Bất động sản chăm sóc sức khoẻ ngày càng được quan tâm nhiều hơn và đang dần trở thành xu hướng. Ảnh: Shutterstock.

Bất động sản chăm sóc sức khoẻ ngày càng được quan tâm nhiều hơn và đang dần trở thành xu hướng. Ảnh: Shutterstock.

Nhận diện tiềm năng bất động sản chăm sóc sức khoẻ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lĩnh vực du lịch chăm sóc sức khoẻ (Wellness Tourism) tại Việt Nam còn ít, chưa đa dạng, chưa tương xứng với tiềm năng, sản phẩm phổ biến vẫn chỉ dừng ở spa, khoáng nóng, các hạng mục chuyên sâu về chăm sóc sức khoẻ chưa phổ biến.

Nhận xét này được đại diện Tổng cục Du lịch đưa ra tại hội thảo “Đón đầu xu hướng bất động sản chăm sóc sức khoẻ”, sự kiện do Tạp chí Nhà Đầu tư tổ chức sáng 25/10.

Theo Global Wellness Institule (GWI), năm 2017, thị trường du lịch chăm sóc sức khoẻ đã đạt 617 tỷ USD, năm 2019 tăng lên 720 tỷ USD, năm 2022 khoảng 816,5 tỷ USD và có thể lên tới 1.127,6 tỷ USD vào năm 2025, với mức tăng trưởng trung bình khoảng trên 20%/năm.

Theo đại diện Tổng cục Du lịch, Việt Nam có khoảng 400 nguồn nước khoáng nóng trên cả nước, đã điều tra, nghiên cứu và phân tích 287 nguồn và phân thành 11 loại khác nhau, vừa có tác dụng chữa bệnh, vừa có thể khai thác thành nước uống đóng chai phục vụ đời sống con người. Bên cạnh đó, là một hệ sinh thái vô cùng phong phú với khoảng 3.850 loài thực vật, 406 loài động vật được sử dụng làm thuốc. Bộ Y tế đã cấp số đăng ký cho trên 2.000 chế phẩm thuốc y học cổ truyền do trên 450 cơ sở y dược cổ truyền sản xuất. Cùng với tài nguyên thiên nhiên phong phú, Việt Nam có rất nhiều cơ hội để phát triển mạnh loại hình du lịch chăm sóc sức khoẻ này.

Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, để có thể bắt kịp sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng du lịch đối với sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe, đặc biệt với xu hướng được dự báo là sẽ tăng nhanh sau đại dịch, Việt Nam cần ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam. Tạo ra môi trường và hành lang pháp lý thuận lợi cho việc phát triển sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe.

Có chính sách ưu tiên các doanh nghiệp phát triển sản phẩm có chất lượng cao, phục vụ thị trường cao cấp, có mức chi trả cao. Cùng với đó là việc đưa ra chính sách ưu tiên các doanh nghiệp phát triển sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe dựa vào thiên nhiên, văn hóa và truyền thống; hình thành cơ chế liên kết với ngành y tế để thu hút đầu tư và hướng dẫn phát triển sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe.

"Sống khoẻ" trở thành đòi hỏi bức thiết với nhiều người. Ảnh: Shutterstock.

"Sống khoẻ" trở thành đòi hỏi bức thiết với nhiều người. Ảnh: Shutterstock.

Nêu quan điểm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, cần thành lập các định chế tài chính bất động sản chuyên biệt để tạo điều kiện cho lĩnh vực này phát triển. Cụ thể, là quỹ/cơ quan tiết kiệm nhà ở; Quỹ tín thác đầu tư bất động sản; Cơ quan tài tài trợ bất động sản thế chấp nhà ở, chứng khoán hoá bất động sản…

Theo ông Lực, cần sớm hoàn thiện quy hoạch về đất đai, trong đó có các quy hoạch về bất động sản nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khoẻ; đẩy nhanh quá trình sửa các luật liên quan và hoàn thiện khung pháp lý, các hướng dẫn để phát triển các mô hình quỹ đầu tư, đầu tư trên nền tảng số, gọi vốn cộng đồng, mua chung.

Dẫn chứng “điểm vướng” về pháp lý, theo TS. KTS. Hồ Chí Quang, tại Luật Du lịch 2017 hình thức du lịch “chăm sóc sức khỏe” chưa được đề cập đến tại Điều 3 (giải thích từ ngữ). Tương tự trong luật chưa gắn du lịch với y tế và chăm sóc sức khỏe tại các Điều 5 (Chính sách phát triển du lịch); Điều 15 (Các loại tài nguyên du lịch); Điều 23 (Điều kiện công nhận điểm du lịch) và Mục 3 Lưu trú du lịch. Đây sẽ là điểm tồn tại khó khăn pháp lý, cần chỉnh lý. Bởi đây là căn cứ cơ sở để xác định, lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu du lịch chăm sóc sức khỏe cho các nhà đầu tư cũng như với chính quyền các cấp để quy hoạch sử dụng đất hình thức bất động sản này.

Ông Quang cho rằng, với công tác quy hoạch các dự án du lịch chăm sóc sức khoẻ, có thể cân nhắc phát triển theo hướng: Khu nghỉ dưỡng khép kín (đáp ứng đầy đủ các dịch vụ đáp ứng cho nhu cầu ăn uống, giải trí, mua sắm, spa...); Khu nghỉ dưỡng phức hợp (tích hợp đầy đủ các tiện ích, đa dạng các loại hình dịch vụ giải trí, khu mua sắm và nhà hàng cao cấp, gắn với các đô thị); Khu nghỉ dưỡng tiện lợi (những khu du lịch hiện hữu, truyền thống được cải tiến, thêm các tiện ích - dịch vụ mới chăm sóc sức khỏe, gắn với dạng nhỏ lẻ, homestay).

Tin bài liên quan