Quỹ đầu tư “hiến kế” bình ổn thị trường

Quỹ đầu tư “hiến kế” bình ổn thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trước những bất ổn đang bao trùm thị trường vốn, đại diện từ các tổ chức quỹ đầu tư đã chia sẻ những giải pháp cấp bách góp phần bình ổn thị trường. 

Chuyện tin đồn và minh bạch thông tin

Xét trên tỷ lệ trên GDP, quy mô thị trường trái phiếu của Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng phát triển với 17%, trong khi Malaysia là 57% GDP, các thị trường trong khu vực đều trên 25% GDP.

Tại Talkshow Chọn danh mục kỳ 3: Thanh khoản thị trường qua lăng kính quỹ đầu tư, ông Cao Minh Hoàng, Giám đốc đầu tư IPA AM cho rằng, vấn đề duy nhất là khi thị trường trái phiếu tương đối non trẻ, những bước đi chập chững đầu tiên cần được cơ quan quản lý dìu dắt và nâng đỡ rất kỹ càng.

Ông Mai Cường, Phó giám đốc Khối phát triển kinh doanh PVI AM bổ sung thêm, bên cạnh các thông tin minh bạch trên thị trường, các tin đồn trong giai đoạn vừa qua cũng khá nhiều (từ khoảng tháng 9, 10) liên tiếp xuất hiện khiến nhà đầu tư vô cùng hoang mang, không biết tin nào thật, tin nào giả. Dù các nhà đầu tư đã ngồi xuống, đánh giá lại tình hình, nhưng cũng chỉ ở mức độ nhất định.

Mới đây nhất, ngày 10/11, trên thị trường xuất hiện các thông tin về việc 2 Sở GDCK TP.HCM và Sở GDCK Hà Nội không còn là thành viên của WFE (Liên đoàn các Sở GDCK Thế giới). Điều này dẫn đến có nguy cơ dòng tiền các nhà đầu tư Thái Lan bắt buộc phải rút vốn 150 triệu USD đã đầu tư vào ETF khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam, và kịch bản tệ hơn là 2,4 tỷ USD, tương ứng toàn bộ quy mô quỹ ETF đầu tư vào Việt Nam bị rút.

Trước các thông tin chưa được kiểm chứng khiến lan truyền chóng mặt, tâm lý nhà đầu tư càng hoang mang hơn, VN-Index đóng cửa với 947,24 điểm, giảm 3,89% - xóa tan thành quả xây dựng 2 năm qua.

Tuy nhiên, thông tin từ lãnh đạo 2 Sở GDCK và UBCK cho biết, hiện đang trong quá trình chuyển giao tư cách thành viên WFE từ HOSE sang công ty mẹ là Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX). Các bên đang nỗ lực tìm phương án nhanh nhất để trở thành thành viên chính thức của WFE. Thông tin này cũng được CTCK Maybank Investment Bank trao đổi và xác nhận với VNX, đồng thời VNX cho biết sẽ sớm công bố thông tin này chính thức trên website của VNX.

Do đó, ông Mai Cường khẳng định, tính minh bạch của thông tin là cần thiết, các cơ quan quản lý sẽ là người ra các thông tin chính thống trên thị trường, đồng nghĩa các nhà phát hành phải có thông tin chính thống để nhà đầu tư có thể an tâm hơn. Như vậy, thị trường mới có sự phát triển bền vững, khi niềm tin đã quay trở lại, mọi thứ sẽ quay trở lại.

Giải pháp trước mắt

Theo thống kê của IPA AM, lượng trái phiếu sắp đáo hạn trong tháng 11, 12 tới đây, nếu không tính các tổ chức tín dụng, tức ngân hàng đã lên đến vài chục ngàn tỷ đồng. Đến quý I/2023, lượng trái phiếu đáo hạn còn cao hơn mức đó.

Ông Hoàng phân tích, dòng vốn liên tục chảy nhưng lại có dấu hiệu tạm dừng do niềm tin bị lung lay, cơ quan quản lý cần có các quỹ tham gia thị trường và bù đắp lại về thanh khoản là yếu tố rất cần thiết. Các nhà đầu tư tổ chức hay nhà đầu tư cá nhân đều rất mong chờ cơ chế mới này.

Các chuyên gia tham gia Talkshow Chọn danh mục (phần 2) kỳ 3: Thanh khoản thị trường qua lăng kính quỹ đầu tư: Ông Cao Minh Hoàng, Giám đốc đầu tư IPA AM (ngoài cùng phải) và ông Mai Cường, Phó giám đốc Khối phát triển kinh doanh PVI AM (giữa). Ảnh: Dũng Minh

Các chuyên gia tham gia Talkshow Chọn danh mục (phần 2) kỳ 3: Thanh khoản thị trường qua lăng kính quỹ đầu tư: Ông Cao Minh Hoàng, Giám đốc đầu tư IPA AM (ngoài cùng phải) và ông Mai Cường, Phó giám đốc Khối phát triển kinh doanh PVI AM (giữa). Ảnh: Dũng Minh

Ông Cường cũng đồng ý, các nước trên thế giới thường lập ra quỹ bình ổn trái phiếu, nhưng Việt Nam chưa có những quỹ như vậy trên thị trường, chưa có cơ quan quản lý nào hay một tổ chức nào đứng ra để thành lập các quỹ này. Mô hình đó có thể giúp thị trường có kênh thanh khoản tốt khi gặp các biến động lớn trên thị trường.

Đặc biệt, trong giai đoạn này, từng chủ thể tham gia thị trường cần nhận định rõ tình hình các khoản đầu tư của mình hiện tại và chịu trách nhiệm với nó. Do đó, trước khi đầu tư, chủ thể cần nắm rõ thông tin và hiểu rõ khoản đầu tư của mình.

Trên phương diện nào đó, PVI AM cho rằng, hiệu ứng domino đã xảy ra, từ việc thị trường cổ phiếu bị suy giảm, các vấn đề giải chấp thường xuyên xảy ra và thị trường bất động sản cũng hạ nhiệt.

Khi nhà nước đang cố bình ổn về vĩ mô, hiệu ứng domino lại xảy ra, có nghĩa, các tài sản đang bị sụt giảm, liên quan đến rất nhiều chủ thể, bao gồm cả các ngân hàng (tài sản đảm bảo chủ yếu là các bất động sản). Các bất động sản giảm giá kéo theo toàn bộ tài sản bảo đảm bị giảm. Trong điều kiện thị trường thanh khoản kém như hiện tại, nhà đầu tư bán ra bất kỳ tài sản nào cũng phải bán rất rẻ, và tìm người mua tương đối khó.

Để ngăn chặn hiệu ứng này, ông Cường cho rằng chỉ có một giải pháp, là các nhà đầu tư nên ngồi lại với nhau, bình tĩnh xem xét, có thể giãn cách tiến độ bán ra tài sản, còn cơ quan quản lý phải điều phối lại vấn đề này.

“Khủng hoảng ở đâu thì chúng ta xử lý ở đó, khủng hoảng niềm tin thì chúng ta chỉ có mỗi cách là xử lý về khủng hoảng niềm tin. Yếu tố vĩ mô không phải yếu tố quan trọng nhất thời điểm hiện tại, nó chỉ có tác động tương đối vào thị trường”, ông Cường nhấn mạnh.

Kịch bản thị trường cuối năm

Trong quá khứ, Việt Nam đã trải qua một số giai đoạn thanh khoản trên thị trường có phần bị giảm sút. Vào năm 2011, khi lượng tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các Ngân hàng thương mại mua vào rất cao, thanh khoản toàn hệ thống cũng sụt giảm để kiềm chế lạm phát.

Hiện tại, vấn đề ưu tiên kiềm chế lạm phát cũng được đặt lên hàng đầu. Dù thanh khoản chưa quá cạn kiệt, nhưng kết hợp với một số yếu tố phát sinh trong tháng 10 khiến vòng quay tài sản có phần chậm lại, thanh khoản có cú hẫng sụt xuống.

Trong thời gian này, cộng với những yếu tố phát sinh đặc thù của năm nay, Giám đốc đầu tư IPA AM cho biết, theo đề xuất của Hiệp hội Bất động sản miền Nam có chăng, nên có một room tín dụng khoảng 1-2% được cấp bổ sung cho giai đoạn cuối của năm 2022. Điều này đâu đấy sẽ giải quyết khá êm thấm vấn đề thanh khoản trên thị trường vốn.

Còn cơ quan quản lý sẽ cân đối lại những mục tiêu điều hành kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, cũng như tỷ giá là những vấn đề rất quan trọng.

Thị trường sẽ bình ổn trở lại trong vòng khoảng 1 tháng tới, khi hiện tượng bán tháo hay các công cụ trên thị trường đã phát huy tác dụng qua các điều hành vĩ mô của nhà nước.

PVI AM

Đánh giá tình hình thị trường từ nay đến cuối năm, PVI AM đã đưa ra kịch bản trung bình, tức thị trường sẽ bình ổn trở lại trong vòng khoảng 1 tháng tới, khi hiện tượng bán tháo hay các công cụ trên thị trường đã phát huy tác dụng qua các điều hành vĩ mô của nhà nước. Tuy nhiên, có thể xuất hiện những yếu tố bên ngoài tác động không thể lường trước được, đó là những biến số tương đối khó dự báo.

Ông Hoàng bổ sung, những biến số khó lường là những yếu tố bên ngoài Việt Nam, ảnh hưởng đáng kể đến cách điều hành, cũng như dư địa cơ quan quản lý NHNN có thể giảm lãi suất. Mỹ đang có một sức ép rất lớn về tăng lãi suất, năm 2023 dự kiến tăng lên 5%, thậm chí là 5,5%.

Điều này sẽ gây áp lực lớn đến vấn đề tỷ giá của Việt Nam và lãi suất trong nước có thể phải đi theo mức tăng đó trong năm 2023. Trong bối cảnh lãi suất tăng, thanh khoản của thị trường sẽ tiếp tục bị áp lực, thì việc dàn đều thanh khoản trong năm sẽ như thế nào? Ở những giai đoạn khó, chúng ta có thể ưu tiên bơm nhiều hơn giai đoạn thanh khoản trên hệ thống tự ổn định.

“Chúng ta có thể quan sát để thị trường tự vận động. Với kịch bản đó, chúng ta có thể dễ dàng vượt qua những vấn đề về đảm bảo thanh khoản, cũng như thị trường vốn sẽ hoạt động một cách trơn tru trong thời gian tới”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Tin bài liên quan