Nhà phố vùng ven cũng được xem là nơi trú ẩn an toàn. Ảnh: Lê Toàn

Nhà phố vùng ven cũng được xem là nơi trú ẩn an toàn. Ảnh: Lê Toàn

Nhận diện sớm phân khúc bất động sản hút tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đẩy mạnh đầu tư công, tăng cường đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm… là những động lực chính sách thúc đẩy thị trường bất động sản bứt phá năm 2022, trong đó đất nền và nhà phố vùng ven là những phân khúc được hưởng lợi nhiều nhất.

Đất nền, nhà phố vùng ven “lên hương”

Những ngày cuối năm 2021, anh Trần Thanh Đạt cùng 2 người bạn liên tục di chuyển giữa TP.HCM và huyện Đức Hoà, tỉnh Long An để hoàn tất thủ tục công chứng cho 2 lô đất đã đặt cọc từ tháng 11, đồng thời xuống cọc một lô đất khác gần đó.

“Đất nền khu vực này có nhiều tiềm năng tăng giá khi đang thấp hơn đáng kể nếu so với những khu vực lân cận TP.HCM như Bình Dương hay Đồng Nai. Với mức tài chính khoảng 2 tỷ đồng có thể mua được 2-3 nền đất ở Đức Hòa”, anh Đạt nói.

Thời gian qua, TP.HCM thiếu vắng nguồn cung đất nền mới, trong khi thị trường thứ cấp giá đã neo rất cao, điều này giúp cho đất nền vùng ven tiếp tục giữ vị thế chủ đạo, là nơi cung cấp sản phẩm chính cho thị trường. Đặc biệt, việc mở rộng các tuyến đường cao tốc đến khu vực phía Tây TP.HCM với loạt dự án đang triển khai như Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Phan Thiết... sẽ càng khiến thị trường đất nền dọc theo các tuyến đường trở nên sôi động hơn.

Báo cáo thị trường của DKRA Vietnam cho biết, thị trường đất nền đã nóng trở lại ngay khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng. Nếu như trong tháng 9/2021, phân khúc đất nền dự án tại TP.HCM và 5 tỉnh giáp ranh (gồm Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh và Long An) gần như không có nguồn cung mới, thì bước sang tháng 10, con số này đã tăng lên 649 sản phẩm.

Sang tháng 11, thêm 10 dự án được mở bán, trong đó có 2 dự án mới và 8 dự án thuộc giai đoạn tiếp theo, nguồn cung ra thị trường đạt 671 sản phẩm, tăng 3% so với tháng 10. Tỷ lệ tiêu thụ chung của thị trường trong tháng 11 đạt khoảng 54% nguồn cung mới, tăng 56% so với tháng 10 và 33% so với cùng kỳ năm trước.

Với phân khúc nhà phố, biệt thự, tại TP.HCM và vùng phụ cận ghi nhận 6 dự án mở bán trong tháng 11, cung cấp ra thị trường 1.008 căn; tỷ lệ tiêu thụ đạt 36% rổ hàng, tương đương 358 căn. Trong đó, Đồng Nai trở lại vị thế là thị trường dẫn đầu phân khúc nhà phố, biệt thự khi chiếm 85% nguồn cung và lượng tiêu thụ chiếm 74% khu vực phía Nam.

Ở góc độ nhà phát triển bất động sản, ông Nguyễn Thanh Quyền, Tổng giám đốc Tập đoàn Bất động sản Thắng Lợi xác nhận, thị trường nhà phố vùng ven những tháng cuối năm 2021 ghi nhận sức cầu lớn của khách hàng, bao gồm cả nhu cầu đầu tư lẫn để ở.

“Trong 2 tháng 10 và 11/2021, Thắng Lợi Group liên tục tổ chức các đợt mở bán dự án nhà phố tại Long An nhằm đáp ứng nhu cầu lớn này”, ông Quyền nói, đồng thời cho biết thêm, trong năm 2022, đất nền và nhà phố vùng ven TP.HCM sẽ tiếp tục hút khách nhờ mức giá còn mềm so với khu vực trung tâm. Chưa kể, trong xu thế giãn dân và giảm tải cho TP.HCM, việc phát triển các khu đô thị vệ tinh là hướng đi tất yếu, trong đó đất nền và nhà phố vẫn là những phân khúc quan trọng.

Đất nền đang rất hút khách. Ảnh: Lê Toàn

Đất nền đang rất hút khách. Ảnh: Lê Toàn

Giá trị bất động sản tăng theo kỳ vọng lạm phát

Ông Nguyễn Lộc Hạnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Ngọc Châu Á đánh giá, thị trường địa ốc phía Nam đã trải qua thời gian nén quá lâu vì dịch bệnh. Tại TP.HCM, trong 2 năm qua, nguồn cung mới rất hạn chế khi việc triển khai dự án gặp khó khăn do pháp lý bị siết chặt, dẫn tới xu hướng ly tâm về vùng ven của các nhà phát triển bất động sản.

Theo ông Hạnh, năm 2022 sẽ là năm bùng nổ hoạt động đầu tư công, việc giải ngân sẽ được đẩy nhanh hơn để đầu tư vào hệ thống đường sá, cao tốc…, qua đó tăng cường hoạt động giao thương, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế và khi hạ tầng giao thông được hoàn thiện, thị trường bất động sản sẽ bứt phá.

Tuy nhiên, ông Hạnh cũng cho rằng, một khi lượng vốn giải ngân đầu tư công tăng mạnh, việc sử dụng tiền mặt nhiều để kích thích kinh tế sẽ dễ dẫn đến lạm phát và khi đó, cách giữ tiền khả dĩ nhất vẫn là đầu tư vào bất động sản nhờ khả năng tăng giá theo thời gian của loại tài sản này.

Còn ông Phan Công Chánh, Tổng giám đốc Phú Vinh Group đánh giá, năm 2021, chỉ số lạm phát dự báo ở mức 1,84% là an toàn và lạm phát trong khoảng 4-6% không phải là điều xấu khi đặt cạnh mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế, chỉ khi lạm phát ở mức hai con số đi kèm với hiện tượng kinh tế trì trệ thì mới đáng lo ngại.

“Nền kinh tế chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19 nên Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, dự kiến tung ra gói kích thích lớn để hỗ trợ hồi phục kinh tế và có thể chấp nhận một mức lạm phát trong tầm kiểm soát. Dự báo năm 2022, chỉ số lạm phát có thể cao hơn năm 2021, nhưng vẫn trong ngưỡng an toàn”, ông Chánh dự báo, đồng thời cho rằng, trong bối cảnh lạm phát tăng, dòng vốn đầu tư sẽ có xu hướng chảy về kênh trú ẩn là đất nền, nhà phố dự án và đất vườn có thể làm dự án du lịch, nghỉ dưỡng ở các địa phương lân cận TP.HCM. Bên cạnh đó, những nơi có hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển mạnh và nhiều dự án lớn thì thị trường bất động sản chắc chắn sẽ “nóng” lên, thu hút mạnh mẽ dòng tiền.

Nhìn vào lịch sử tăng giá của bất động sản trong 10 năm qua, không thể phủ nhận, đất nền và nhà phố luôn là kênh hút tiền. Tuy nhiên, không phải cứ bỏ tiền vào bất động sản khi lạm phát tăng là có thể thu được lợi nhuận. Theo các chuyên gia, trong mọi hoàn cảnh, nhà đầu tư bất động sản cần lưu ý 2 yếu tố: Một là tránh sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao, hai là hạn chế “lướt sóng” ngắn hạn.

Tin bài liên quan