Cầu Tăng Long (TP. Thủ Đức) dừng thi công từ năm 2019 do chưa có mặt bằng.

Cầu Tăng Long (TP. Thủ Đức) dừng thi công từ năm 2019 do chưa có mặt bằng.

Nhiều dự án công tại TP.HCM khó giải ngân vì vướng pháp lý

0:00 / 0:00
0:00
Với tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại TP.HCM quá chậm hiện nay, cơ quan chức năng nhận định, năm nay, khả năng chỉ hoàn thành giải ngân phần vốn của năm 2022, còn vốn giao năm 2023 phải thực hiện trong năm 2024.

Khoảng 50% vốn giải ngân nhờ một dự án

Năm nay, TP.HCM có 271 dự án bồi thường với tổng giá trị vốn đầu tư công cần giải ngân là 26.889 tỷ đồng, gồm 5.697 tỷ đồng của năm 2022 chuyển sang và 21.191 tỷ đồng của năm 2023. Số vốn này cao gấp 2,6 lần so với năm 2022.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM (Tổ trưởng Tổ công tác rà soát, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công), tính đến ngày 13/9, TP.HCM đã giải ngân được 11.625 tỷ đồng, tương đương hơn 43%. So với cùng kỳ năm trước (chỉ giải ngân được 2.974,242 tỷ đồng), thì giải ngân từ đầu năm đến nay cao gấp 3,9 lần.

Tỷ lệ trên cũng cao hơn bình quân cả nước, nhưng so với mục tiêu đề ra thì chưa đạt.

Đáng nói là, trong 11.625 tỷ đồng TP.HCM giải ngân được, thì Dự án đường Vành đai 3 chiếm gần 50%, với gần 5.500 tỷ đồng.

Đây là dự án được đích thân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải, các tỉnh, thành phố được giao làm cơ quan chủ quản dự án tập trung quyết liệt chỉ đạo tiến độ, vốn đầu tư… và phải bảo đảm bàn giao 100% diện tích mặt bằng trong quý III/2023.

Trước đó, tính tới ngày 10/8/2028, TP.HCM mới giải ngân được hơn 6.373 tỷ đồng, đạt 35,38%. Tỷ lệ này không đạt yêu cầu của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại Thông báo số 357/TB-VP ngày 15/5/2023: “Đến tháng 6 đạt 35% và đến cuối năm đạt ít nhất 95%”.

Việc này khiến Phó chủ tịch UBND TP.HCM, ông Bùi Xuân Cường, phải “lệnh” cho Sở Tài nguyên và Môi trường phải trực tiếp làm việc với UBND các địa phương để tháo gỡ và thúc đẩy hoàn thành công tác giải ngân các dự án được giao vốn đầu tư công năm 2023. Cứ sau 10 ngày, cơ quan này lại rà soát và đôn đốc tiến độ thực hiện của từng dự án.

Nhờ vậy, tới ngày 13/9, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới đã tăng từ 35,38% lên hơn 43%.

Có 2/3 số dự án chưa giải ngân được đồng nào

Theo cơ quan chức năng, với 116 dự án của phần vốn còn năm 2022 (hơn 5.697tỷ đồng) phải tiếp tục thực hiện trong năm 2023, đã được phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất và UBND các quận, huyện đã thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Chỉ còn một số trường hợp còn vướng mắc hoặc chưa đồng thuận, chưa nhận tiền. Do đó, các dự án này là hoàn toàn có khả năng hoàn thành trong năm 2023, nếu chính quyền địa phương phương quyết liệt trong tổ chức thực hiện.

Tuy nhiên, với 155 dự án được giao vốn bồi thường năm 2023, tới nay, chỉ có 30 dự án đảm bảo tỷ lệ giải ngân, 24 dự án chậm tiến độ giải ngân và có đến 101 dự án chưa giải ngân được đồng nào.

Trong số 101 dự án chưa giải ngân, TP.Thủ Đức dẫn đầu (26 dự án), kế đến là huyện Củ Chi (11 dự án), huyện Bình Chánh (10 dự án), huyện Hóc Môn (9 dự án), quận 8 và quận 12 (cùng có 5 dự án/quận).

Và trong số 21 quận, huyện của TP.HCM được giao vốn bồi thường (trừ quận 1), có 10 địa phương được giao trên 500 tỷ đồng. Đến giữa tháng 9/2023, chỉ có 4 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân trên 70%, gồm quận 7, quận 11, huyện Nhà Bè và huyện Củ Chi.

Do nhân lực thiếu và yếu, hay lãnh đạo…run tay?

Sở Tài nguyên và Môi trường cần tiếp tục làm việc trực tiếp với UBND các địa phương để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh mới, thúc đẩy hoàn thành công tác giải ngân các Dự án được giao vốn đầu tư công năm 2023. Sở phải thực hiện việc kiểm tra, rà soát và đôn đốc tiến độ thực hiện của từng Dự án sau mỗi 10 ngày.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường

Tư liệu của chúng tôi cho thấy, trong 155 dự án được giao vốn bồi thường năm 2023 của TP.HCM, có 90 dự án đã được phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất với tổng vốn được giao là 16.281,914 tỷ đồng.

Còn lại 65 dự án chưa được phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất (tổng vốn được giao 4.909,879 tỷ đồng) không thể giải ngân, hoặc chỉ giải ngân một phần nhỏ, do UBND các quận, huyện chưa hoàn tất công tác chuẩn bị, chưa trình duyệt hệ số điều chỉnh giá đất.

Nhiều quận, huyện cho rằng, việc chưa hoàn thành công tác chuẩn bị để trình duyệt hệ số điều chỉnh giá đất bởi nhân sự tham gia trực tiếp công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của họ không ổn định, không đủ về số lượng, không đáp ứng được về trình độ, năng lực. Việc này có một phần khách quan do khi địa phương không có dự án, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng không có nguồn kinh phí hoạt động, nên không duy trì được nguồn nhân lực. Khi được giao dự án lớn hoặc có nhiều dự án, thì tổ chức thi tuyển nhân sự mới, chưa có kinh nghiệm, dẫn đến hiệu quả công việc chưa cao.

Bốn quận, huyện (TP. Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh) “đội sổ” trong giải ngân đầu tư công thì giải trình, do tập trung toàn bộ nguồn nhân lực cho Dự án Vành đai 3, nên các dự án khác chưa thể xử lý ngay được. Thế nên mới có cảnh, số tiền giải ngân cho Dự án Vành đai 3 chiếm phần lớn trong số tiền đã giải ngân của các quận, huyện này (TP. Thủ Đức là 88,3%, Hóc Môn đạt 88,9%, Củ Chi 90,5% và Bình Chánh 66,3%).

Nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho rằng, nguyên nhân còn do lãnh đạo UBND các quận, huyện không mạnh dạn, chủ động giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương, nhất là trong công tác xác minh nguồn gốc, quá trình sử dụng, tạo lập nhà đất để từ đó xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người bị thu hồi đất.

Có những vụ việc, các phòng - ban chuyên môn của quận, huyện chưa thống nhất ý kiến với nhau, nhưng lãnh đạo UBND quận, huyện không chủ động chỉ đạo giải quyết dứt điểm. Có những vụ việc, mặc dù các sở, ngành chuyên môn đã có ý kiến hướng dẫn, nhưng UBND các quận, huyện vẫn không thực hiện, mà tiếp tục… có văn bản xin ý kiến.

Đó là chưa kể, nhiều dự án còn người chưa đồng thuận, chưa nhận tiền, chưa bàn giao mặt bằng, nên chủ đầu tư không thể thi công, do chính quyền địa phương chưa tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, vận động cũng như thực hiện các biện pháp hành chính thu hồi đất.

Nhiều dự án vốn lớn vướng pháp lý

Theo chính quyền nhiều quận, huyện tại TP.HCM, vướng pháp lý cũng là nguyên nhân dẫn tới việc giải ngân vốn đầu tư công khó khăn.

Cụ thể, trong 155 dự án được giao vốn đầu tư công năm 2023, có 13 dự án có vốn lớn (trên 300 tỷ đồng), với tổng vốn được giao là 17.424,17 tỷ đồng; chiếm 64,79% vốn bồi thường năm 2023 của TP.HCM.

Trong số 13 dự án lớn trên, khả năng hoàn thành giải ngân năm nay chỉ có Dự án Vành đai 3 trên địa bàn 4 quận, huyện; Dự án đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp); Dự án đường Lò Lu (TP. Thủ Đức, 600 tỷ đồng) và Dự án Rạch Xóm Củi (quận 8, 412 tỷ đồng)..

Còn lại, nhiều dự án đang vướng pháp lý, như Dự án Kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên giai đoạn II ở quận 12; Dự án nút giao thông Mỹ Thủy, mới bố trí được hơn 1.000 tỷ đồng và Dự án đường Lã Xuân Oai (TP. Thủ Đức) bố trí 400 tỷ đồng, nhưng do chưa được bố trí quỹ đất tái định cư, nên chưa được phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất; Dự án Metro số 2, Dự án cụm trường công lập theo tiêu chuấn quốc gia tại khu đất công trình công cộng phường 6 - quận Tân Bình.

Đó là chưa nói, có 26 dự án (tổng vốn 2.045,393 tỷ đồng chưa giải ngân được) còn đang tồn tại 29 nội dung vướng mắc tại UBND Thành phố và các sở, ngành. Điển hình như Dự án Depot Tham Lương (quận 12) vướng 12 trường hợp hủy giấy chứng nhận diện tích lớn phải chờ chỉ đạo của UBND Thành phố; Dự án Bệnh viện Nhi đồng 2 vướng cơ sở pháp lý để cưỡng chế; Dự án Trường Đông Hưng Thuận (quận 12) vướng chưa phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho Đài Phát sóng Quán Tre.

Để TP.HCM đảm bảo tỷ lệ giải ngân đạt trên 95%, theo Sở Tài nguyên và Môi trường, với những dự án của năm 2022 đã được phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất, thì phải quyết liệt thực hiện dứt điểm trong quý III/2023, tránh kéo dài dẫn đến phát sinh khiếu nại, khởi kiện cũng như các vấn đề về lãi suất.

Với các dự án được phê duyệt năm 2023, các địa phương cần sớm ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho từng trường hợp bị ảnh hưởng và chi trả bồi thường.

Trong số 155 dự án tại TP.HCM được giao vốn bồi thường năm 2023, chỉ có 30 dự án đảm bảo tỷ lệ giải ngân, gồm quận 4 (2 dự án), quận 8 (3 dự án), quận 12 (3 dự án), quận Bình Tân (1 dự án), quận Bình Thạnh (2 dự án), quận Gò vấp (1 dự án), quận Tân Bình (1 dự án), huyện Bình Chánh (2 dự án), huyện cần Giờ (5 dự án), huyện Củ Chi (1 dự án), huyện Hóc Môn (4 dự án), huyện Nhà Bè (4 dự án) và thành phố Thủ Đức (1 dự án).

Trong khi đó, có 24 dự án chậm tiến độ giải ngân, gồm quận 4 (1 dự án), quận 8 (1 dự án), quận 10 (1 dự án), quận 11 (1 dự án), quận Bình Thạnh (3 dự án), quận Gò vấp (1 dự án), quận Phú Nhuận (1 dự án), quận Tân Phú (1 dự án), huyện Bình Chánh (3 dự án), huyện cần Giờ (5 dự án), huyện Hóc Môn (1 dự án) và TP. Thủ Đức (5 dự án).

Có tới 101 dự án chưa thực hiện giải ngân, gồm quận 3 (1 dự án), quận 4 (2 dự án), quận 5 (3 dự án), quận 6 (4 dự án), quận 7 (4 dự án), quận 8 (5 dự án), quận 10 (1 dự án), quận 12 (5 dự án) quận Bình Tân (3 dự án), quận Bình Thạnh (1 dự án), quận Gò vấp (2 dự án), quận Tân Bình (4 dự án), quận Tân Phú (3 dự án), huyện Bình Chánh (10 dự án), huyện Cần Giờ (3 dự án), huyện Củ Chi (11 dự án), huyện Hóc Môn (9 dự án), huyện Nhà Bè (4 dự án) và TP. Thủ Đức (26 dự án).

Tin bài liên quan