Nhiều dự án tại huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) ì ạch giải ngân vốn đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
Chủ đầu tư các dự án chậm giải ngân đầu tư công tại huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng chưa tích cực giám sát, đôn đốc đơn vị thi công có các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng vừa làm việc với UBND huyện Đơn Dương về tình hình giải ngân vốn đầu tư công.

Theo đó, năm 2022, UBND huyện Đơn Dương được bố trí 211,228 tỷ đồng để thực hiện 13 dự án, 1 chương trình và phân cấp cho huyện Đơn Dương; giá trị giải ngân đến ngày 12/8/2022 là 75,19 tỷ đồng đạt 35,6% kế hoạch giao (tỷ lệ chung toàn tỉnh đến 12/8/2022 là 42%).

Theo kế hoạch vốn năm 2021 kéo dài thực hiện năm 2022, UBND huyện Đơn Dương đang triển khai thực hiện 5 dự án với tổng vốn 28,992 triệu đồng; giá trị giải ngân đến ngày 12/8/2022 là 13,050 tỷ đồng đạt 45% kế hoạch (tỷ lệ giải ngân vốn kéo dài bình quân toàn tỉnh là 34,4%).

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng cho rằng, như vậy, so với tỷ lệ giải ngân bình quân toàn tỉnh Lâm Đồng là 42%, công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn huyện Đơn Dương đạt 35,6% là thấp, đứng thứ 10/12 toàn tỉnh.

"UBND huyện Đơn Dương và chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và công trình công cộng huyện Đơn Dương chưa chủ động, tích cực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Hiện nay, trên địa bàn huyện còn 6 dự án giải ngân chưa đảm bảo theo yêu cầu của UBND tỉnh Lâm Đồng", Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng ý kiến.

Theo thống kê của cơ quan này, các dự án chuyển tiếp giải ngân chưa đạt 50% kế hoạch vốn có 3 dự án. Các dự án chưa giải ngân hết vốn kế hoạch năm 2021 kéo dài thực hiện năm 2022 gồm 1 dự án.

Qua kiểm tra thực tế và làm việc với UBND huyện Đơn Dương, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng xác định một số nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm giải ngân đối với các dự án nêu, như chủ đầu tư chưa tích cực giám sát, đôn đốc đơn vị thi công có các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Một số nội dung xử lý kỹ thuật, điều chỉnh thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở không có thay đổi về địa chất công trình, tải trọng thiết kế, giải pháp kết cấu, vật liệu sử dụng cho kết cấu chịu lực và biện pháp tổ chức thi công có ảnh hưởng đến an toàn chịu lực của công trình theo khoản 1 Điều 39 Nghị định 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ thuộc thẩm quyền chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định làm cơ sở phê duyệt.

Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn trình Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thẩm định, gây mất thời gian làm chậm tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân như Kè chống sạt lở đường từ cầu Ông Dậu đến cống Quảng Lạc, thị trấn D'ran; Kè gia cố chống sạt lở hạ lưu cống dâng Ka Đê, Đơn Dương huyện Đơn Dương.

Chủ đầu tư chưa xây dựng tiến độ triển khai của các dự án hàng tuần, hàng tháng và tiến độ chung cho toàn dự án. Việc không quản lý dự án theo các bảng tiến độ dẫn tới không đánh giá được tình hình thực hiện từ đó đề xuất các giải pháp đẩy nhanh cũng như điều chỉnh tiến độ phù hợp.

Nguồn vốn ngân sách Trung ương năm 2021 kéo dài thực hiện năm 2022. Ngày 19/5/2022 Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo cho phép kéo dài thực hiện và giải ngân nguồn vốn ngân sách Trung ương năm 2021. Do đó, chủ đầu tư không kịp giải ngân số vốn kéo dài đối với 4 dự án nêu trên.

Tin bài liên quan