Dù đang trong quá trình tái cơ cấu, nhưng ngân hàng vẫn được xem là lĩnh vực đầu tư hấp dẫn

Dù đang trong quá trình tái cơ cấu, nhưng ngân hàng vẫn được xem là lĩnh vực đầu tư hấp dẫn

Nhiều đại gia muốn quay lại làm chủ ngân hàng

(ĐTCK) Hiện tại, mặc dù ngành ngân hàng vẫn đang trong quá trình tái cấu trúc, song về tiềm năng tăng trưởng cũng như khả năng sinh lời đều được đánh giá còn rất lớn. Vì vậy, không chỉ với nhà đầu tư nước ngoài, mà các tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước cũng đang tìm ngân hàng tốt để đầu tư, đặc biệt là những doanh nghiệp có lãnh đạo đã từng gắn bó với lĩnh vực ngân hàng trước đó.

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công (TTC), nguyên Chủ tịch HĐQT Sacombank từng chia sẻ rằng, rất muốn trở lại với lĩnh vực ngân hàng.

Theo ông Thành, không chỉ bản thân ông, mà đa phần những người từng yêu nghề ngân hàng, vì một lý do nào đó phải rời xa, đều muốn quay trở lại khi có cơ hội. Vì vậy, nếu điều kiện thuận lợi, ông cũng như những người bạn của mình luôn sẵn sàng để trở lại.

“Tôi có ý định trở lại với ngân hàng là vì nhận thấy được sự chuyển động tích cực của lĩnh vực này, đặc biệt trong bối cảnh hoạt động tái cấu trúc ngân hàng đang rất được quan tâm. Tôi cho rằng, tất cả những người yêu ngân hàng, có thâm niên trong ngành ngân hàng đều nên tham gia vào quá trình tái cấu trúc này”, ông Thành nói.

Tuy nhiên, ông Thành cũng cho rằng, ngân hàng vừa là lĩnh vực có đóng góp lớn cho nền kinh tế, nhưng cũng đồng thời là “con nợ của dân”, nên quản trị ngân hàng không hề dễ dàng. Các ngân hàng, đặc biệt là nhà điều hành, đều phải ý thức được tầm quan trọng của quản trị ngân hàng, nếu không rủi ro sẽ rất lớn. Điều này được chứng minh qua các vụ án kinh tế lớn liên quan đến ngân hàng đã và sẽ mang ra xét xử trong thời gian tới đây. Cho nên quản trị phải minh bạch, kiểm soát cũng như điều hành phải có trách nhiệm và thượng tôn pháp luật.

Gần đây, trên thị trường xuất hiện một số “tin đồn” cựu Chủ tịch Sacombank đã mua lại một ngân hàng cổ phần để sớm quay trở lại cương vị nhà điều hành trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, qua trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Thành cho biết, đây vẫn chưa phải là thời điểm chín mùi. 

Không chỉ cựu Chủ tịch Sacombank, những nhà đầu tư từng rót vốn vào ngân hàng khác cũng đang tìm kiếm cơ hội trở lại. Câu chuyện Tập đoàn Kinh Đô dự tính đầu tư 1.000 tỷ đồng vào DongA Bank hồi giữa năm 2015 không quá gây bất ngờ cho thị trường, bởi với Kinh Đô, đây không phải là lần đầu tiên tập đoàn này đầu tư vào lĩnh vực tài chính – ngân hàng.

Trước đó, tháng 2/2007, Kinh Đô đã chi 90 triệu USD vào Eximbank, trở thành một trong những đối tác chiến lược của ngân hàng này. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 3 năm, Kinh Đô bất ngờ rút khỏi Eximbank. Kinh Đô muốn trở lại lĩnh vực ngân hàng với ý định nắm giữ gần 17% cổ phần của DongA Bank trong đợt tăng vốn từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng của nhà băng này dự kiến thực hiện vào giữa 2015, nhưng do DongA Bank rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, nên một lần nữa Kinh Đô phải từ bỏ kế hoạch đầu tư vào ngân hàng. Tuy nhiên, với tình hình kinh doanh tích cực, tiềm lực tài chính dồi dào như hiện nay, không loại trừ việc Kinh Đô sẽ tìm kiếm cơ hội tại một nhà băng khác.

Thực tế trên cho thấy, mặc dù đang trong quá trình tái cơ cấu, nhưng ngân hàng vẫn luôn được xem là lĩnh vực rất hấp dẫn để đầu tư.

Theo ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, quá trình tái cơ cấu ngân hàng chính là cơ hội “vàng” cho các nhà đầu tư muốn đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng. Mặc dù vậy, cơ hội luôn song hành với thách thức, và một trong những thách thức lớn nhất chính là nợ xấu.

Cùng quan điểm trên, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng, tuy đã hoàn tất Đề án Tái cơ cấu hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 (Đề án 254) với những kết quả khá khả quan, nhưng trong bối cảnh hiện nay, hệ thống ngân hàng vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn thách thức mới và cần một Đề án tái cơ cấu dài hạn khác.

Tình trạng nợ xấu lớn đã và đang tác động xấu đến nền tảng tài chính của của các ngân hàng thương mại, khi các chỉ tiêu tài chính cơ bản như ROA, ROE… của nhiều ngân hàng đều sụt giảm. Tình trạng tài chính của các ngân hàng thương mại đã gây cản trở đáng kể cho tiến trình tái cơ cấu của toàn hệ thống ngân hàng, đặc biệt là trong tái cơ cấu về quản trị, quản lý rủi ro theo chuẩn mực quốc tế.

Theo TS. Nghĩa, khả năng tăng vốn tự có, lành mạnh hoá nền tảng tài chính trong ngắn hạn của các ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn, do đó cần thu hút thêm các nguồn lực vốn.     

Tin bài liên quan