Nhật Bản cuống cuồng tìm cách vượt qua cơn suy thoái

Nhật Bản cuống cuồng tìm cách vượt qua cơn suy thoái

(ĐTCK) Với dữ liệu GDP sụt giảm trong quý III, quý sụt giảm thứ hai liên tiếp, kinh tế Nhật Bản đã chính thức lâm vào suy thoái. Nội các của Thủ tướng Shinzo Abe đã lập tức tìm cách vượt qua cơn suy thoái này, với các gói kích thích được đặt lên bàn làm việc.

Với Nhật Bản, đây là lần sụt giảm và suy thoái thứ tư kể từ năm 2008, và đang đe dọa sự thất bại của chính sách Abenomics (còn có tên gọi là chính sách “ba mũi tên” nhằm kích thích kinh tế của Nhật Bản) mà chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe đang tiến hành nhằm từng bước vực dậy tăng trưởng cho các năm tới.

Bộ trưởng Kinh tế Akira Mari đã trả lời các phóng viên ngày hôm qua tại Tokyo rằng, khả năng cao là sẽ có một gói kích thích kinh tế. Etsuro Honda, một cố vấn kinh tế của ông Abe cho biết về một chương trình khoảng 3.000 tỷ yên (26 tỷ USD) sẽ được đưa ra như một biện pháp hỗ trợ trực tiếp các hộ gia đình, chẳng hạn như hỗ trợ chăm sóc trẻ em.

Thủ tướng Shinzo Abe cũng đang xem xét việc hoãn tăng thuế doanh thu tháng 10 cho đến năm 2017 - Theo ước tính trung bình của các nhà kinh tế, được khảo sát bởi Bloomberg thì đây được coi là một động thái làm tăng thêm 0,3 điểm phần trăm tăng trưởng trong năm tới. Những số phiếu bầu cho Thủ tướng trong cuộc tái tranh cử sắp tới sẽ được coi như một cuộc trưng cầu về chính sách mới của ông.

Theo ông Kazuhiko Ogata, Giám đốc Ban kinh tế Nhật Bản tại Credit Agricole SA Tokyo thì “việc tạm hoãn tăng thuế sẽ khiến cho các gia đình, mỗi tế bào của xã hội bớt búc xúc hơn do kinh tế khó khăn, đồng thời giúp cải thiện thái độ chi tiêu và tạo điều kiện phục hồi tiêu dùng”.

Đã gần hai năm Nhật Bản thực hiện chính sách Abenomics, tuy nhiên, chính sách này vẫn chưa châm ngòi cho sự tăng trưởng bền vững. Theo một báo cáo của chính phủ ngày hôm qua, kinh tế vẫn có mức tăng trưởng âm trong quý thứ hai liên tiếp.

Ông Abe vẫn chưa thực hiện được mục tiêu tăng trưởng với chiến lược tự do hóa thị trường lao động, để đảm bảo thực hiện một thỏa thuận thương mại tự do trong các cuộc đàm phán đối tác xuyên Thái Bình Dương. Tuy nhiên, tại một số mục tiêu khác, Abenomics cũng thực sự có tác dụng đối với Nhật Bản. Kết thúc được 15 năm giảm phát, duy trì và thúc đẩy sự tập trung vào thị trường chứng khoán cũng như về lợi nhuận trên vốn cổ phần của các công ty. Chỉ số cổ phiếu Topix (TPX) đã 83% trong hai năm qua.

Hôm qua, Thủ tướng Abe đã có cuộc gặp gỡ với ông Kozo Yamamoto, một cố vấn lâu năm và là người đứng đầu một nhóm quyền lực để sẵn sàng cho một gói kích cầu ước tính khoảng 4.600 tỷ yên (gần 40 tỷ USD) nhằm kích thích kinh tế trong năm tới.

Chính phủ Nhật đã có nhiều tháng thảo luận về việc giảm thuế doanh nghiệp và ông Abe đã quyết định bãi bỏ một số chính sách trong chiến dịch tạo lạm phát của mình. Chính quyền của ông Abe đã cố gắng để tránh lặp lại sự vụ năm 1997, khi cựu thủ tướng Ryutara Hashimoto thực hiện một chiến dịch tăng thuế và đã khiến kinh tế lâm vào thời kỳ suy thoái.

Ông Abe cùng các cố vấn cũng đã thông qua một ngân sách thêm 5.500 tỷ yên (khoảng 50 tỷ USD) vào tháng 12 nhằm điều tiết khoản tiền thuế tháng 4 từ 5% lên 8%.

Ngân hàng Nhật Bản và các nhà hoạch định chính sách cũng đang thực hiện một kế hoạch lớn chưa từng có kể từ khi ông Haruhiko Kuroda được ông Abe bổ nhiệm vào năm 2013, đó là mở rộng cơ sở tiền tệ.

Mặc dù vậy, theo dữ liệu vừa công bố, GDP của Nhật Bản trong quý III tiếp tục giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái và là quý thứ 2 liên tiếp có mức tăng trưởng âm, sau khi giảm 7,3% vào quý trước.

Tin bài liên quan