Nhận diện hai mặt của xuất siêu trong 10 tháng

0:00 / 0:00
0:00
Xuất siêu hàng hóa trong 10 tháng năm 2023 có tác động tích cực, song cũng đặt ra một số vấn đề cần giải quyết.

Kết quả tích cực

Kết quả tích cực của xuất siêu hàng hóa được nhận diện dưới các góc độ khác nhau.

Thứ nhất, xuất siêu trong 10 tháng đạt cao nhất so với cùng kỳ từ trước đến nay cả về mức xuất siêu (24,6 tỷ USD), cả về tỷ lệ xuất siêu so với xuất siêu (8,4%).

Thứ hai, mới qua 10 tháng, mức xuất siêu đã lớn hơn xuất siêu trong cả năm từ trước đến nay. Với giả thiết xuất khẩu và nhập khẩu bình quân một tháng trong 2 tháng còn lại bằng với tháng 10 (xuất khẩu 32,25 tỷ USD, nhập khẩu 29,5 tỷ USD), thì cả năm 2023 xuất khẩu đạt khoảng 355 tỷ USD (chỉ giảm 4,1% so với năm trước), nhập khẩu đạt 325 tỷ USD (giảm gần 9,1% so với năm trước) và xuất siêu sẽ cán mốc 30 tỷ USD, cao gấp rưỡi mức xuất siêu kỷ lục 19,84 tỷ USD đã đạt được vào năm 2020.

Thứ ba, năm 2023 là năm thứ 8 liên tục xuất siêu - chu kỳ dài nhất từ trước đến nay.

Thứ tư, xuất siêu liên tục qua các tháng trong 10 tháng qua.

Thứ năm, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có mức xuất siêu và tỷ lệ xuất siêu khá cao (tương ứng 42,43 tỷ USD và 19,8%). Khu vực kinh tế trong nước đã giảm so với cùng kỳ cả về mức nhập siêu (17,84 tỷ USD so với 25,81 tỷ USD), cả về tỷ lệ nhập siêu (23% so với 32,4%).

Thứ sáu, trong 88 thị trường chủ yếu có số liệu chi tiết, có 58 thị trường xuất siêu, trong đó có 19 thị trường Việt Nam xuất siêu trên 1 tỷ USD, đặc biệt có 6 thị trường Việt Nam xuất siêu trên 3 tỷ USD (lớn nhất là Hoa Kỳ trên 67,9 tỷ USD, Hà Lan gần 7,8 tỷ USD, Hồng Kông trên 6,2 tỷ USD, Anh gần 4,6 tỷ USD, Canada trên 4,2 tỷ USD, Đức trên 3,1 tỷ USD).

Một số vấn đề

Một vấn đề quan trọng là nguồn gốc của xuất siêu hàng hóa. Thông thường, xuất siêu bắt nguồn từ xuất khẩu tăng cao, nhưng 10 tháng qua, xuất khẩu liên tục giảm so với cùng kỳ năm trước qua các tháng và tính chung 10 tháng xuất siêu giảm 7%, hay giảm 21.881 triệu USD. Lý do chính do nhập khẩu giảm sâu hơn xuất khẩu (-12,2%, hay giảm 37.385 triệu USD). Nhưng nguyên nhân sâu xa là tổng cầu ở trong nước tăng thấp, đóng góp ít hơn so với xuất siêu vào tốc độ tăng GDP, nên nhu cầu nhập khẩu từ nước ngoài giảm (mặc dù giá nhập khẩu giảm); đồng thời tổng cầu ở nước ngoài giảm, làm cho xuất khẩu của Việt Nam giảm.

Xuất khẩu giảm diễn ra ở 38/45 mặt hàng chủ yếu, trong đó có 6 mặt hàng giảm trên 1 tỷ USD (điện thoại và linh kiện giảm 6.247 triệu USD; dệt may giảm 4.098 triệu USD; giày dép giảm 3.683 triệu USD...).

Nhập khẩu giảm diễn ra ở 44/54 mặt hàng chủ yếu, trong đó có 7 mặt hàng giảm trên 1 tỷ USD (điện thoại và linh kiện giảm 10.662 triệu USD; chất dẻo giảm 2670 triệu USD…).

Nhập khẩu giảm sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất và xuất khẩu trong chu kỳ sau.

Một vấn đề quan trọng khác, nếu phân theo khu vực, xuất siêu vẫn hoàn toàn do khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, còn khu vực kinh tế trong nước lại nhập siêu lớn. Ngoài nhiều nguyên nhân khác, có nguyên nhân quan trọng là do sự yếu kém so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài của khu vực kinh tế trong nước về vốn, kỹ thuật - công nghệ… và chưa tranh thủ được các ưu đãi của FTA, thậm chí có một số mặt hàng vẫn còn tình trạng để cho nước ngoài nhờ “xuất khẩu hộ, tiêu thụ giùm” (như xuất khẩu hạt điều đạt 2947,6 triệu USD, thì nhập khẩu 2.927,5 triệu USD).

Một vấn đề quan trọng nữa, bên cạnh những thị trường Việt Nam xuất siêu lớn, thì cũng có những thị trường Việt Nam nhập siêu khá lớn. Có 11 thị trường Việt Nam nhập siêu trên 1 tỷ USD, đặc biệt có 5 thị trường ở mức trên 3 tỷ USD (Trung Quốc trên 39,75 tỷ USD, Hàn Quốc 23,35 tỷ USD, Đài Loan 11,48 tỷ USD, Kuwait 4,56 tỷ USD, Thái Lan 3,8 tỷ USD).

Như vậy, xuất siêu chủ yếu đối với các thị trường Âu - Mỹ, nhờ lợi thế giá nhân công rẻ, khi chênh lệch giữa tỷ giá sức mua tương đương với tỷ giá hối đoái ở mức cao; còn nhập siêu chủ yếu với các ở châu Á, châu Đại dương, khi chênh lệch giữa tỷ giá sức mua tương đương với tỷ giá hối đoái ở mức thấp hơn.

Tin bài liên quan