Nhiều quỹ đầu tư “kín tiếng” săn hàng

Nhiều quỹ đầu tư “kín tiếng” săn hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bên cạnh một số quỹ đầu tư thường xuyên xuất hiện trước công chúng và phục vụ đối tượng đại chúng, tại thị trường Việt Nam còn nhiều quỹ đầu tư “kín tiếng” với tệp khách hàng nhỏ hơn.

Số lượng quỹ lớn, quy mô gia tăng

Tại Hội thảo “Phát triển ngành quản lý quỹ Việt Nam” diễn ra cuối tháng 6/2023, ông Lương Hải Sinh, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) chia sẻ, ngành quản lý quỹ Việt Nam còn khá non trẻ, chỉ mới bắt đầu hình thành và phát triển trong gần 20 năm, nhưng hiện có sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Trong giai đoạn 2017 - 2022, tổng tài sản quản lý mỗi năm tăng trưởng khoảng 25%, tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ tăng trưởng với mức trung bình khoảng 42% mỗi năm (ngoại trừ năm 2022).

Theo số liệu mới nhất, tính đến tháng 11/2022, UBCK đã cấp phép thành lập thêm 23 quỹ đầu tư mới, với tổng số vốn điều lệ huy động gần 1.800 tỷ đồng và cấp phép chào bán ra công chúng cho 4 quỹ đầu tư, nâng tổng số quỹ được cấp phép tại Việt Nam đang hoạt động trên thị trường lên 87 quỹ, bao gồm 48 quỹ mở, 11 quỹ ETF, 01 quỹ bất động sản, 02 quỹ đóng và 25 quỹ thành viên.

Dù số lượng quỹ khá lớn nhưng trên thực tế, những tên tuổi xuất hiện trước công chúng còn nhiều hạn chế.

Chẳng hạn, Passion Investment đã hoạt động tại Việt Nam từ năm 2016, nhưng phải đến giữa năm 2022, quỹ này mới được biết đến nhiều, sau nhận định "gây sốc" của ông Lã Giang Trung - CEO của Passion Investment rằng, chỉ số VN-Index có thể giảm xuống dưới 950 điểm.

Theo thông tin công bố, Passion Invest chuyên cung cấp các sản phẩm hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán với mức vốn tối thiểu 300 triệu đồng, những khách hàng có số vốn lớn (từ 50 tỷ đồng), có thể thông qua quỹ này để hợp tác với các đơn vị quản lý tài khoản riêng.

Passion Invest giới thiệu trên website rằng, tỷ suất lợi nhuận bình quân hàng năm cho giai đoạn từ năm 2016 đến hết năm 2021 của sản phẩm hợp tác kinh doanh đạt 52,92%/năm. Đặc biệt, trong 2 năm 2020 và 2021, con số này đạt tương ứng 88,53% và 101,81%, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, vào tháng 10/2022, UBCK đã đưa ra khuyến cáo nhà đầu tư về hoạt động cung cấp dịch vụ chứng khoán trên không gian mạng khi chưa được UBCK cấp phép, trong đó Passion Investment cũng được nhắc tên… Trước động thái này, quỹ không có cập nhật hay phản hồi thông tin. Hiện tại (thời điểm viết bài), website của quỹ đang trong giai đoạn cập nhật nên không thể truy cập thông tin.

Một quỹ đầu tư khác là Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Genesis (GFM) hoạt động từ năm 2019. GFM hiện không có quỹ mở và chỉ có quỹ thành viên mang tên Quỹ đầu tư giá trị GFM1. Quỹ thành viên là sản phẩm đầu tư dành riêng cho nhóm các nhà đầu tư chuyên nghiệp có khẩu vị rủi ro tương đồng, với mong muốn đầu tư dài hạn và có tổng quy mô vốn đầu tư tối thiểu 50 tỷ đồng. Bởi tệp khách hàng có NAV lớn, nên các thông tin về quỹ, bao gồm hiệu quả đầu tư và hoạt động đầu tư, không được công bố rộng rãi.

Thậm chí, được thành lập từ năm 1998, nhưng tên tuổi FIDES vẫn khá “lạ tai” tại thị trường Việt Nam. FIDES là công ty quản lý tài sản chuyên về đầu tư chứng khoán thuộc Fides Invesmentment Management Co. Ltd (Hàn Quốc) và mở văn phòng tại TP.HCM vào năm 2007. Năm 2019, FIDES đã tiếp nhận lại Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Thăng Long và đổi tên thành Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Fides (Việt Nam).

Cũng là một trong những công ty quản lý quỹ đầu tiên được UBCK cấp phép thành lập và hoạt động vào năm 2006, Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Lighthouse (Lighthouse Capital) khá kín tiếng.

Theo thông tin website của Lighthouse Capital, Công ty đang quản lý tài sản của khách hàng với quy mô trên 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, các thông tin được công bố trên thị trường của Lighthouse Capital gần như không có, đồng thời, nội dung trên website cũng không cung cấp thông tin về các khoản đầu tư hoặc hoạt động của Công ty.

Các “ông trùm” trên thị trường

Trên thị trường, không ít nhóm quỹ đầu tư khác thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện đại chúng vì thực hiện các hoạt động mua – bán cổ phần tại doanh nghiệp, nhưng thông tin công bố về doanh nghiệp rất ít ỏi.

Điển hình, nhờ các khoản đầu tư vào Gemadept, VNDirect, Thiên Minh Group, Momo, Seedcom, Teko... mới giúp thị trường biết đến tên tuổi của VI Group tại Việt Nam.

Tuy nhiên, không nhiều thông tin về VI Group được công khai trên thị trường, chỉ biết rằng công ty này cùng các quỹ đầu tư và đơn vị liên quan như VI Fund I, II, III, hay VI Partners LLC… đều được đăng ký kinh doanh tại "thiên đường thuế" Cayman Islands.

VI Group đang quản lý ba quỹ đầu tư với tổng số vốn gốc 500 triệu USD, định hướng đầu tư vào các ngành tăng trưởng ở Việt Nam với hình thức đầu tư linh động như mua cổ phần trực tiếp, mua cổ phần đảm bảo lợi nhuận, hay mua nợ/trái phiếu có thể chuyển đổi thành cổ phiếu. Một khoản đầu tư của VI Group được kéo dài từ 5 - 6 năm.

Một tên tuổi lớn khác là PENM Partners - công ty quản lý quỹ đầu tư đã có tới 16 năm hoạt động tại Việt Nam.

PENM Partners là quỹ đầu tư nổi tiếng với các khoản đầu tư tại nhiều doanh nghiệp lớn trên thị trường chứng khoán như Hòa Phát (HPG), Tập đoàn Lộc Trời (LTG), Masan Consumer (MSR), Masan Meat Life (MML), Taseco Airs (AST).

Ngoài ra, quỹ này còn nhiều khoản đầu tư tại một số doanh nghiệp khác như Gỗ Đức Thành, Cholimex, GTN Foods, Eurowindow, Sacombank, Vĩnh Hảo, Viễn Đông Group…

Thực tế, hoạt động của các quỹ đầu tư có nhiều đóng góp cho việc phát triển thị trường chứng khoán nói riêng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước nói chung. Trong đó, nhiều quỹ đầu tư đang trở thành kênh dẫn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào các doanh nghiệp Việt Nam, hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp gọi vốn trên thị trường…

Dù vậy, ngành quản lý quỹ tại Việt Nam vẫn còn non trẻ và cần thêm nhiều động lực để tăng trưởng mạnh mẽ hơn, bao gồm các quy định quản lý rõ ràng, hiệu quả, được ban hành kịp thời… Bên cạnh đó, sự chủ động công bố thông tin của các quỹ đầu tư cũng là hình mẫu hiệu quả gia tăng tính minh bạch cho các tổ chức tài chính/doanh nghiệp trên thị trường.

Tại Việt Nam, các quỹ đầu tư được các công ty quản lý quỹ thành lập, các công ty này thường trực thuộc các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức kinh doanh chứng khoán…

Các quỹ này thường có nguồn vốn hỗ trợ lớn từ tập đoàn mẹ (Bảo Việt, Eastspring, Dai-chi, Manulife…) hoặc mang thương hiệu của các tập đoàn uy tín (Vietcombank, Techcombank, VFM, SSI…) và 2 tổ chức đầu tư nổi tiếng là Dragon Capital, Vina Capital…

Tính đến tháng 11/2022, thị trường có 44 công ty quản lý quỹ đang hoạt động với tổng giá trị tài sản quản lý ước tính khoảng 546.000 tỷ đồng.

Tin bài liên quan