấy thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục được đẩy mạnh. Khi hết Covid, sự căng thẳng Mỹ - Trung có thể quay lại, việc sắp xếp lại chuỗi cung ứng tạo ra một cơ hội mới cho các quốc gia đang phát triển ngoài Trung Quốc, tạo ra cơ hội cho Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á như Ấn Độ.

Tuy nhiên, sang năm 2023, rủi ro suy thoái và sự tăng trưởng chậm lại của thế giới là khó tránh khỏi. Dự báo tăng trưởng toàn thế giới sẽ giảm tốc xuống còn 2,7%, các quốc gia đã phát triển là nơi sẽ tăng trưởng thấp nhất khoảng 1,1% và đối diện với hệ lụy liên quan đến chính sách tiền tệ kéo dài.

“Tập trung tăng trưởng sẽ ở các quốc gia mới nổi và đang phát triển, khoảng 3,7% trong năm 2023, Việt Nam cũng đang được ước tính tăng trưởng từ 5,8 - 6,2%”, bà Minh thông tin.

3 ngành dẫn dắt thị trường năm 2023

Các chuyên gia HSC đồng thuận rằng, năm 2023 sẽ đón nhận 5 rủi ro lớn, bao gồm: lạm phát quá cao dẫn đến ngân hàng trung ương các nước hy sinh mục tiêu tăng trưởng để thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ; tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm; tỷ giá đồng USD tăng mạnh áp lực lên lãi suất; sự bùng nổ thương mại giảm dần và thanh khoản hệ thống tài chính suy giảm.

Để có những đối sách thích ứng với tình hình đó, ông Trần Khánh, Giám đốc vùng, Khối Khách hàng cá nhân, HSC cho rằng, nhà đầu tư cần có chiến lược linh hoạt như câu ngạn ngữ "Dĩ bất biến ứng vạn biến" khi thị trường đang khó đoán định. Ông Khánh lưu ý nhà đầu tư, định giá các cổ phiếu đầu ngành đang ở mức khá hấp dẫn, P/E trên dưới 10 lần – mức thấp nhất trong khu vực và GDP năm 2023 dự kiến 6,5%. Tuy nhiên, theo dõi các chính sách tiền tệ, NHNN vẫn đang điều hành theo hướng thận trọng, thắt chặt cung tiền vào các ngành nghề như chứng khoán, bất động sản. Song song đó là rủi ro đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp, trong khi lãi suất huy động các ngân hàng thương mại vẫn tăng cao là mối nguy cho thị trường chứng khoán.

Thứ hai, thị trường chứng khoán thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro như lạm phát châu Âu ở mức cao hay Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất thêm 2 kỳ nữa. Nhiều chuyên gia, các tổ chức tài chính cũng đưa ra nghi ngờ sẽ có đợt suy thoái toàn cầu năm 2023 - 2024. Điều này sẽ mang đến bất lợi cho thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.

Từ đó, ông Khánh khẳng định, ngoài việc đầu tư phân tích vĩ mô trong nước, nhà đầu tư nên bám sát diễn biến thị trường thế giới. Nếu thị trường thế giới thuận lợi, Việt Nam mới có thể tăng trưởng và ngược lại.

“Tuy nhiên, nhà đầu tư không nên quá hoang mang vì trong nguy có cơ, tất cả cú sập mạnh vẫn có nhịp sóng hồi và cơ hội. Nếu có chiến thuật ứng biến linh hoạt trên thị trường thì mỗi nhịp phục hồi, chúng ta vẫn có thể tìm kiếm được lợi nhuận 40 - 50%”, ông Khánh lưu ý.

Ông Huỳnh Tấn Thuế, Giám đốc Vùng, Khối Khách hàng cá nhân, HSC khuyến nghị, nhà đầu tư cần chuẩn bị tâm lý và tài chính cho những đợt sụt giảm vì đôi khi chỉ cần một cơ hội sẽ tạo nên sự bứt phá mạnh mẽ trong hành trình đầu tư.

Xét về các nhóm ngành có thể dẫn dắt thị trường trong năm 2023, bà Bùi Hoàng Minh cho rằng, nhà đầu tư nên tập trung nhóm tạo ra giá trị thặng dư như hoạt động sản xuất công nghiệp, nhóm bán lẻ hay nhóm ngân hàng. Thực tế, nhóm ngân hàng đã dẫn dắt thị trường tháng 11, tuy nhiên, trong quý IV/2022 và đầu năm 2023, câu chuyện về nợ xấu bộc lộ rõ, giúp nhà đầu tư đánh giá từng ngân hàng.

Theo bà Minh, khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư đã thay đổi nên thay vì chạy theo dòng tiền nóng, quá quan tâm đến bất động sản nhà đầu tư nên chọn cổ phiếu giá trị vì dòng tiền đang được định hướng vào sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc mở cửa sẽ thúc đẩy ngành du lịch, hàng không, khách sạn hồi phục, khiến ngành bán lẻ có điểm nhấn nhất định. Chuỗi cung ứng cũng được tháo gỡ, ảnh hưởng tích cực đến chi phí nguyên liệu đầu vào. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến các doanh nghiệp xuất khẩu phân bón, hóa chất của Việt Nam có thể ảnh hưởng cạnh tranh trong ngắn hạn.

Các chuyên gia HSC cho rằng, năm 2023 là năm lựa chọn cổ phiếu có tầm quan trọng cao, nhà đầu tư nên quan tâm đến từng cổ phiếu có câu chuyện vì có thể ngành gặp khó khăn nhưng cổ phiếu đầu ngành lại hồi phục rất tốt khi khó khăn qua đi.

Tin bài liên quan