Nhận định thị trường ngày 14/5: Lực mua dò đáy sẽ tiếp diễn

Nhận định thị trường ngày 14/5: Lực mua dò đáy sẽ tiếp diễn

(ĐTCK) Tâm lý nhà đầu tư tiếp tục được dự báo sẽ bị ảnh hưởng bởi tình hình biển Đông, nhưng các chỉ số đang ở gần các mức hỗ trợ mạnh, nên lực mua dò đáy được dự báo sẽ tiếp diễn.

Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 14/5.

Dòng tiền tham gia thị trường tiếp tục suy giảm

CTCK KIS Việt Nam (KIS)

Sắc xanh mở rộng đôi chút nhờ làn sóng bán tháo trên diện rộng giảm nhiệt, cộng với khối ngoại tiếp tục tăng cường mua ròng ở nhóm bluechip. Theo đó, các chỉ số thu hẹp đáng kể biên độ mất điểm trong phiên 13/5.

Nền tảng thị trường chưa có nhiều chuyển biến rõ nét khi tâm lý nhà đầu tư trong nước vẫn còn bất ổn sau cú sốc vừa qua. Điều này phản ánh qua dòng tiền tham gia thị trường tiếp tục suy giảm và hoạt động bắt đáy chỉ diễn ra ở mức vừa phải.

Trong bối cảnh Biển Đông đang có những động thái leo thang căng thẳng, triển vọng về việc sớm chấm dứt tình trạng nói trên đang trở nên khó khăn hơn. Dù vậy, việc thị trường liên tục giảm quá đà trong thời gian vừa qua đang khiến cho định giá cổ phiếu Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn hơn. Vào thời điểm hiện nay, chúng tôi không khuyến khích các hoạt động cắt lỗ bằng mọi giá. Thay vào đó, nhà đầu tư cần ổn định tâm lý và xác định chiến lược đầu tư hợp lý cho mục tiêu trung dài hạn nhằm giảm thiểu rủi ro.

Vòng xoáy giải chấp vẫn đang diễn ra

CTCK FPT (FPTS)

Sau phiên mất điểm mạnh đầu tuần, đà giảm vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc trong ngày 13/5, tuy nhiên, về diễn biến chung thì đã xuất hiện những yếu tố tích cực hơn rất nhiều.

Trong thời gian giao dịch buổi sáng và cuối giờ chiều, thị trường đã có những nỗ lực hồi phục nhất định bất chấp tâm lý bán tháo vẫn còn khá mạnh ở nhiều mã cổ phiếu, lực cầu bắt đáy chủ động hơn giúp hấp thụ phần lớn lượng cung hàng tại các mức giá thấp, một số cổ phiếu, vì thế đã lấy lại được sắc xanh hiếm có như BVH, DPM, EIB, HAG…

Có thể thấy những thông tin gây tác động xấu đến thị trường đã phần nào được phản ánh qua nhịp giảm nhanh và mạnh, tâm lý nhà đầu tư vì thế bớt bi quan và bắt đầu quan tâm đến giá khi mà nhiều cổ phiếu đã về vùng đáy của 52 tuần.

Bên cạnh đó, việc khối ngoại liên tiếp mua ròng với giá trị lớn cũng góp phần tích cực nâng đỡ xu thế chung tại một số thời điểm. Tuy vậy, với áp lực tâm lý vẫn đè nặng do ảnh hưởng từ tình hình căng thẳng trên Biển Đông, thì chúng tôi vẫn đánh giá thị trường đang trong giai đoạn bất ổn và khó nắm bắt, vòng xoáy giải chấp vẫn đang diễn ra, khiến cho các kịch bản tạo đáy ngắn hạn của index trở nên thiếu thuyết phục.

Theo đó, chúng tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, nhà đầu tư vẫn nên duy trì sự thận trọng nhất định, các danh mục lướt sóng nên chờ xem phản ứng của thị trường và khối ngoại, ưu tiên nắm giữ tỷ trọng tiền mặt cao để nhằm hạn chế rủi ro nếu thị trường tiếp tục lao dốc.

Rủi ro ngắn hạn chưa hề bị loại bỏ

CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS)

Bên bán vẫn tạo áp lực nhất định lên thị trường và nhiều lúc tưởng chừng như thị trường lại tiếp tục chìm đắm. Tuy nhiên, áp lực bán ngày 13/5 là không thực sự mạnh, trong khi ở cầu mua lại cho thấy sự chắc chắn và quyết liệt hơn. Thị trường này không còn mang tính bán cắt lỗ, mà là cuộc chơi giữa bên bán và bên mua rất rõ ràng. Đôi khi bên bán sử dụng cả những cổ phiếu như GAS, VNM, MSN để ép thị trường xuống.

Chỉ số VN-Index đã có lúc tụt sâu về mốc 508 điểm và hồi phục trở lại. Nhiều cổ phiếu xuất hiện lực cầu bắt đáy khá mạnh và quyết liệt như SSI, FPT, DPM, VND..., trong khi nhiều cổ phiếu khác lực bán đã yếu đi như: HPG, PPC, MSN, PET..., cho thấy áp lực cũng đã giảm nhiệt phần nào. Cùng với cầu mua của khối ngoại tiếp tục rót vào nhóm cổ phiếu cơ bản sẽ là chốt chặn tốt cho thị trường ở những phiên tới.

Chúng tôi cho rằng, rủi ro ngắn hạn của thị trường chưa hề bị loại bỏ, đặc biệt là nhóm cổ phiếu nhỏ, có tính đầu cơ cao. Vì thế, cho dù chúng tôi nghiêng về khả năng phiên 14/5, sắc xanh sẽ xuất hiện, thì những nhóm cổ phiếu này có thể vẫn tiếp tục chuỗi giảm điểm. NĐT vẫn cần thận trọng trong giai đoạn này, nhưng chúng tôi lại khuyến khích NĐT mua vào những cổ phiếu tốt, tiềm năng bởi cú giảm sâu vừa qua đã đưa những cổ phiếu này đến vùng giá tương đối hấp dẫn trong dài hạn.

Lực mua dò đáy sẽ tiếp tục diễn ra

CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS)

Thị trường tiếp tục phiên giảm điểm với thanh khoản duy trì ở mức khá. Quan điểm thận trọng về sự kiện Biển Đông vẫn duy trì, tuy nhiên, thị trường đã có sự phân hóa theo từng nhóm cổ phiếu. Nhóm cổ phiếu bluechips, cổ phiếu ngân hàng diễn biến tích cực hơn thị trường chung. Nhóm cổ phiếu chứng khoán, cổ phiếu penny vẫn đang chịu sức ép giảm giá mạnh.

Diễn biến tích cực hơn của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn giúp mức độ giảm của chỉ số chung thu hẹp đáng kể so với phiên trước, dù số lượng cổ phiếu giảm giá vẫn chiếm đa số.

Thị trường vẫn đang trong xu hướng giảm điểm với ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật quan trọng của VN-Index là khoảng 500 điểm. Mốc hỗ trợ này được đánh giá là mạnh, khi chỉ số đã có 3 tháng tích

lũy quanh mức điểm này vào quý cuối năm 2013. Mốc hỗ trợ kỹ thuật của HNX-Index là khoảng 66 điểm. Lực mua dò đáy dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong phiên giao dịch tới. Tương quan cung cầu tương đối tích cực tại nhóm cổ phiếu bluechips vốn hóa lớn kỳ vọng sẽ hỗ trợ làm giảm tốc đà giảm của chỉ số chung.

Hạn chế các hoạt động đầu cơ ngắn hạn

CTCK MB (MBS)

Thị trường đã có những dấu hiệu tích cực hơn, khi dù hơn 1/2 cổ phiếu trong nhóm vốn hóa lớn VN30 giảm điểm, vẫn có 9 mã đi lên. Tâm lý thị trường đã bình tĩnh hơn và một số nhà đầu tư đã bắt đầu mua vào. Tuy nhiên, việc vẫn chưa có giải pháp cụ thể cho căng thẳng tại biển Đông vẫn tạo ra ảnh hưởng đáng kể và khiến đa phần nhà đầu tư vẫn khá dè dặt trong việc mua vào.

Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục duy trì mua vào với giá trị ròng khá lớn, cho thấy quan điểm rất tích cực của họ không đánh giá cao khả năng xáy ra xung đột quân sự tại biển Đông. Đáng chú ý là một số cổ phiếu có hoạt động kinh doanh khá tốt như HCM, SSI, FPT... bị giảm giá mạnh do có lực bán ra lớn.

Chúng tôi tiếp tục giữ quan điểm, thời điểm này là cơ hội tốt để mua vào cho các mục tiêu đầu tư trung và dài hạn. Nhà đầu tư có thể xem xét mua vào dần khi thị trường sụt giảm mạnh. Mặt khác, các rủi ro của thị trường trong ngắn hạn đang ở mức cao, cùng với việc sẽ không có nhiều thông tin hỗ trợ mạnh cho thị trường thời gian tới, nên nhà đầu tư cần hạn chế các hoạt động đầu cơ ngắn hạn.

Cơ hội hồi phục ngắn hạn sẽ sớm xuất hiện trở lại

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Thị trường tiếp tục nằm trong xu hướng sụt giảm khi đà bán tháo tập trung vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, mang tính thị trường cao, vẫn chưa dừng lại. Khá nhiều các mã trong nhóm này đang chịu áp lực bán giải chấp và còn tồn đọng các lượng dư bán sàn về cuối phiên. Mặc dù vậy, khác với 2 phiên bán tháo đồng loạt trước đó, sự phân hóa đã bắt đầu xuất hiện với tín hiệu hồi phục trở lại tại một số cổ phiếu bluechips mang tính cơ bản trên cả hai sàn.

Khối ngoại vẫn duy trì động thái mua ròng khá quyết liệt với giá trị đạt trên 200 tỷ đồng mỗi phiên trên HOSE trong những phiên lao dốc.

Chúng tôi cho rằng, mặc dù nhiều khả năng thị trường sẽ cần thêm thời gian điều chỉnh giằng co, đủ để hấp thụ hết áp lực bán giải chấp cũng như chờ đợi các dòng cổ phiếu giảm trễ hơn phân phối đủ nhịp, nhưng cả 2 chỉ số đang dần tiếp cận các vùng hỗ trợ kỹ thuật mạnh và cơ hội hồi phục ngắn hạn sẽ sớm xuất hiện trở lại. Mặc dù vậy, nhịp hồi phục tới có thể sẽ mang tính phân hóa và luân phiên giữa các dòng cổ phiếu nên rủi ro đầu tư vẫn đứng ở mức khá cao. Một giai đoạn đi ngang trong khoảng 2 đến 3 tuần, được tạo bởi các nhịp tăng giảm ngắn đan xen, có thể sẽ được hình thành và tạo các nền giá tích lũy cho các cổ phiếu sau một nhịp biến động mạnh. Đây cũng là giai đoạn mà các nhà đầu tư chờ đợi các diễn biến mới liên quan đến tình hình Biển Đông cũng như nhìn nhận rõ hơn những tác động có thể có đến nền kinh tế và TTCK.

Các nhà đầu tư được khuyến nghị có thể áp dụng chiến lược trading ngắn đối với một phần tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp và trải mua tăng dần lên mức trung bình khi VNINDEX rơi xuống dưới ngưỡng tâm lý 500 điểm.

Phần tỷ trọng trading ngắn hạn này nên được đặt nguyên tắc bán linh hoạt khi chỉ số chạm tới các vùng kháng cự kỹ thuật trong nhịp hồi phục sau đó.

Hạn chế tối đa các hành động “bắt dao rơi”

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

Thanh khoản phiên 13/5 duy trì tương đương ngày liền trước, mức này hiện vẫn thấp hơn khối lượng giao dịch trung bình 50 ngày trên cả 2 sàn và cho thấy dòng tiền trên thị trường vẫn trong trạng thái thụ động.

Động thái đáng chú ý trong 13/5 thuộc về khối ngoại khi họ có phiên mua ròng thứ 15 liên tiếp. Khối lượng mua ròng trên sàn HOSE đạt mức 11 triệu cổ phiếu với giá trị hơn 220 tỷ đồng. Hành động của khối ngoại trong thời gian vừa qua “ngược chiều” với các nhà đầu tư trong nước. Chúng tôi duy trì quan điểm, nhà đầu tư cần thận trọng với tình hình hiện tại. Dù mức điểm giảm đã ít hơn phiên trước đó, chưa có bất kỳ tín hiệu kỹ thuật nào đủ mạnh để phản bác xu hướng giảm dành cho cả hai chỉ số VN-Index và HNX-Index.

Khi xu hướng trên cả hai sàn đều được nhìn nhận là giảm, Maybank Kim Eng khuyến nghị khách hàng tiếp tục đứng ngoài thị trường và hạn chế tối đa các hành động “bắt dao rơi” vì rủi ro phải đánh đổi là không nhỏ.

Sẽ tăng điểm trở lại vào cuối phiên

CTCK Maritime Bank (MSBS)

Thị trường chứng khoán có phiên giảm điểm thứ 2 liên tiếp. Thông tin từ tình hình căng thẳng tại Biển Đông và áp lực bán mạnh khi tâm lý nhà đầu tư yếu là những yếu tố chính chi phối khiến thị trường giảm điểm với mức thanh khoản trung bình.

Mốc hỗ trợ 510 điểm là tương đối mạnh khi 13/5 có hai lần chỉ số VN-Index giảm xuống dưới mốc này đều hồi phục trở lại. Thị trường ngày 14/5 có thể sẽ giảm đầu phiên, sau đó chúng tôi nghiêng về khả năng thị trường sẽ tăng điểm trở lại vào cuối phiên.Thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn điều chỉnh với nhiều rủi ro do tác động của yếu tố chính trị bất khả kháng do đó MSBS khuyến nghị nhà đầu tư vẫn nên đứng ngoài thị trường, chờ đợi cơ hội giải ngân khi thị trường có tín hiệu hồi phục rõ ràng.

Tin bài liên quan