Nhiệm vụ lớn của Bộ Giao thông - Vận tải

0:00 / 0:00
0:00
Nếu kịp hoàn thiện các thủ tục giải ngân khoản kinh phí vừa được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch năm 2022, thì tính đến hết tháng 12/2022, Bộ GTVT sẽ giải ngân đạt 84% kế hoạch.
Nhiệm vụ lớn của Bộ Giao thông - Vận tải

Nếu kịp hoàn thiện các thủ tục giải ngân khoản kinh phí vừa được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch năm 2022 trị giá 4.723 tỷ đồng để hỗ trợ Dự án BOT cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trong ít ngày tới, thì tính đến hết tháng 12/2022, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) sẽ giải ngân đạt 84% kế hoạch, cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Cần phải nói thêm rằng, Bộ GTVT vẫn còn 1 tháng nữa để cán đích mục tiêu giải ngân 55.051 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2022 (gồm vốn giải ngân giao đầu năm và giao bổ sung vào tháng 10/2022). Đây là lượng vốn đầu tư công được giao trong một năm lớn nhất trong lịch sử ngành GTVT.

Dù gặp khó khăn về thời tiết, biến động giá, sự thiếu hụt các nguyên vật liệu đầu vào, nhưng nhờ nỗ lực cao độ của các chủ đầu tư và nhà thầu, đặc biệt là tại các dự án trọng điểm quốc gia như cao tốc Bắc - Nam giai đoạn I và giai đoạn II… đã giúp Bộ GTVT tiệm cận rất sát mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công - một trong những điểm sáng lớn nhất của ngành GTVT trong năm 2022.

Chỉ tính riêng tháng 12/2022, Bộ GTVT đã giải ngân được 7.635 tỷ đồng so với 4.900 tỷ đồng giải ngân trong tháng 11/2022, trong đó phần lớn từ 2 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Quan trọng hơn, nhờ có đà tiến từ đợt thi đua nước rút 120 ngày đêm, nếu thời tiết thuận lợi, đây vẫn sẽ là “mỏ vàng” giải ngân của Bộ GTVT trong tháng 1/2023.

Trên thực tế, nếu một số dự án sử dụng vốn ODA và dự án sử dụng vốn đầu tư công được phân giao cho sở GTVT các tỉnh làm chủ đầu tư không bị sa lầy tiến độ, thì Bộ GTVT hoàn toàn có thể có kết quả giải ngân tốt hơn trong năm 2022. Đây cũng là bài học mà Bộ GTVT cần phải chú ý hơn trong năm tới.

Được biết, trên cơ sở nhu cầu các chủ đầu tư/Ban quản lý dự án xây dựng, đăng ký kế hoạch, năm 2023, Bộ GTVT dự kiến giải ngân khoảng 71.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Quốc hội, Chính phủ đã giao Bộ GTVT phải giải ngân tối thiểu 94.161 tỷ đồng vốn đầu tư công, cao gấp 1,7 lần năm 2022 và gấp 2,2 lần năm 2021. Nhiệm vụ nặng nề, chưa từng có tiền lệ này đòi hỏi ngành GTVT phải nỗ lực cao độ, mạnh dạn thay đổi về cách làm, trên cơ sở rút kinh nghiệm trong những năm vừa qua.

Tuy nhiên, với vai trò là đầu tàu giải ngân vốn, hơn bao giờ hết, Bộ GTVT cần quán triệt sâu sắc quan điểm làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT tại cuộc họp hôm 10/8/2022.

Đó là suy nghĩ phải kỹ lưỡng, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, khó khăn, vướng mắc ở đâu thì tháo gỡ ở đấy; làm việc thực chất, phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, đạt hiệu quả cao nhất.

Trong giai đoạn từ nay đến cuối năm 2023, Bộ GTVT phải hoàn thành dứt điểm việc bàn giao đầy đủ mặt bằng; xử lý rốt ráo bài toán về nguồn vật liệu thông thường như đất đắp, đá cát sỏi, tạo điều kiện cho các nhà thầu thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn II tăng tốc ngay sau khi khởi công công trình.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT phải nhanh chóng kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý, nâng cao năng lực của các chủ đầu tư; quy định rõ trách nhiệm của từng chủ thể tham gia, trong đó gắn hiệu quả công việc, kết quả hoàn thành nhiệm vụ để đánh giá cán bộ; kịp thời thay thế, điều chuyển lãnh đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án yếu về năng lực, có tâm lý né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Đây chính là nền tảng vững chắc cho công tác giải ngân vốn đầu tư nhanh, hiệu quả trong ngành GTVT, tránh lặp lại hiện tượng cấp trên thì chỉ đạo nóng, quyết liệt, nhưng công trường vẫn nguội lạnh, tiến độ chưa đáp ứng được yêu cầu như tại một số dự án trong thời gian vừa qua.

Tin bài liên quan