Tổng giá trị tài sản quản lý của các quỹ mở nội địa tính đến 31/5/2017 là hơn 5.000 tỷ đồng

Tổng giá trị tài sản quản lý của các quỹ mở nội địa tính đến 31/5/2017 là hơn 5.000 tỷ đồng

Nhiều quỹ đầu tư mới chuẩn bị ra mắt

(ĐTCK) Trong bối cảnh thị trường chứng khoán có diễn biến khả quan, hoạt động của ngành quản lý quỹ được cải thiện, cũng như nhu cầu đầu tư qua quỹ tăng dần, đã và đang có thêm quỹ đầu tư mới được thành lập.

y ban Chứng khoán Nhà nước vừa cho phép Quỹ đầu tư cân bằng Manulife do Công ty TNHH Quản lý quỹ Manulife Việt Nam quản lý và Quỹ đầu tư trái phiếu Ngân hàng Công Thương Việt Nam do Công ty TNHH một thành viên Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam quản lý được chào bán chứng chỉ quỹ ra công chúng, với mức vốn huy động tối thiểu là 50 tỷ đồng/quỹ. Mô hình hoạt động của cả hai quỹ này đều là quỹ mở.

Trước đó, Công ty cổ phần Quản lý Quỹ PVI đã thành lập Quỹ đầu tư hạ tầng PVI (PIF), vốn điều lệ 520 tỷ đồng. Đây là loại hình quỹ thành viên, thời gian hoạt động 5 năm, kể từ ngày 25/5/2017.

Từ ngày 4/7 cho đến hết tháng 7 này, Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM) tiến hành đợt chào bán chứng chỉ quỹ lần đầu ra công chúng (IPO) cho Quỹ đầu tư trái phiếu SSI (SSIBF), tổng giá trị vốn huy động ban đầu tối thiểu là 50 tỷ đồng. Dự kiến, đến giữa tháng 8/2017, SSIBF sẽ đi vào hoạt động.

Bà Lê Thị Lệ Hằng, Tổng giám đốc SSIAM chia sẻ, SSIBF hướng đến các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức có mong muốn tăng trưởng tài sản dài hạn và danh mục đầu tư an toàn. SSIBF là lựa chọn khả thi cho các nhà đầu tư có quy mô vốn thấp, nhưng muốn phân bổ tài sản vào trái phiếu và các tài sản có thu nhập cố định.

Đây cũng là quỹ thích hợp với những nhà đầu tư có mong muốn mức lợi nhuận cao hơn so với kênh gửi tiết kiệm song lại có thanh khoản cao, có thể rút vốn bất cứ lúc nào và nhận về lợi tức thực tế trong thời gian đầu tư. SSIBF sẽ giúp các nhà đầu tư đầu tư gián tiếp hiệu quả vào các tài sản như trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp.

Danh mục đầu tư của Quỹ SSIBF sẽ được cấu trúc theo hướng đa dạng hóa, kết hợp giữa các tài sản có mức độ rủi ro từ thấp đến cao theo tỷ lệ phù hợp để đạt được mục tiêu đầu tư trong dài hạn cũng như đảm bảo tính an toàn.

Theo đó, SSIBF phân bổ tối thiểu 80% vào trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi và các công cụ có thu nhập cố định; tối đa 20% vào cổ phiếu, bao gồm cổ phiếu niêm yết và cổ phiếu chuẩn bị niêm yết.

Ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Thiên Việt (TVAM) cho biết, TVAM đang huy động thêm một quỹ đóng mới, có thời hạn hoạt động 3 năm. Dự kiến, quỹ này sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2017 và niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM.

Sự xuất hiện thêm các quỹ mới là một tín hiệu tích cực, vì nhu cầu đầu tư qua quỹ đang có xu hướng tăng dần. Đây là xu hướng vận động tốt và góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư trên thị trường. Khi thị trường chứng khoán có thêm nhà đầu tư tổ chức là các quỹ đầu tư còn giúp thúc đẩy hoạt động đầu tư giá trị, cải thiện tính bền vững cho thị trường.

Hiện tại, trên thị trường có 30 quỹ đầu tư chứng khoán, bao gồm 1 quỹ đóng, 8 quỹ thành viên, 18 quỹ mở, 2 quỹ ETF và 1 quỹ đầu tư bất động sản. Tổng giá trị tài sản quản lý của các quỹ mở nội địa tính đến 31/5/2017 là hơn 5.000 tỷ đồng. Hầu hết các quỹ đều có mức tăng trưởng giá trị tài sản ròng khá ổn định.

Tuy ngành quản lý quỹ Việt Nam đang có triển vọng phát triển, nhưng thực tế cho thấy, khó khăn vẫn còn rất nhiều. Giới đầu tư cũng như đại diện các công ty quản lý quỹ đề xuất, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính sớm nghiên cứu hệ thống cơ chế ưu đãi về thuế, phí, để khuyến khích ngành quỹ phát triển, không nên để ngành quỹ… “tự bơi” như trong những năm qua.

Tin bài liên quan