Nhật Bản trước áp lực tăng thuế vì nợ công

Nhật Bản trước áp lực tăng thuế vì nợ công

(ĐTCK) Nợ quốc gia của Nhật Bản lần đầu tiên trong lịch sử đã vượt quá 1 triệu tỷ yên. Con số này buộc Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe không thể trì hoãn hơn nữa các khuyến nghị tăng thuế trước đó.

Theo số liệu của Bộ Tài chính Nhật Bản công bố, nợ công của quốc gia này bao gồm cả các khoản vay mượn từ bên ngoài đã đạt mức kỷ lục 1.008.600 tỷ yên (tương đương với 10.460 tỷ USD) tính đến ngày 30/6, tăng 1,7% so với ba tháng trước đó.

Con số nợ công này lớn hơn cả nợ công của các nền kinh tế của Đức, Pháp và Anh cộng lại. Con số này dù lớn nhưng không gây ngạc nhiên bởi sau hơn 2 thập kỷ trì trệ về kinh tế, Nhật Bản được biết đến như một quốc gia có tỷ lệ nợ công/GDP hàng đầu thế giới. Việc liên tục phát hành trái phiếu chính phủ để bù đắp chi tiêu đã khiến 80% trong số nợ khổng lồ là nợ bằng trái phiếu.

Gánh nặng nợ nần được dự báo sẽ không thể “hóa giải” nếu không có chính sách khác trước đây. Tăng thuế là cách khó thể tránh khỏi, và đây cũng là giải pháp được tiên lượng trước với những tuyên bố cứng rắn về cải cách tài chính trước khi ông Abe ngồi vào ghế Thủ tướng.

Việc gia tăng thuế sẽ kéo theo những tác động khó dự đoán đối với tăng trưởng kinh tế. Ty nhiên, động thái này của Chính phủ đón nhận được nhiều sự đồng tình từ giới phân tích.

Moody’s Investors Service cuối tuần trước đã cảnh báo rằng, nếu tiếp tục để tình trạng tài chính công xấu đi sẽ làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư vào trái phiếu chính phủ.

 “Sự phình to của nợ công đã nhấn mạnh sự cần thiết trong việc thúc đẩy tăng thu thuế để hỗ trợ chi tiêu của Chính phủ,” ông Long Hanhua Wang, một nhà kinh tế của Royal Bank of Scotland Grop Plc tại Tokyo nhận định.

Ông này cũng cho rằng, đây chỉ là một yêu cầu tối thiểu về mặt chính sách đối với Chính phủ của ông Abe trong bối cảnh nợ công hiện nay.

Thuế đánh vào tiêu dùng dự kiến ​​sẽ được nâng lên 8% từ mức hiện tại 5%, sau đó sẽ tiếp tục tăng lên 10% vào tháng 10/2015.

Mặc dù đã có kế hoạch hai bước, nhưng ông Abe cũng cho biết, ông sẽ đưa ra quyết định cuối cùng sau khi có các số liệu chính thức (số liệu được điều chỉnh so với ước tính) về tổng sản phẩm quốc dân (GDP) được công bố vào ngày 9/9 tới.

Thủ tướng Abe cuối tuần trước cũng đã yêu cầu thành lập một ủy ban gồm các chuyên gia để phân tích các tác động của việc tăng thuế đến nền kinh tế nước này. Những người ủng hộ sự tăng thuế có một nhân vật mang tầm ảnh hưởng lớn là Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko.

Việc trì hoãn tăng thuế thêm một thời gian ngắn được coi là bước đệm cần thiết để người dân và doanh nghiệp chuẩn bị “tâm lý”, bởi kế hoạch này vẫn vấp phải những phản đối nhật định.

Etsuro Honda, dù với vai trò là một cố vấn kinh tế cho Thủ tướng Abe, tuần trước đã kêu gọi một sự gia tăng thuế nhẹ nhàng hơn để giảm bớt gánh nặng cho các hộ gia đình.

Một cố vấn khác, giáo sư đã về hưu của Đại học Yale, ông Koichi Hamada, cho biết, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản nên chuẩn bị thêm những biện pháp kích thích tăng trưởng nếu sự gia tăng thuế doanh thu thuế gây tổn thương đến nền kinh tế.

Theo phân tích của Bloomberg, nếu không có giải pháp điều chỉnh nguồn thu của Chính phủ, thâm hụt ngân sách năm nay của Nhật Bản sẽ tiếp tục mở rộng, lên đến 10,3% GDP từ mức 9,9% trong năm 2012. Điều này sẽ khiến nợ công của Nhật Bản càng trở nên nặng nề hơn, bởi con số hiện tại đã lớn gấp hơn hai lần quy mô nền kinh tế,

Theo một ước tính cuối tuần trước của Văn phòng Nội các, với giải pháp tăng thuế, Nhật Bản cũng chưa thể giải quyết ngay được vấn đề nợ công mà chỉ “làm dịu”, khi ngân sách tiếp tục thâm hụt. Tất nhiên sẽ về mức thấp hơn và có thể chấp nhận được là tương đương với 2% của nền kinh tế trong năm tài khóa bắt đầu tháng 4/2020.

Với tỷ lệ người cao tuổi quá cao, Nhật Bản là nước chịu gánh nặng an sinh xã hội rất lớn và tăng hàng năm. Tổng chi trả cho công tác an sinh xã hội đã tăng lên 103.000 tỷ yên năm 2010 từ 47.000 tỷ yên năm 1990, theo số liệu của Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh xã hội Nhật Bản.

“Cải cách thuế và ngăn chặn chi tiêu an sinh xã hội sẽ tiếp tục tăng sẽ giúp làm giảm thâm hụt ngân sách của Chính phủ và nâng cao năng lực trả nợ “, Thomas Byrne, Phó chủ tịch cao cấp của Moody, nhận định trong một báo cáo gần đây.