Nhận định thị trường ngày 18/9: Biến động mạnh hơn, nhưng không kéo dài

Nhận định thị trường ngày 18/9: Biến động mạnh hơn, nhưng không kéo dài

(ĐTCK) Hiệu ứng tiêu cực có thể đã phần nào được phản ánh vào giá, thị trường có thể sẽ biến động mạnh hơn nhưng sẽ không kéo dài

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 18/9.

Có thể sẽ biến động mạnh hơn, nhưng không dài

(CTCK BIDV - BSC)

Thị trường vẫn đang giao dịch khá trầm lắng khi nhà đầu tư đang đứng ngoài chờ đợi thông tin từ cuộc họp FOMC đêm 17/9. Do đó, nhiều khả năng thị trường sẽ phản ứng mạnh mẽ hơn trong phiên ngày 18/9.

Kịch bản tiêu cực mà nhiều nhà đầu tư không mong đợi là Fed sẽ tăng lãi suất trong tháng 9 này. Điều khá ngạc nhiên là trong các chu kỳ tăng lãi suất của FED từ 1983 đến nay, có đến 5/6 lần đa số các kênh đầu tư đều thu được lợi suất dương. Hiệu ứng ngược diễn ra khi sự kỳ vọng về lãi suất tăng đã dần phản ánh vào các tài sản trước đó. Mặt khác, khối ngoại cũng đã bán ròng khá nhiều trên TTCK Việt Nam trong tháng 8 vừa qua. Do đó, hiệu ứng tiêu cực có thể đã phần nào được phản ánh vào giá, thị trường có thể sẽ biến động mạnh hơn nhưng sẽ không kéo dài.

Nhà đầu tư cẩn trọng vẫn nên đứng ngoài thị trường do có nhiều biến động tại thời điểm hiện tại. Nhà đầu tư ưa mạo hiểm có thể mở vị thế mua trong những phiên giảm điểm.

Tiếp tục đứng ngoài quan sát

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

Phiên giao dịch cuối tuần 18/9 dự kiến sẽ có khá nhiều cảm xúc khi là ngày cuối cùng của kỳ tái cơ cấu lần này của 2 quỹ ETFs. Phiên họp kéo dài 2 ngày của FED cũng đã chính thức được bắt đầu từ 0h ngày 17/9 (GMT+7) và dự kiến kết quả bỏ phiếu về việc tiến hành nâng lãi suất sẽ được công bố vào khoảng 1h sáng ngày18/9 (GMT+7). Mọi sự chú ý đều đang đổ dồn về Mỹ. Hiện tại các chuyên gia kinh tế vẫn chưa dự báo được quyết định điều chỉnh lãi suất của FED  trong kỳ họp lần này. Các yếu tố trên lý thuyết được đưa đưa ra khi quyết định tăng lãi suất của Mỹ bao gồm: tỷ lệ lạm phát, thị trường lao động và sự ổn định của tình hình tài chính không đủ để dự báo do xuất hiện vấn đề của nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là đợt phá giá đồng Nhân dân tệ ngày 11/8 và sự lao dốc của thị trường chứng khoán nước này buộc FED phải xem xét thận trọng với quyết định của mình trong kỳ họp lần này.

Nhà đầu tư tiếp tục đứng ngoài quan sát thị trường trong giai đoạn hiện tại. Nhà đầu tư có thể tham gia lại thị trường khi những yếu tố được thị trường tập trung theo dõi xuất hiện những tín hiệu tích cực.

Khó lạc quan

(CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS)

Gần 1 tuần giao dịch theo chậm rãi và chờ đợi cho thấy TTCK đang thiếu vắng sự hỗ trợ cần thiết. Việc nhà đầu tư đã và đang phải ngóng đến những thông tin từ bên ngoài và câu chuyện của FED lúc này có tính chất quyết định rất lớn. Vì thế, phiên giao dịch ngày 18/9 sẽ đầy bất ngờ cho một tuần giao dịch chờ đợi. Có hai khả năng sẽ diễn ra là thế giới phản ứng tích cực hoặc không tích cực với quyết định của FED.

Nếu xét theo hướng không tích cực thì TTCK Việt Nam sẽ đón nhận một xu thế khá xấu và hẳn nhiên nhiều nhà đầu tư sẽ quyết định bán ra. Áp lực này có thể đẩy thị trường suy giảm sâu và chúng tôi coi đó như một cơ hội mua vào. Theo thống kê lịch sử thì xu hướng giảm dài hạn của TTCK Mỹ chỉ diễn ra khi lãi suất tăng đạt đỉnh. Do đó,nếu như Mỹ nâng lãi suất tất nhiên có tác động ngắn hạn đến TTCK thế giới nhưng sẽ chưa thể là suy giảm ngay. Vì thế, khi thế giới đã rõ ràng và cân bằng thì TTCK Việt Nam sẽ cân bằng trở lại và đó là một cơ hội.

Ngược lại, ở xu hướng tích cực thì TTCK Việt sẽ có phiên tăng điểm mạnh bởi giá nhiều cổ phiếu hiện nay đang rất thấp và đã duy trì mức giá này khá lâu. Tuy nhiên, ở góc độ này chúng tôi lại cho rằng nhà đầu tư cũng không nên mua đuổi quá lâu, mà nên xem xét chốt lời dần. Xu hướng thiếu vắng sự hỗ trợ từ trong nước mới là điều quan trọng và vì thế nó sẽ khó duy trì đà tăng dài hạn. Chúng tôi khó lạc quan với TTCK trong phần còn lại của năm 2015 bởi những tác động không mong muốn hiện nay.

Sẽ có biến động mạnh

(CTCK FPT - FPTS)

Trong phiên cuối tuần, nhiều khả năng thị trường sẽ có biến động mạnh khi nhà đầu tư đón nhận thông tin chính thức từ FED. Mặt khác, đây cũng là phiên giao dịch cuối cùng trong thời hạn cơ cấu danh mục của các ETFs. Điều này sẽ khiến diễn biến của các chỉ số sẽ rất khó dự đoán do vừa phản ánh kỳ vọng về thông tin của nhà đầu tư, vừa chịu tác động từ giao dịch khối lượng lớn của các quỹ. Trong đó, những dấu hiệu về xu hướng ra/vào của dòng tiền khả năng sẽ bị nhiễu mạnh và có thể gây sai lầm trong việc nhận định xu hướng kế tiếp của các index. Do đó, nhà đầu tư nên tiếp tục quan sát và chưa vội gia tăng tỷ trọng lúc này.

Chưa thể phá vỡ trạng thái xập xình

(CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam - KIS)

Như những gì đã diễn ra trong những phiên vừa qua, thị trường duy trì trạng thái rung lắc trong biên độ hẹp và dòng tiền từ NĐT nội chưa có chuyển biến đáng kể. Khối ngoại đã có phiên mua ròng mạnh mẽ sau khi các quỹ ETF tăng mua vào. Ngày 18/9 là thời điểm các quỹ ETF cơ bản hoàn tất quá trình tái cơ cấu danh mục. Như thường lệ, thị trường sẽ có một số biến động nhất định.

Dù vậy, yếu tố quyết định đối với thị trường ngày 18/9 sẽ là kết quả về quyết định tăng lãi suất hay không của FOMC sẽ được công bố vào tối nay theo giời địa phương. Trong kịch bản Fed tăng lãi suất, mức tăng sẽ chỉ xoay quanh 0,2% và tất nhiên có thể tác động xấu lên thị trường trong vài phiên. Tuy nhiên, thị trường khó có lao dốc do đã được phản ánh một phần vào giá cổ phiếu trong thời gian qua. Một lần nữa, chúng tôi không quá bi quan vào lúc này. Nhiều khả năng, thị trường sẽ có chuyển biến rõ ràng hơn kể từ ngày 18/9 sau giai đoạn rung lắc đi ngang.

Tính đến thời điểm này, đã không có xuất hiện nhân tố hỗ trợ mới từ trong nước để giúp thị trường phá vỡ trạng thái xập xình. Trước mắt, thị trường sẽ tiếp tục rung lắc và củng cố quanh vùng 550-575, ít nhất cho đến khi sự kiện Fed có tăng lãi suất hay không được làm rõ vào cuối tuần này.

Vẫn đang trong một pha tích lũy ngắn hạn

(CTCK Maybank Kim Eng - MBKE)

Thị trường vẫn đang trong một pha tích lũy ngắn hạn và chờ đợi kết quả từ những thông tin quan trọng để xác định hướng đi trong thời gian tới, xác suất cho một kịch bản tích cực tiếp tục được đánh giá cao hơn. Nhà đầu tư có tỷ trọng cổ phiếu chưa thâm dụng vốn vay có thể xem xét nắm giữ thêm cổ phiếu trong những phiên điều chỉnh.

Có thể sẽ tăng nhẹ

(CTCK Maritime – MSI)

VN-Index giảm điểm cuối phiên do sự suy giảm của nhóm cổ phiếu Ngân hàng, kết phiên giảm 1,65 điểm, xuống 562,48 điểm. Các mẫu hình nến trong các phiên gần đây đều có body nhỏ, thị  trường giao dịch khá ảm đảm, thanh khoản trong phiên có sự cải thiện nhờ dòng vốn ngoại mua mạnh nhưng vẫn ở mức thấp, giá trị giao dịch toàn thị trường chỉ đạt hơn 1.744 tỷ đồng. 

Trong phiên cuối tuần, thị trường có thể sẽ tăng nhẹ nhờ thông tin giá dầu thế giới tăng trở lại và quỹ ETFs chốt danh mục cơ cấu. Thị trường sẽ chưa có biến động mạnh, các giao dịch ngắn hạn, trading T+ là khá rủi ro, nhà đầu tư vẫn nên chờ đợi tín hiệu thị trường rõ ràng hơn.

Tin bài liên quan