Ông Phạm Hồng Sơn

Ông Phạm Hồng Sơn

Nhiều CTCK đã tự tái cấu trúc rất tốt

(ĐTCK) Một năm sau khi Đề án tái cấu trúc các CTCK được phê duyệt, rất nhiều thay đổi đã xảy ra, trong đó ấn tượng nhất là việc các CTCK đã thay đổi rất mạnh mẽ về tư duy trong định hướng phát triển, tư duy quản trị, hướng đến hoạt động an toàn, hiệu quả hơn.

ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) xung quanh những kết quả đạt được của 1 năm tái cấu trúc CTCK và phương hướng năm 2014.

Khung pháp lý cơ bản hoàn thiện

Đã gần 1 năm kể từ khi Đề án tái cấu trúc CTCK đã đượcThủ tướng Chính phủ phê duyệt, ở vai trò cơ quan quản lý, UBCK chuẩn bị những gì liên quan đến yếu tố pháp lý cho việc này, thưa ông?

Với 3 trụ cột về chính sách trong hoạt động của CTCK đã được ban hành là quản trị rủi ro, chỉ tiêu an toàn tài chính và xếp loại theo chuẩn CAMEL, khung pháp lý hiện tại đã cơ bản đảm bảo điều chỉnh hoạt động CTCK, hướng đến mục tiêu duy trì hoạt động an toàn, bền vững, hiệu quả cho các CTCK.

Cụ thể, UBCK đã trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư 165/2012/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 226/2010/TT-BTC về an toàn tài chính và các biện pháp xử lý.

UBCK đã soạn thảo và trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 210/2012/TT-BTC hướng dẫn tổ chức, hoạt động của CTCK, có hiệu lực từ 15/1/2013. Đây là văn bản rất quan trọng trong việc tạo nền tảng pháp lý cho CTCK trong tất cả mảng hoạt động. Ngoài ra, Thông tư còn quy định mảng quản trị rủi ro, quản trị doanh nghiệp, tổ chức lại doanh nghiệp như: hợp nhất, giải thể, sáp nhập, phù hợp hơn với thông lệ chung, với hai điểm mới là quản trị rủi ro và yêu cầu quản lý tiền của khách hàng tại CTCK.

Về quản trị rủi ro hoạt động các CTCK, trên cơ sở quy định tại Thông tư 210, UBCK đã ban hành Quy chế hướng dẫn về thiết lập hệ thống quản trị rủi ro tại CTCK và tổ chức tập huấn thực hiện cho các CTCK.

Về quản lý tiền của NĐT, hiện nay, các CTCK đang tích cực triển khai thực hiện, sẽ phải hoàn thành trước ngày 15/1/2014. Khi ban hành Thông tư 210, các CTCK có 1 năm để chuẩn bị, làm quen với các chuẩn mực, yêu cầu mới.

Về phân loại, xử lý CTCK, trước đây, chúng ta đã có công cụ xử lý CTCK thông qua Thông tư 226, nhưng thiếu công cụ cảnh báo. Do đó, UBCK đã xây dựng và ban hành Quy chế xếp loại CTCK theo chuẩn CAMEL. Trên cơ sở xếp loại này, chúng tôi thực hiện thanh kiểm tra, ngăn ngừa, xử lý sớm đối với những công ty có nguy cơ rủi ro cao.

Nhiều CTCK đã tự tái cấu trúc rất tốt ảnh 1

Minh bạch quản trị, nâng cao an toàn tài chính tạo ra niềm tin cho cổ đông, khách hàng

UBCK đã và đang tiếp tục phối hợp với Vụ Chế độ kế toán xây dựng chế độ kế toán cho các CTCK để phù hợp hơn trong hạch toán đối với những sản phẩm mới của thị trường.

Liên quan đến sự tham gia của NĐT nước ngoài vào khối các CTCK, quy định hiện hành đã cho phép NĐT nước ngoài được mua 100% vốn điều lệ CTCK. Thời gian vừa qua, UBCK đã cấp phép cho CTCK Maybank Kimeng trở thành CTCK 100% vốn nước ngoài. Đây là một tín hiệu tốt cho thấy NĐT nước ngoài quan tâm đến TTCK Việt Nam. Kinh nghiệm trong hoạt động sẽ giúp ích cho hoạt động của CTCK đó nói riêng, các CTCK nói chung, tạo ra nhiều sức cạnh tranh hơn, thúc đẩy sự phát triển chung của thị trường.

 

Còn về hoạt động thanh, kiểm tra các CTCK?

Trong vòng 1 năm qua, UBCK đã thực hiện thanh, kiểm tra trên 20 CTCK, những trường hợp vi phạm quy định bị xử lý nghiêm. Chúng tôi đã đưa 13 CTCK vào diện kiểm soát đặc biệt, 6 CTCK vào diện kiểm soát do không đảm bảo được chỉ tiêu an toàn tài chính. Trong số CTCK này, UBCK đã yêu cầu 3 CTCK mở thủ tục rút giấy phép hoạt động do không khắc phục được tình hình tài chính, 2 CTCK phải tạm dừng hoạt động.

 

CTCK tự tái cấu trúc, ý thức cao về quản trị rủi ro

Ông đánh giá sao về việc tái cấu trúc của chính các CTCK?

Tôi cho rằng, trong thời gian qua, các CTCK đã nhận thức và thực hiện nghiêm túc tự tái cấu trúc. UBCK coi đây là một yếu tố rất quan trọng trong việc tái cấu trúc hệ thống CTCK.

Giai đoạn trước, nhiều CTCK thậm chí sẵn sàng chấp nhận rủi ro để đổi lấy thị phần môi giới, thì nay, các CTCK đã biết lựa chọn hướng phát triển đặc thù của mình để lựa chọn hướng đi riêng phù hợp, bảo toàn vốn.

Nhiều CTCK cũng tự đánh giá lại mình và thấy rằng, nếu không thực hiện tái cấu trúc thì sẽ ngày một khó khăn hơn, có thể vi phạm các quy định về an toàn tài chính và đối mặt với nguy cơ bị rút giấy phép, đình chỉ hoạt động…

Các CTCK tái cấu trúc về tài chính như thanh lý các tài sản kém chất lượng, thanh khoản không cao, chuyển nợ thành vốn góp, phát hành tăng vốn, hoặc tái cấu trúc hoạt động như tự nguyện rút nghiệp vụ, thu hẹp hoạt động.

Trong vòng 1 năm qua, các CTCK đã đóng cửa 15 chi nhánh, 10 phòng giao dịch, cắt giảm nhiều nhân sự. Các CTCK cũng thực hiện rút bớt nghiệp vụ mà họ chưa hoạt động hiệu quả như: tự doanh, bảo lãnh phát hành, thậm chí là môi giới. Có trên 15 CTCK không còn thực hiện nghiệp vụ môi giới, 3 CTCK đang làm thủ tục giải thể, 2 CTCK đang trong quá trình hợp nhất.

 

Trong quá trình thanh, kiểm tra các CTCK, ông đánh giá thế nào về mức độ tuân thủ của các công ty này?

Qua quá trình kiểm tra, mức độ tuân thủ pháp luật của các CTCK đã tốt hơn trước. Quy trình, cơ chế kiểm soát được thực hiện nghiêm túc hơn. Ý thức các CTCK đã thay đổi, nhất là về quản trị rủi ro và định hướng hoạt động.

Về cơ bản, các CTCK nhận thức ra rằng, minh bạch quản trị, nâng cao an toàn tài chính tạo ra niềm tin cho chính cổ đông, khách hàng của họ, tốt cho hoạt động của họ.

Theo quy định, mọi hoạt động và tình hình tài chính của CTCK đều phải công bố thông tin và phải công khai hóa. Đây vừa là áp lực để CTCK làm tốt hơn, đồng thời cũng là cơ hội cho CTCK thu hút khách hàng, củng cố niềm tin NĐT, nếu họ minh bạch, hiệu quả. Các CTCK nhận thức được rằng, nếu không tăng cường quản trị thì họ sẽ là người chịu rủi ro nhất.

Thực tế cho thấy, bên cạnh việc kiểm tra gắt gao và chế tài xử phạt nghiêm khắc với các CTCK vi phạm, ý thức quản trị rủi ro thay đổi đã giúp CTCK tích cực hơn trong việc kiểm soát rủi ro hoạt động. Tình trạng thiếu tiền thanh toán giao dịch chứng khoán đã giảm rất nhiều, những trường hợp vi phạm đã bị xử lý ngay, thậm chí bị ngừng hoạt động

môi giới.

Tôi cho rằng, CTCK hay bất kỳ công ty nào, điều đầu tiên mà họ đặt ra là tuân thủ theo pháp luật, nhưng trong quá trình hoạt động có những rủi ro từ nguyên nhân chủ quan và khách quan. Tuy nhiên, khi có rủi ro thì phải tìm cách vượt qua rủi ro đó để tồn tại và phát triển.

 

Theo Thông tư 210, các CTCK phải hoàn thành quy định về quản lý tiền của khách hàng trước 15/1/2014. Xin ông cho biết, đến thời điểm này, các CTCK đã chuẩn bị đến đâu?

Theo quy định, các CTCK phải thực hiện quản lý tiền của khách hàng theo 2 phương thức: CTCK mở tài khoản chuyên dụng tại ngân hàng và khách hàng mở tài khoản trực tiếp tại ngân hàng.

Như trên đã nói, do nhận thức về quản trị rủi ro của các CTCK đã tích cực hơn rất nhiều, nên các CTCK cũng coi đây là một công việc hết sức quan trọng trong hoạt động và họ đang tích cực triển khai theo quy định. UBCK đã yêu cầu các CTCK báo cáo tiến độ triển khai trước ngày 10 hàng tháng. Có trên 70% CTCK đã hoàn thành triển khai quản lý tài khoản tiền của khách hàng theo quy định mới.

 

Vậy kết quả hoạt động các CTCK hiện nay ra sao, thưa ông?

Mặc dù tương đối thành công trong nỗ lực bảo toàn vốn, nhưng hiện nay, chỉ có trên 30% công ty có lãi, còn lại vẫn có lỗ lũy kế, với nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của các giai đoạn trước.

Các CTCK đã tốt thì càng tốt hơn. CTCK nào không có dấu hiệu ổn định thực sự, thì nay vẫn khó bật lên, do thị trường khó khăn, xử lý tồn đọng tài sản của họ khó triển khai.

 

Năm 2014: tiếp tục tái cấu trúc, đẩy mạnh thanh kiểm tra

Ông có thể chia sẻ kế hoạch triển khai Đề án tái cấu trúc CTCK trong năm 2014?

Năm 2014, UBCK tiếp tục triển khai quyết liệt đề án tái cấu trúc này, đẩy mạnh thanh, kiểm tra, dự kiến kiểm tra định kỳ trên 15 CTCK, ngoài ra là kiểm tra bất thường, kiểm tra theo chuyên đề.

Tất cả những CTCK chưa từng được kiểm tra sẽ phải kiểm tra hết, với mục tiêu là nắm bắt chính xác tình hình hoạt động của CTCK để có biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn cho tài sản của khách hàng, động thời giúp cho các CTCK tái cấu trúc như thực hiện hợp nhất, sáp nhập,

giải thể.

>>Bước chuyển mới trong tái cấu trúc CTCK

>>Tái cấu trúc CTCK, lộ rõ xu hướng mới

>>Sẽ đẩy nhanh tái cấu trúc CTCK