Nhật ký Hà Giang

Nhật ký Hà Giang

(ĐTCK) Đúng một năm sau ngày thực hiện chương trình “Áo ấm cho trẻ em Dế Xu Phình” tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, chúng tôi tiếp tục hành trình “Mang hơi ấm tới vùng cao” với điểm đến năm nay là xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn của Tỉnh Hà Giang - một tỉnh miền núi nằm ở cực Bắc của tổ quốc.

Trước chuyến hành trình, ấn tượng trong tôi về Hà Giang là những câu chuyện kể về cao nguyên đá Đồng Văn hùng vĩ nằm trải rộng trên 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc. Là Dinh họ Vương được biết đến như một công trình kiến trúc đẹp và độc đáo, với lịch sự gần 100 năm được xếp hạng cấp quốc gia. Là đỉnh Mã Pí Lèng - một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam và cột cờ Lũng Cú - biểu tượng thiêng liêng về chủ quyền quốc gia. Hà Giang ấn tượng với tôi bởi một nét văn hóa đặc sắc -  một phiên chợ hàng năm không thể có ở đâu trên trái đất này - đó là chợ tình Khau Vai, được bắt nguồn từ một câu chuyện tình lãng mạn và đầy tính nhân văn giữa một chàng trai người Nùng và cô gái người Giáy từ hơn trăm năm trước. Nhưng Hà Giang còn để lại những ấn tượng khác, những câu chuyện và cảm xúc khác trong tôi nếu như không có chuyến đi này cùng các đồng nghiệp tại Tập đoàn Bảo Việt, Chứng khoán Bảo Việt và đoàn bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô.

Xuất phát từ sáng sớm ngày 6/12 khi trời còn chưa rõ mặt người trong cái rét căm căm của mùa đông Hà Nội, chúng tôi đã đi một hành trình dài vượt 300km tới thành phố Hà Giang khi đã quá trưa. Chỉ kịp dừng chân chưa đầy 1 tiếng cho bữa trưa, khá mệt, nhưng cả đoàn tiếp tục hành trình từ Hà Giang lên Đồng Văn. Trên con đường độc đạo lên Đồng Văn, sẽ đi qua cổng trời Quản Bạ, nơi được coi là cửa ngõ đầu tiên lên cao nguyên Đồng Văn. Đứng trên cổng trời Quản Bạ - cách mực nước biển 1.500m, nhìn xuống phía dưới là danh thắng “Núi Đôi” đẹp hút hồn, một khung cảnh vừa hùng vĩ, vừa nên thơ như trong lời bài hát “Hà Giang quê tôi” của tác giả Thanh Phúc. Tới hơn 7 giờ tối, Đoàn tới trung tâm huyện Đồng Văn, nghỉ đêm tại đây.

Điểm đặc biệt năm 2013 là Đoàn có sự tham gia của các bác sĩ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô.Tác giả: ngoài cùng, bên phải, chụp ảnh lưu niệm tại Đồng Văn

Hơn 7 giờ sáng ngày hôm sau, cả đoàn đã có mặt tại cụm trường mầm non và tiểu học xã Sủng Trái - cách trung tâm huyện Đồng Văn khoảng 50 km đường đèo. Sau những cái bắt tay nồng ấm và chân tình, với sự hỗ trợ nhiệt tình của Đảng ủy và UBND xã cùng các thầy cô, chúng tôi nhanh chóng chia làm 2 nhóm triển khai công việc. Một nhóm bác sĩ và các y tá của Bệnh viện Việt Xô khẩn trương lắp đặt trang thiết bị, bố trí phòng khám, bố trí bàn đón tiếp bà con. Đoàn Bảo Việt tập trung dỡ hàng, thực hiện phân loại và xắp xếp để chuẩn bị đón các em nhỏ. Một không khí khẩn trương, hăm hở, đầy ắp niềm vui và tình thương mến - điều chỉ có thể có khi thực hiện công việc bằng một tấm lòng tự nguyện và chân thành.

Có lẽ, với gần 500 bà con tới khám chữa bệnh trong một ngày không phải là con số quá lớn với bệnh viện tuyến trung ương, nhưng với một nhóm nhỏ chưa tới 20 bác sĩ và y tá tình nguyện lên vùng cao trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, đó là một áp lực, nhưng cũng là điều vô cùng ý nghĩa với bà con xã Sủng Trái và cả chúng tôi nữa. Có những em bé chưa đầy 3 tuổi tự mình đi xếp hàng khám bệnh, em bé lớn hơn thì địu em sau lưng, các cụ già lặng lẽ xếp hàng chờ tới lượt mình… Một trật tự được tôn trọng khác hẳn với văn hóa xếp hàng lâu nay dường như đã bị bỏ quên ở thành phố.

Cũng trong sáng ngày hôm đó, hơn 400 phần quà đã được trao cho các em nhỏ Trường mầm non xã Sủng Trái. Sủng Trái là một xã đặc biệt khó khăn thuộc diện xã 135 của huyện Đồng Văn (Hà Giang). Nơi đây, địa hình chủ yếu là núi đá, diện tích đất canh tác rất hạn hẹp, mùa đông kéo dài 5-6 tháng và toàn xã không có diện tích đất để canh tác lúa mà chỉ có thể trồng sắn, ngô qua các hốc đá hiếm hoi của cao nguyên đá Đồng Văn. Thành phần dân tộc chủ yếu ở đây là người Mông và có tới hơn 90% số hộ nghèo. Trường Mầm non xã có 440 học sinh với một điểm trường chính và 12 điểm trường lẻ. Mặc dù có sự hỗ trợ của Nhà nước và địa phương, nhưng do điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, diện tích canh tác rất hạn hẹp, nên gần như các em học sinh không đủ cơm để ăn, những bữa ăn thường xuyên là mèn mén (ngô xay) với canh rau. Hiểu được tình cảnh này, chúng tôi không mang tiền lên tặng bà con và trẻ em, mà là chăn áo ấm, cá khô, lương thực, bánh kẹo và thuốc men. Dù địa thế hiểm trở, dù thiên nhiên khắc nghiệt, chúng tôi vẫn chọn Sủng Trái làm nơi để đến, góp phần mang hơi ấm đến bà con ở vùng địa đầu tổ quốc. Và họ đem đến cho chúng tôi bài học về sự bền bỉ thích nghi với khó khăn khắc nghiệt của môi trường sống.

Chỉ 5km từ UBND xã lên tới một điểm trường khác thuộc xã Sủng Trái, nhưng cả Đoàn đã mất tới 1 tiếng đồng hồ mới đi qua những đoạn cua khúc khuỷu, những vách đá cheo leo, bên dưới là vực sâu hun hút…. Đi để cảm nhận, để xúc động và khâm phục ý chí của các thầy cô giáo nơi đây. Cô giáo tên Điều, quê Phú Thọ, đã lên và bám trụ trường lớp kể từ ngày ra trường tới nay là 5 năm. Cô kể, hàng tháng, các giáo viên đều vào từng xã, đi lên tận từng bản làng để thống kê xem có gia đình nào có trẻ sơ sinh mới ra đời. Ở đây, các thầy cô không chỉ dạy chữ, mà họ còn thực hiện những nhiệm vụ như người cha, người mẹ. Thầy cô đi làm giấy khai sinh cho các em, làm thủ tục nhập trường cho các em….

Rời Đồng Văn, chúng tôi về Hà Nội lúc khoảng 12h đêm trên con đường mang tên “Đường Hạnh Phúc”. Con đường “Hạnh Phúc” ấy, với chúng tôi, nó thực sự vĩ đại bởi đó là thành quả của hàng vạn thanh niên xung phong làm ròng rã trong 6 năm trời (1959-1965), có những người phải treo mình trên vách núi lấn từng centimet để làm đường. Mặc dù với một hành trình khoảng 600km của chuyến hành trình làm mọi người thấm mệt, nhưng các thành viên trong đoàn đều cảm thấy hạnh phúc sau chuyến đi trên con “Đường Hạnh Phúc” mà mình đã trải qua. Đến và sẽ trở lại để chia sẻ khó khăn và mang hơi ấm với bà con nơi địa đầu Tổ quốc là ý nguyện của các thành viên trong đoàn và của Tập đoàn Bảo Việt!

Mai Hiên, tháng 12/2013

Nhật ký Hà Giang ảnh 2Ông Nhữ Đình Hòa Tổng giám đốc BVSC

BVSC luôn đặt mục tiêu tăng trưởng gắn với trách nhiệm xã hội

Trong kế hoạch phát triển BVSC hàng năm, chúng tôi luôn đặt mục tiêu tăng trưởng gắn với trách nhiệm xã hội. Mỗi DN có một cách thể hiện trách nhiệm xã hội riêng, nhưng với Tập đoàn Bảo Việt nói chung và Chứng khoán Bảo Việt nói riêng, chúng tôi hướng sự hỗ trợ của mình đến những người dân nghèo ở nơi xa xôi của Tổ quốc. Cùng với việc chia sẻ hơi ấm từ những tấm lòng của cán bộ, nhân viên, đối tác, khách hàng của Công ty đến với trẻ em, đồng bào còn nghèo khó, thông qua việc thực hiện các chương trình từ thiện, chúng tôi như được tiếp thêm niềm tin, thêm sức mạnh cho chính mình và cho các nhân viên của mình.

Thực hiện trách nhiệm xã hội cũng là một trong những bước để BVSC hướng đến sự phát triển bền vững. Chú trọng đầu tư nguồn nhân lực, xây dựng quan hệ tốt với các bên liên quan và thực hiện các hoạt động hướng đến cộng đồng là những việc chính BVSC đã, đang và sẽ làm để phát triển bền vững.

“Phần thưởng” cho chúng tôi là sự tăng trưởng liên tục về hiệu quả kinh doanh của Công ty kể từ năm 2010 đến nay. Năm 2014, BVSC đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn so với năm 2013 và chúng tôi sẽ nỗ lực tối đa để thực hiện mục tiêu này.