"Thượng đế" biến thành khổ chủ khi mua phải căn hộ chất lượng kém

"Thượng đế" biến thành khổ chủ khi mua phải căn hộ chất lượng kém

Nhiều khách hàng mua nhà bị bỏ rơi

(ĐTCK) Chạy chiếc xe máy cũ tới Sở Xây dựng TP.HCM, bên trong túi là đống hồ sơ khiếu kiện vì mua đất dự án đã 14 năm nhưng không được giao đất, là hình ảnh của bà Nguyễn Thúy Hằng, một trong hàng trăm “thượng đế” bị bỏ rơi của Dự án khu dân cư Intresco - khu 6A, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM do Công ty cổ phần Đầu tư - Kinh doanh nhà (Intresco) làm chủ đầu tư.

Những “Thượng đế” bị bỏ rơi

Trong kinh doanh, doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản nói riêng luôn ví khách hàng là “thượng đế” và luôn hứa hẹn sẽ mang những gì tốt đẹp đến cho “thượng đế”. Tuy nhiên, trên thực tế không phải “thượng đế” nào cũng được đối xử như vị thế được gắn. Thậm chí, trên thị trường bất động sản, nhiều “thượng đế” đã biến thành “những người cùng khổ” khi mua phải những dự án của chủ đầu tư làm ăn theo kiểu chộp giật.

Theo đó, tại những buổi giới thiệu hay mở bán dự án bất động sản, nhân viên kinh doanh, lãnh đạo công ty môi giới, chủ đầu tư đon đả mời khách hàng tới xem dự án, tặng quà, đãi tiệc, chào đón khách hàng như những “ông hoàng, bà chúa” với mong muốn khách hàng sẽ mua nhà dự án của mình. Trong thời gian này, những cuộc điện thoại, những buổi thăm hỏi khách hàng được doanh nghiệp thực hiện đều đặn, miễn sao khách hàng đặt cọc và ký hợp đồng mua bán.

Câu chuyện sẽ kết thúc có hậu khi khách hàng nhận nhà, chủ đầu tư nhận tiền. Nhưng đó là cái kết khi khách hàng mua nhà của những chủ chủ đầu tư uy tín, còn với những khách hàng không may mắn thì khác.

Tại một số dự án, sau khi đã nộp tiền cho chủ đầu tư, thậm chí có những dự án khách hàng đã nộp 80 - 100%, nhưng dự án vẫn án binh bất động, còn chủ đầu tư thì vẫn “bình chân như vại”, khiến khách hàng như ngồi trên đống lửa. Câu chuyện của bà Hằng mua nhà tại Dự án khu dân cư Intresco chỉ là số ít trong rất nhiều câu chuyện đáng buồn trên thị trường.

Tại Dự án Khu dân cư Lilama 584 Building, quận Tân Phú, TP.HCM do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Lilama SHB (Công ty Lilama SHB) làm chủ đầu tư, Dự án được mở bán từ năm 2009 cho gần 400 khách hàng, khách hàng đóng từ 50 - 90% tiền nhà, nhưng tới nay vẫn chỉ là một khối toà nhà xây dở dang, hạn bàn giao nhà đã qua từ lâu, trong khi chủ đầu tư không còn khả năng xây dựng. Tình trạng này kéo dài khiến nhiều khách hàng bức xúc và gửi đơn kiện khắp nơi, thậm chí ra tận Hà Nội để kiện chủ đầu tư đòi nhà.

Hay tại dự án nhà ở cho cán bộ công nhân viên ngành quốc phòng mang tên khu nhà ở Phước Kiển I, II do Công ty Thái Sơn làm chủ đầu tư cũng tương tự. Dự án mở bán từ năm 2003, sau hơn một thập kỷ, đến nay, dự án vẫn chỉ là bãi đất trống, chủ đầu tư còn chưa hoàn thành xong việc đền bù giải tỏa. Trong khi đó, những khách hàng đã nộp tiền mua nhà cho chủ đầu tư đợi dài cổ chưa được nhận nhà nên gửi đơn kiện chủ đầu tư để đòi nhà.

Trong khi đó, tại dự án Chung cư Tín Phong 12 View, quận 12, TP.HCM do Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh địa ốc Tín Phong làm chủ đầu tư, dù may mắn hơn 3 dự án trên khi đã nhận được nhà, nhưng các cư dân tại dự án này là có nỗi khổ khác.

Cụ thể, sau khi bàn giao nhà cho khách hàng vào ở, chủ đầu tư tuyên bố tầng hầm để xe và các công trình chức năng của chung cư là của riêng chủ đầu tư khai thác, khách hàng mua nhà phải bỏ tiền ra thuê mới được sử dụng. Vậy là tranh chấp giữa doanh nghiệp và “thượng đế” của mình bùng phát.

Câu chuyện vẫn chưa có lời kết khi chủ đầu tư không chịu trả tầng hầm và nhà cộng đồng và cho rằng mình đúng. Trong khi đó, khách hàng tiếp tục khiếu kiện để đòi lại chỗ để xe, chỗ sinh hoạt chung vì cho rằng, theo giấy phép xây dựng dự án của Sở Xây dựng TP.HCM, thì những chỗ này thuộc sở hữu chung.

Tương tự, những ngày qua, hàng trăm khách hàng mua nhà tại Dự án Chung cư Flora Anh Đào (đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9, TP.HCM) do Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Nguyên Phúc làm chủ đầu tư chưa hết vui vì có nhà mới ở, thì đã chuyển qua bực bội, sống trong lo sợ, vì căn hộ vẫn còn mùi sơn mới mà đã hư hỏng.

Bà Nguyễn Thị Phương Hồng, chủ nhân căn hộ 1.14 tại chung cư này cho biết, bà mua căn hộ có diện tích 59 m2 với giá 1,2 tỷ đồng. Lúc đầu bà nghe dự án này quảng cáo chất lượng, tiêu chuẩn Nhật, được nhận giải thưởng căn hộ tốt nhất Việt Nam nên tin tưởng đặt mua, nhưng ngay khi mới vào ở thì đã thấy nhiều biểu hiện của hư hỏng, tường nhà nứt toác.

Dù chủ đầu tư đã tiến hành khắc phục sự cố, nhưng khắc phục chỗ này thì chỗ khác hư hỏng, khiến khách hàng phải sống trong lo lắng, sợ hãi.

Muốn thành công, phải lấy khách hàng làm gốc

Ông Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, nếu doanh nghiệp không giữ chữ tín với khách hàng, thì doanh nghiệp đó tự mua dây treo cổ mình.

“Khách hàng bỏ tiền mua sản phẩm của mình, doanh nghiệp cầm tiền của khách hàng thì phải trao lại những gì tốt đẹp nhất cho khách hàng để rồi khi đưa những sản phẩm sau ra thị trường, khách hàng còn quay lại mới mình. Làm ăn kiểu ăn xổi ở thì như hiện nay của nhiều doanh nghiệp thì ai còn lòng tin vào họ, quay lại với họ. Làm như vậy chính doanh nghiệp đang tự hại chính mình”, ông Hiệp nói.

Trong câu chuyện chia sẻ tại buổi nói chuyện với sinh viên Đại học Kinh Tế TP.HCM cách đây không lâu của vị doanh nhân khá thành công tại Việt Nam cho thấy, việc lấy khách hàng làm gốc luôn đúng và sẽ mang lại cho doanh nghiệp những thành công sau đó. Ông kể rằng, hồi ông còn trẻ, ông có mở một cửa hàng đồ điện nhỏ, có nhiều khách hàng tới chỉ hỏi mua một con ốc vít, hay vài cái đinh với giá trị nhỏ. Nhiều cửa hàng không bán vì nó không có lợi nhuận, nhưng ông vẫn bán cho khách hàng bởi ông nghĩ họ mua lần đầu sẽ mua lần sau. Và ông đã đúng, khi khách hàng được coi trọng, họ tới mua nhiều hơn, cửa hàng ông đông khách, ông mở chuỗi cửa hàng và rồi là nhà máy sản xuất…

Câu chuyện này cho thấy việc lấy khách hàng làm gốc luôn đúng, nhất là trong kinh doanh bất động sản. Trong một lần đi thăm dự án nhà ở giá rẻ cho công nhân tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, phóng viên đã chứng kiến cảnh khách hàng là công nhân mua đất dự án của Công ty cổ phần Bất động sản Trần Anh Long An.

Giá trị nền đất chỉ hơn 100 triệu đồng/nền, nhưng khách hàng muốn làm việc với tổng giám đốc công ty vì sợ nhân viên kinh doanh báo giá sai, ăn chặn tiền khách hàng. Trước yêu cầu của khách, nhân viên kinh doanh chỉ cho khách hàng người đàn ông đang đội mũ bảo hiểm trên cây cột điện mắc điện kéo vào nhà một khách hàng mới xây xong và giới thiệu đó là Tổng giám đốc của mình.

Vị tổng giám đốc này sau đó ra bắt tay và chính thức ký hợp đồng với các hộ dân. Lý giải việc tự tay làm những công việc như kéo điện, xây nhà cho dân, ông Trần Đức Vinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Trần Anh Long An cho biết, thành công của dự án là khách hàng tới ở 100%, mà để khách hàng tới ở, thì phải coi khách hàng như người thân trong gia đình mình, mang những gì tốt đẹp nhất cho họ, tiếng lành sẽ đồn xa và một khách hàng sẽ mang lại nhiều khách hàng cho mình.

Nói như ông Trần Kiến Xương, Chánh văn phòng Viện kiểm sát Nhân dân TP.HCM, cư dân ở đây có thể là người thân của mình, là người thân của bạn bè mình. Nếu mình lừa đảo, coi họ là những người không cần thiết, thì đồng nghĩa với việc mình đang lừa đảo chính người thân, bạn bè mình.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan