Kết quả hoạt động gắn chặt với thị trường nên nhân sự ngành chứng khoán bất ổn cũng là điều dễ hiểu

Kết quả hoạt động gắn chặt với thị trường nên nhân sự ngành chứng khoán bất ổn cũng là điều dễ hiểu

Nhân sự ngành chứng khoán “nhảy việc” vì khó khăn

(ĐTCK-online) Dù tìm được chỗ làm mới trong thời điểm này không dễ dàng, nhân sự ngành dịch vụ tài chính, đặc biệt là chứng khoán vẫn bỏ việc nhiều hơn hẳn các ngành nghề khác. Nguyên nhân chủ yếu là thu nhập và triển vọng thấp.

Mới đây, Mercer, một công ty tư vấn nhân sự quốc tế và Talentnet, một đơn vị chuyên tư vấn và tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam đã công bố kết quả khảo sát 6 tháng đầu năm 2011. Kết quả này cho thấy, nhân sự trong ngành dịch vụ tài chính bỏ việc nhiều hơn hẳn các ngành nghề khác với tỷ lệ nghỉ việc là 13,5%, trong khi tỷ lệ trung bình chỉ là 8,8%. Nhân sự ở các công ty cho vay tài chính, tư vấn kiểm toán, bất động sản... nghỉ việc hàng loạt, song chủ yếu là tự bỏ để tìm kiếm cơ hội mới chứ không phải bị sa thải.

Theo đại diện của Mercer và Talentnet, nghỉ việc nhiều nhất là nhóm nhân viên kinh doanh ở những công ty cho vay tài chính và nhân viên tư vấn ở các công ty kiểm toán. Phần lớn lực lượng lao động này trẻ, năng động, thích thử thách. Sau một thời gian làm việc ở một công ty, họ muốn tìm kiếm những cơ hội mới tốt hơn, ở những vị trí cao hơn.

Được biết, khảo sát này được tiến hành ở 329 công ty thuộc nhiều ngành nghề, với 90.000 nhân viên ở nhiều khu vực khác nhau tại Việt Nam. Trong số các doanh nghiệp được khảo sát, có 47% doanh nghiệp có doanh thu dưới 25 triệu USD, 31% có doanh thu từ 25 đến dưới 100 triệu USD, 10% có doanh thu từ 100 triệu USD đến dưới 1 tỷ USD.

Khảo sát lương theo phương pháp Mercer được thực hiện từ tháng 4 đến tháng 9 hằng năm ở thị trường Việt Nam. Khảo sát về phúc lợi cũng được tiến hành 2 lần trong năm. Không những cung cấp những thông tin về lương, khảo sát của Mercer và Talentnet còn cung cấp các thông tin về phúc lợi. Ngoài ra, tùy theo tình hình mỗi năm, Mercer và Talentnet còn có thêm những cuộc khảo sát khác như: những phản ứng của doanh nghiệp trước tình hình lạm phát tăng cao ở Việt Nam, chính sách thu hút nhân tài…

Nhận xét về xu hướng này, ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch HĐQT CTCK Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (SBS) nói: "Trong lúc ngành tài chính khó khăn, người lao động muốn chuyển sang ngành khác, ít khó khăn hơn, thu nhập cao hơn là tất yếu. Điều này cũng xảy ra đối với các ngành khác như bất động sản chứ không riêng gì chứng khoán". Tháng 7 vừa qua, SBS đã chủ động tái cơ cấu, tinh giản bộ máy, tiết kiệm chi phí, tập trung nguồn lực để có thể vượt qua thời kỳ khó khăn này. Từ 400 nhân sự ở thời điểm thị trường sôi động, nay, SBS chỉ còn lại 270 nhân sự.

Nếu như thời điểm TTCK tăng trưởng nóng, nhiều nhân sự ngành khác đã "chạy" sang, thì nay, khi thị trường ảm đạm, nhân sự lại rời bỏ chứng khoán, trở lại với ngành nghề khác. Anh Cương, người từng làm việc tại CTCK Sao Việt, mới đây đã chuyển sang làm việc cho CTCP Đầu tư Phan Vũ, một công ty chuyên cung cấp bê tông. Giải thích về lý do chuyển việc, anh Cương nói: "TTCK có thể còn lình xình 1 - 2 năm nữa. Tôi không muốn lãng phí thời gian và sức lực cho một việc không đem lại hiệu quả, không tích lũy được kinh nghiệm gì". Tất nhiên, thu nhập hẳn cũng là một lý do quan trọng để anh Cương quyết định chuyển việc.

Môi trường năng động, kích thích sáng tạo cũng là điều người lao động hướng tới. Một nhân sự cấp cao của một CTCK mới thay đổi việc làm cho biết, công ty cũ vốn lớn, thương hiệu ổn định, tuy nhiên, vì đã ổn định nên có phần trì trệ. Chuyển việc sang một CTCK khác, tuy nhỏ hơn, song anh có điều kiện thực hiện những ý tưởng đã ấp ủ từ lâu.

Chị Thủy, một nhân viên của Ngân hàng TMCP Á Châu, cho biết, với thâm niên làm việc 10 năm, chị đã từng chứng kiến nhiều lượt nhân viên đến và đi. Lý do quan trọng nhất cho quyết định "nhảy việc" là thu nhập và thường tập trung ở những nhân viên trẻ, mới làm việc được 1 - 2 năm. Doanh nghiệp tốn công đào tạo nhân viên mới và họ sẵn sàng "rũ áo ra đi" khi có nơi mời chào với mức lương hấp dẫn hơn. Trước đây, ACB cũng phải đối mặt với tình trạng nhân viên nghỉ việc nhiều. Gần đây, khi có sự thay đổi về lương thưởng, tình trạng nghỉ việc đã giảm hẳn.

Theo dự báo của Mercer và  Talentnet, năm 2012, tỷ lệ thôi việc sẽ không cao bằng năm 2011 do nhân viên đã nghỉ nhiều trong những năm trước, thị trường vẫn còn khó khăn và doanh nghiệp không sẵn lòng tuyển dụng mới. Tăng trưởng nhân viên trong năm 2012 cũng thấp hơn do tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn. Doanh nghiệp cẩn trọng hơn trong việc mở rộng kinh doanh và nhu cầu tuyển dụng giảm đi. Trường hợp kiêm nhiệm thêm công việc của những nhân viên đã nghỉ cũng nên được các doanh nghiệp xem xét đến.