Trong lĩnh vực bán lẻ, tiêu dùng cũng có những con “cá lớn” đang được ngắm nghía.

Trong lĩnh vực bán lẻ, tiêu dùng cũng có những con “cá lớn” đang được ngắm nghía.

Nhiều yếu tố thúc đẩy M&A lĩnh vực tài chính

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù có những thách thức và rủi ro, triển vọng cho hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) lĩnh vực tài chính Việt Nam năm 2023 vẫn tích cực nhờ nhiều yếu tố.

Cải cách các quy định

Chính phủ đã và đang nỗ lực mở rộng lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm cho các nhà đầu tư nước ngoài, cho phép nắm giữ cổ phần cao hơn trong các tổ chức tài chính.

Đồng thời, Chính phủ thúc đẩy tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, bao gồm doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính. Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025” đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022, với những mục tiêu và giải pháp mạnh mẽ.

Ông Kent Wong, Luật sư cộng sự, Giám đốc Ngân hàng và Thị trường vốn, VCI Legal; Chủ tịch Tiểu ban Pháp luật, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham)
Ông Kent Wong, Luật sư cộng sự, Giám đốc Ngân hàng và Thị trường vốn, VCI Legal; Chủ tịch Tiểu ban Pháp luật, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham)

Ngoài ra, theo kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 31/2021/QH15, một trong những mục tiêu tổng quát là tạo môi trường thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh, bao gồm M&A.

Nhìn chung, Việt Nam tích cực cải cách các quy định để tự do hóa lĩnh vực tài chính và thu hút đầu tư nước ngoài. Năm 2023, những cải cách này dự kiến sẽ thúc đẩy hoạt động M&A trong lĩnh vực tài chính.

Đẩy mạnh tái cơ cấu ngân hàng

Những năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, nhằm cải thiện sức khỏe và sự ổn định chung của toàn hệ thống, dẫn đến một số thương vụ M&A.

Mặc dù có nhiều thách thức trong năm 2022, nhưng các điều kiện thị trường hiện tại có thể thuyết phục những người bán đang do dự coi các ngân hàng lớn hơn là những người mua tiềm năng. Các ngân hàng lớn hơn được trang bị tốt hơn để xử lý chi phí thích nghi ngày càng tăng và có thể tận dụng các nền tảng công nghệ hiện có của họ để thúc đẩy số hóa, điều mà các ngân hàng nhỏ hơn có thể gặp khó khăn.

Mặc dù nhiều ngân hàng có các sáng kiến nội bộ riêng và các công ty con tập trung vào số hóa, nhưng vẫn có cơ hội cho họ phát triển thông qua M&A để nâng cao dịch vụ kỹ thuật số và chiến lược số hóa tổng thể.

Đặc biệt, sau những thách thức về tài chính và việc cấp vốn cho các công ty công nghệ tài chính trong năm 2022, định giá trong hoạt động M&A năm 2023 có thể thấp hơn, mang lại mức giá hấp dẫn.

Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm

Bối cảnh hiện tại mang đến cơ hội M&A chiến lược cho các công ty nước ngoài đã có sự chuẩn bị tốt để thâm nhập hoặc mở rộng, phát triển hoạt động tại thị trường Việt Nam, nhờ có mức định giá hấp dẫn hơn, giảm bớt sự cạnh tranh trong các giao dịch và các tài sản mới sắp được tung ra thị trường.

Một số lĩnh vực hứa hẹn cho cả FDI và đầu tư M&A thời gian tới là ngân hàng, tài chính tiêu dùng, bảo hiểm.

Dự báo, trong năm 2023, một số tập đoàn tài chính đa quốc gia ở khu vực châu Á sẽ tích cực thực hiện M&A, góp vốn vào các ngân hàng thương mại Việt Nam nhằm thúc đẩy hoạt động cho vay tiêu dùng của họ.

Chẳng hạn, Ngân hàng Sumitomo Mitsui (SMBC) của Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận mua hơn 1 tỷ cổ phần VPBank, tương đương tỷ lệ sở hữu 15%, với giá 1,4 tỷ USD. Trước đó, đầu năm 2021, thông qua SMBC Consumer Finance, SMBC đã chi 1,37 tỷ USD để sở hữu 49% vốn điều lệ FE Credit - công ty con của VPBank.

Các tập đoàn tài chính lớn khác như MUFG (Nhật Bản), Srisawad (Thái Lan), KB Kookmin Card (Hàn Quốc) cũng đang ráo riết săn mua công ty con trong mảng tài chính tiêu dùng của các ngân hàng Việt Nam.

Năm 2022, hoạt động M&A lĩnh vực tài chính của Việt Nam chậm lại sau giai đoạn sôi động 2020 - 2021. Hoạt động này trong năm 2023 có thể sẽ phục hồi với những cơ hội mới.

Đơn cử, tháng 8/2021, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) ký các thỏa thuận chuyển nhượng 100% vốn điều lệ tại SHB Finance cho Ngân hàng Krungsri của Thái Lan. Cuối năm 2022, Ngân hàng Nhà nước phê duyệt danh sách các lãnh đạo của SHB, trong đó có thành viên đến từ Krungsri. Việc phê duyệt này cho thấy, thương vụ chuyển nhượng SHB Finance cho Krungsri đang dần đi đến giai đoạn cuối, dự kiến hoàn tất vào năm 2025.

Trong các dịch vụ tài chính, sự gián đoạn từ các nền tảng giao dịch và công nghệ tài chính (Fintech) đang thúc đẩy sự thay đổi về công nghệ sẽ thúc đẩy hoạt động M&A khi các bên tìm cách đạt được các khả năng kỹ thuật số.

Thực tế, bên cạnh các tập đoàn tài chính quốc tế, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Masan, FPT, Viettel, Bamboo cũng đầu tư mạnh vào mảng tài chính tiêu dùng. Chẳng hạn, tháng 2/2023, Masan đầu tư 105 triệu USD vào Trust IQ để phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong ngành bán lẻ và tài chính tiêu dùng. Bên cạnh đó, Masan hợp tác với Techcombank để tạo ra hệ sinh thái WINLife nhằm khai thác nhu cầu tài chính cá nhân của khách hàng đang sử dụng các dịch vụ tiêu dùng và bán lẻ.

Một số thách thức và rủi ro

Lĩnh vực tài chính Việt Nam hấp dẫn cả nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhưng các nhà đầu tư và tổ chức tài chính cần lưu ý đến yếu tố môi trường pháp lý, cạnh tranh, quản lý rủi ro, rủi ro địa chính trị và kinh tế khi theo đuổi các cơ hội M&A.

Cụ thể, mặc dù nỗ lực cải cách các quy định để thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng khuôn khổ pháp lý của Việt Nam hiện vẫn có những điểm phức tạp và hạn chế. Giới hạn sở hữu nước ngoài trong các ngân hàng và công ty bảo hiểm có thể yêu cầu sự chấp thuận hoặc miễn trừ theo quy định, điều này đặt ra những thách thức trong các giao dịch M&A. Những thay đổi về quy định hoặc chính sách của Chính phủ cũng có thể ảnh hưởng đến bối cảnh của các thương vụ M&A, đòi hỏi các nhà đầu tư phải cập nhật và điều chỉnh cho phù hợp.

Khi lĩnh vực tài chính của Việt Nam tiếp tục phát triển và thu hút đầu tư, sự cạnh tranh giữa các tổ chức tài chính dự kiến sẽ ngày càng gay gắt, ảnh hưởng đến việc định giá và giá trị của các giao dịch M&A, cũng như các cân nhắc chiến lược của những người mua hoặc mục tiêu tiềm năng. Theo đó, việc đánh giá cẩn thận bối cảnh cạnh tranh, phân khúc và động lực thị trường là rất quan trọng để đảm bảo các thương vụ M&A hợp lý về mặt chiến lược.

Liên quan đến quản lý rủi ro, lĩnh vực tài chính Việt Nam được quản lý chặt chẽ, bởi chịu nhiều rủi ro khác nhau, bao gồm rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản và rủi ro hoạt động. Do đó, thẩm định kỹ lưỡng là điều cần thiết để đánh giá rủi ro liên quan đến các tổ chức tài chính mục tiêu và phát triển các chiến lược giảm thiểu rủi ro thích hợp. Rủi ro tích hợp, chẳng hạn sự khác biệt về văn hóa, thách thức hoạt động, giữ chân nhân tài cũng cần được quan tâm để quá trình hội nhập sau sáp nhập diễn ra suôn sẻ.

Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị, tranh chấp thương mại, thay đổi trong những điều kiện kinh tế toàn cầu và các nhân tố bên ngoài khác có thể tác động đến tâm lý nhà đầu tư, niềm tin thị trường và môi trường M&A tổng thể trong lĩnh vực tài chính của Việt Nam. Vì vậy, việc đánh giá và quản lý những rủi ro này cũng rất quan trọng đối với các nhà đầu tư và định chế tài chính đang theo đuổi cơ hội M&A trong lĩnh vực tài chính Việt Nam.

Tin bài liên quan