Dự báo, từ nay đến hết tháng 3/2022, VN-Index có thể quay lại đỉnh cũ 1.535 điểm

Dự báo, từ nay đến hết tháng 3/2022, VN-Index có thể quay lại đỉnh cũ 1.535 điểm

Nhiều yếu tố hỗ trợ tạo sóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tuy thị trường có dấu hiệu yếu đi vào cuối tuần qua và phiên sáng nay, nhưng vẫn còn nhiều yếu tố được một số chuyên gia và nhà đầu tư nhận định là sẽ hỗ trợ tạo sóng. 

Ông Nguyễn Hồng Điệp, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư S-Talk

Cách đây khoảng 2 tuần, những câu chuyện về căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã tác động rất nhiều đến thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, điều đáng mừng là so với những thị trường giảm mạnh như Mỹ, VN-Index vẫn có những phiên tăng đan xen và được hỗ trợ ở vùng 1.470 điểm. Theo đó, thị trường tích lũy trong giai đoạn này nên nhìn nhận một cách tích cực. Hơn nữa, thanh khoản tuy giảm nhưng vẫn ở mức tốt, chứng tỏ có dòng tiền lớn mua tích lũy trong vùng 1.470 - 1.500 điểm.

Thời gian qua, nhiều cổ phiếu được nhà đầu tư nắm giữ như nhóm ngân hàng, chứng khoán, nhưng không mang lại hiệu quả cao, thậm chí giảm giá, song đa số cổ phiếu đều có dấu hiệu tạo nền.

Với việc cổ phiếu dao động tích lũy, trong tương lai gần, khi các thông tin xấu đã ra hết, khả năng cao là dòng tiền tích lũy ở vùng thấp sẽ kéo cả thị trường đi lên. Từ nay đến hết tháng 3/2022, VN-Index có thể vượt qua đỉnh cũ 1.535 điểm.

Về lạm phát, trước đây đã có các dự báo rằng, lạm phát sẽ là vấn đề nóng trong năm 2022, bởi kinh tế thế giới hồi phục sau giai đoạn dịch bệnh kéo dài dẫn tới giá hàng hóa tăng và các ngân hàng lớn trên thế giới có khả năng đẩy mạnh “bơm” tiền ra thị trường.

Gần đây, xung đột Nga - Ukraine khiến không ít mặt hàng như dầu, thép, phân bón, hóa chất thiếu hụt và tăng giá, càng tạo áp lực lên lạm phát.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, lạm phát sẽ dần giảm nhiệt và mức độ tác động không mạnh trong thời gian ngắn, quý I hay quý II/2022, mà có thể kéo dài trong vài năm.

Mặc dù vậy, trong năm nay, nhà đầu tư cần có phương pháp đầu tư mới. Đối với trường phái mua cổ phiếu nắm giữ, thay vì nắm giữ trong thời gian dài như trước, nhà đầu tư cần linh hoạt hơn trong bối cảnh mới về địa chính trị và lạm phát trên thế giới. Đặc biệt, “soi” kỹ hơn các doanh nghiệp, xem khả năng tác động của các yếu tố bất lợi từ bên ngoài ra sao, liệu kết quả kinh doanh có đáp ứng được kỳ vọng hay không.

Với những nhà đầu tư nhanh nhạy, giao dịch ngắn hạn, có thể chọn lựa cổ phiếu của doanh nghiệp thuộc các ngành nghề được hưởng lợi từ cuộc chiến Nga - Ukraine, giá hàng hóa tăng...

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Agriseco

Thị trường hiện nay đang đi theo những sự kiện địa chính trị trên thế giới, những sự kiện này có thể khiến thị trường tăng mạnh hoặc giảm mạnh và tác động đến nhiều nhóm ngành. Ví dụ, khi chiến sự căng thẳng, giá dầu leo thang thì những ngành như dầu khí, phân bón, hóa chất, thép... thu hút nhà đầu tư, giúp giá cổ phiếu tăng. Ngược lại, khi có thông tin đình chiến, giá cổ phiếu các ngành này điều chỉnh giảm.

Mặt bằng giá của thị trường vẫn đang ở mức tương đối cao, để VN-Index bật tăng, vượt qua đỉnh cũ cần một dòng tiền rất khỏe từ bên ngoài đổ thêm vào. Trước mắt, dòng tiền không khỏe như năm ngoái và dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân nhiều khả năng sẽ duy trì như hiện tại.

Dự báo, dòng tiền sẽ không rút ra, mà quanh quẩn trên thị trường, dù cơ hội khan hiếm hơn. Theo đó, nhà đầu tư cần chọn lọc kỹ đối tượng đầu tư, nếu chọn đúng thì giá sẽ tăng nhanh. Chiến lược đầu tư hiện nay nên bám sát dòng tiền để “gom” hàng, đi theo những ngành tốt mà dòng tiền hướng tới, tập trung vào các mã đầu ngành và bán ra khi có lợi nhuận, không nên nắm giữ lâu.

Nhà đầu tư nên tránh các cổ phiếu đầu cơ, bởi nếu không có sẵn hàng để bán thì rủi ro rất lớn. Đặc biệt, không nên sử dụng giao dịch ký quỹ với tỷ trọng cao trong bối cảnh thị trường có nhiều sự kiện địa chính trị tác động.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc Đầu tư Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)

Hiện nay, kịch bản xấu đã xảy ra, tâm lý nhà đầu tư đang bị ảnh hưởng lớn, VN-Index có thể giảm thêm, nhưng ít có khả năng giảm về mốc 1.400 điểm. Ngược lại, chỉ số tăng vượt 1.500 điểm là không dễ.

Nhiều nhà đầu tư đang lo ngại hai vấn đề: một là, cuộc chiến Nga - Ukraine; hai là, giá dầu và lạm phát. Trong đó, lạm phát có vẻ là yếu tố khiến nhà đầu tư lo ngại nhất. Nếu lạm phát xảy ra, kinh tế bị đình đốn, lãi suất sẽ tăng, tác động xấu đến thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, hàng hóa tăng giá ảnh hưởng đến tình hình sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp. Vì thế, dòng tiền đang chững lại, một bộ phận nhà đầu tư không biết đầu tư vào đâu. Mặc dù vậy, thị trường sẽ được hỗ trợ bởi một số yếu tố liên quan đến các doanh nghiệp chuẩn bị họp đại hội đồng cổ đông thường niên.

Trong bối cảnh chứng khoán toàn cầu biến động bởi yếu tố lạm phát và địa chính trị, thị trường Việt Nam có khó khăn và thuận lợi đan xen. Nhà đầu tư nên tập trung vào cổ phiếu của những doanh nghiệp có triển vọng sáng, được hưởng lợi từ diễn biến của ngành. Lưu ý, không phải tất cả các mã trong ngành đó sẽ tăng giá.

Đơn cử, giá dầu tăng cao, những doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều nhất là doanh nghiệp khoan dầu lên bán, còn doanh nghiệp thương mại khó có thể tăng được biên lợi nhuận.

Cuối tuần qua, VN-Index giảm xuống dưới mức hỗ trợ 1.470 điểm
Cuối tuần qua, VN-Index giảm xuống dưới mức hỗ trợ 1.470 điểm

Ông Nguyễn Trần Minh Quân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Enteco Việt Nam

Cuộc chiến Nga - Ukraine khiến kinh tế và chứng khoán thế giới bị ảnh hưởng và Việt Nam cũng không ngoại lệ. VN-Index đang ở dưới mức 1.470 điểm. Nếu chỉ số này không giảm sâu hơn thì có thể sớm hồi phục, nhưng với điều kiện là tin tức vĩ mô trong và ngoài nước không quá xấu, nhất là tình hình chiến sự tại Ukraine.

Quan điểm đầu tư của tôi thời điểm này là thận trọng và hiểu rõ thị trường. Thị trường chưa quá xấu để bán tháo, nhưng danh mục nên có tỷ trọng tiền mặt cao để giải ngân khi có cơ hội hấp dẫn xuất hiện. Danh mục cổ phiếu của tôi đang lãi lỗ đan xen, nhưng tôi vẫn giữ nguyên, chờ thị trường tăng điểm trở lại.

Ông Nguyễn Duy Hưng, nhà đầu tư

Từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, giá dầu và nhiều loại hàng hóa leo thang, đặc biệt là các hàng hóa có nhiên liệu sản xuất là dầu, khí. Giá khí tăng ảnh hưởng đến giá điện khí và giá phân bón. Giá dầu sẽ ảnh hưởng đến giá xăng, làm tăng chi phí vận chuyển, tăng giá cao su, hạt nhựa, hóa chất.

Giá hàng hóa tăng cao dẫn đến lạm phát, từ đó, nhiều nhà đầu tư có ý tưởng đầu tư vào cổ phiếu nhóm ngành được hưởng lợi như phân bón, sắt thép, nông sản, xăng dầu. Thực tế, kỳ vọng đó đã được thể hiện vào giá cổ phiếu các ngành đó trong những ngày qua. Vì thế, nhà đầu tư không nên mua đuổi.

Hiện tại, tôi quan tâm đến cổ phiếu của doanh nghiệp thuộc các ngành mà giá bán đầu ra tăng nhưng sức cầu trong nền kinh tế không suy giảm, ví dụ bán lẻ, tiêu dùng, năng lượng thiết yếu (điện, nước, trừ nhiệt điện khí và nhiệt điện than).

Cổ phiếu bất động sản cũng đáng quan tâm, nhất là bất động sản vùng ven được hưởng lợi nhờ sự phát triển của cơ sở hạ tầng và bất động sản ven biển.

Tôi sẽ gom dần cổ phiếu những nhóm ngành trên khi thấy giá hợp lý, nhất là trong các phiên thị trường chung điều chỉnh mạnh. Với các cổ phiếu khác đang nắm giữ, tôi không bán tháo, mà chờ giá tăng, hoặc tái cơ cấu một phần.

Ông Trương Quốc Cường, Công ty Sotrans

Ảnh hưởng bởi sắc đỏ trên thị trường chứng khoán thế giới nên thị trường Việt Nam có diễn biến tiêu cực. Chỉ số tăng giảm đan xen nhưng gần đây mức độ giảm nhiều hơn tăng, bởi động thái cắt lỗ hoặc “chốt lãi non” của nhiều nhà đầu tư. Động thái đó chủ yếu là của các nhà đầu tư mới, còn thị trường chung vẫn đang chờ một tín hiệu, thông tin tích cực để kéo dòng tiền vào mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, nếu xung đột Nga - Ukraine kéo dài, rủi ro đối với thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ gia tăng và VN-Index có thể điều chỉnh dần về vùng hỗ trợ 1.280 - 1.300 điểm, dự kiến trong vòng 3 tháng tới.

Theo tôi, nếu tỷ trọng tiền chiếm trên 60% tài khoản thì nhà đầu tư nên tiếp tục quan sát, chưa vội giải ngân. Đối với nhà đầu tư đã giải ngân trên 60% tài khoản thì cần cơ cấu lại danh mục, chỉ giữ lại cổ phiếu của các doanh nghiệp có câu chuyện riêng hỗ trợ hoặc có động lực tăng trưởng từ quý II/2022 trở đi. Thời điểm để giải ngân thích hợp là khi VN-Index dao động với biên độ hẹp dần và tình hình thế giới ổn định hơn.

Bà Đặng Thị Hải Yến, nhà đầu tư

Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có tiềm năng phát triển và ngày càng thu hút nhà đầu tư, số lượng tài khoản chứng khoán tiếp tục tăng mạnh.

Hiện tại, tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine làm cho giá nhiều loại hàng hoá leo thang, nhất là các mặt hàng mà hai nước này xuất khẩu chiếm tỷ lệ lớn tại EU nói riêng, thế giới nói chung như thép, phân bón, dầu...

Tình hình này có thể kéo dài nên giá hàng hóa có khả năng neo ở mức cao, mang lại cơ hội cho doanh nghiệp ở một số nhóm ngành, nhưng giá các cổ phiếu đó tăng nhanh nên nhà đầu tư cần hạn chế mua đuổi. Thay vào đó, nhà đầu tư nên chọn mua cổ phiếu của những doanh nghiệp cơ bản, có định giá hợp lý, được hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế.

Tin bài liên quan