Nhật Bản hỗ trợ ngành đánh bắt cá sau lệnh cấm của Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
Báo Nikkei ngày 31/8 đưa tin, Nhật Bản sẽ sử dụng kinh phí bổ sung để hỗ trợ ngành đánh bắt cá, sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu toàn bộ mặt hàng hải sản có nguồn gốc từ Nhật Bản để đáp lại quyết định của nước này trong việc cho xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra Thái Bình Dương.
Ngư dân đánh cá tại cảng ở Soma, tỉnh Fukushima (Nhật Bản), ngày 24/8/2023. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Ngư dân đánh cá tại cảng ở Soma, tỉnh Fukushima (Nhật Bản), ngày 24/8/2023. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Nikkei cho biết Chính phủ Nhật Bản sẽ sử dụng hàng chục tỷ yen (hàng trăm triệu USD) từ dự trữ ngân sách cho tài khóa hiện tại. Theo thông tin đăng tải trên báo này, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida được dự đoán sẽ thông báo biện pháp hỗ trợ mới này vào ngày 31/8 sau chuyến thăm của ông đến chợ cá Toyosu ở thủ đô Tokyo.

Chính phủ Nhật Bản đã thiết lập hai quỹ trị giá 80 tỷ yen (547,9 triệu USD) để giúp phát triển các kênh bán hàng mới và duy trì hoạt động đông lạnh cá đến khi nhu cầu phục hồi để có thể bán ra, cùng với các biện pháp khác. Trước đó, giới chức nước này đã phủ nhận khả năng có thêm các biện pháp tài khóa để hỗ trợ cho ngành đánh bắt cá.

Hơn 700 công ty Nhật Bản đã xuất khẩu khoảng 600 triệu USD các sản phẩm hải sản sang Trung Quốc trong năm 2022, qua đó Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất cho mặt hàng hải sản của Nhật Bản. Thị trường thứ hai là Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) cũng đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu hải sản từ 10 vùng của Nhật Bản sau sự việc xả thải từ nhà máy Fukushima.

Cuối tuần trước, Bộ trưởng Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản Tetsuro Nomura cho biết chính phủ nước này sẽ có biện pháp để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm hải sản phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc như sò điệp. Trung Quốc chiếm hơn một nửa kim ngạch sò điệp xuất khẩu của Nhật Bản trong năm 2022.

Nhiều quan chức Nhật Bản phát đi tín hiệu sẽ thực hiện các biện pháp ngoại giao, trong đó có việc khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), để hối thúc Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm nói trên, điều mà nước này cho là không có căn cứ khoa học.

Tin bài liên quan