Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

(ĐTCK) Thị trường tuần qua đã có sự điều chỉnh nhẹ, với diễn biến tăng giảm đan xen trong khoảng hẹp. Nhà đầu tư giao dịch với tâm lý thận trọng cao khi mà khối ngoại đã bắt đầu bán ra, đi kèm yếu tố kém tích cực từ giá xăng, điện. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại những đánh giá, nhận định của các Dự về tuần giao dịch này.

Tại phiên giao dịch đầu tuần mới 9/3, tâm lý nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng khiến giao dịch đầu phiên trên cả 2 sàn diễn ra khá chậm. Tuy nhiên, thanh khoản trong đợt đầu trên HOSE lại tốt hơn các phiên gần đây khi xuất hiện yếu tố đột biến tại HQC, và VN-Index vẫn có được sắc xanh nhờ các mã lớn CTG, HAG, STB, HPG… tăng ngay từ đầu phiên. Dù vậy, với sắc đỏ đang chiếm ưu thế, nên VN-Index không thể bứt phá để kiểm tra lại ngưỡng cản 600 điểm. Về cuối phiên, áp lực bán gia tăng, nhất là ở các mã bluechips khiến VN-Index đảo chiều giảm điểm.

Trên HNX, chỉ số HNX-Index cũng có sắc xanh nhạt ngay khi mở cửa phiên giao dịch, nhưng sau đó, do nhóm HNX30 yếu thế, nên chỉ số này quay đầu giảm điểm nhanh chóng. Giao dịch trên sàn cũng diễn ra khá chậm. Không chỉ nhóm HNX30, áp lực bán còn diễn ra trên diện rộng, ở nhiều nhóm cổ phiếu khác nhau nên HNX-Index giảm khá mạnh.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 0,4% về 591,58 điểm, HNX-Index giảm 0,61% về 86,26 điểm.

HQC sau khi thoát hiểm trong đợt ATO, đã tăng chỉ cách mức trần 1 bước giá đạt 7.300 đồng. Sau đó, việc đẩy bán giá nhưng cầu mua không dám mạo hiểm nên mã này đã chững lại, chỉ còn tăng 100 đồng và khớp 6,55 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn HOSE.

Tương tự, mã HAI sau khi tăng mạnh đầu phiên 6,4% lên 16.600 đồng, nhanh chóng bị chốt lời mạnh và giảm về mức sàn 15.500 đồng và khớp hơn 3,8 triệu đơn vị. Mã FLC cũng dao động hẹp quanh tham chiếu và chốt phiên với mức giảm 1 bước giá, khớp gần 3,1 triệu đơn vị.

Áp lực bán mạnh diễn ra ở nhóm ngân hàng khiến VCB giảm 1,61%, BID giảm 1,62%, CTG giảm 1,05%, MBB đứng tham chiếu. EIB và STB cùng tăng điểm, nhưng STB nổi trội hơn nhiều với mức 3,06% đi kèm thanh khoản mạnh nhất nhóm với hơn 1,8 triệu đơn vị được khớp.

Trong khi HQC là tâm điểm trên HOSE, thì SHN chính là “diễn viên” chính trên HNX. Lực mua mạnh giúp SHN đạt mức trần 3.800 đồng với 1,77 triệu đơn vị được khớp, đứng sau VIX và KLF. VIX khớp mạnh nhất HNX với 2,37 triệu đơn vị và giảm 1,89% về 15.600 đồng. KLF giảm 1 bước giá về 10.600 đồng và khớp 1,93 triệu đơn vị.

Trong buổi giao dịch chiều, hy vọng VN-Index một lần nữa chinh phục được mốc 600 điểm ngày một xa dần. Sau khoảng 30 phút đầu cầm cự, cuối cùng bên mua buộc phải buông xuôi, chịu thua trước áp lực bán ngày một tăng mạnh. Những lực mua đỡ giá ở nhóm cổ phiếu lớn như phiên sáng không còn xuất hiện, khiến thị trường nới rộng đà giảm vào cuối phiên. Không những vỡ mộng 600, VN-Index còn đánh mất luôn cả ngưỡng 590 điểm. HNX-Index cũng giảm dần đều trong phiên chiều, nhưng đồ thị không dốc như VN-Index. Mặc dù vậy, chỉ số này cũng không giữ được mốc 86 điểm khi đóng cửa phiên đầu tuần mới.

Đóng cửa, VN-Index giảm 0,93% xuống 588,44 điểm, HNX-Index giảm 1,03% về 85,9 điểm. Thanh khoản chung của thị trường tương đương mức phiêm cuối tuần trước đạt gần 2.400 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh hơn 4 triệu đơn vị, giá trị trên 112 tỷ đồng.

Mã HQC không còn giao dịch sôi động như phiên sáng và chỉ khớp thêm 1,1 triệu đơn vị, nâng tổng khớp lên hơn 7,65 triệu đơn vị, đóng cửa trên tham chiếu 1 bước giá.

Sự sôi động của phiên chiều được nhường lại cho FLC khi mã này được khớp thêm 7 triệu đơn vị, riêng đợt ATC đã được khớp gần 1,5 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa vẫn giảm 100 đồng xuống 11.100 đồng với tổng khớp hơn 10,5 triệu đơn vị, dẫn đầu HOSE. Tương tự, HAI vẫn nằm sàn với tổng khớp hơn 4 triệu đơn vị, còn dư bán sàn 318.030 đơn vị. Các mã thị trường khác như VHG, DLG, ITA, KBC cùng đều đóng cửa trong sắc đỏ.

Các mã lớn hỗ trợ cho VN-Index trong phiên sáng cũng yếu đà trong phiên chiều như MSN, VNM, VIC, DPM, KDC, HAG… Nhóm ngân hàng chỉ còn STB duy trì sắc xanh, nhưng chỉ tăng 2,05% và khớphơn 2,86 triệu đơn vị. Tương tự, các mã chứng khoán đều giảm hơn 2%.

Trên HNX, lực dư bán giá trần SHN trong phiên sáng đã được hấp thụ hết trong phiên chiều. Chốt phiên, SHN khớp 2,4 triệu đơn vị, vẫn còn dư mua trần và ATC hơn 1,6 triệu đơn vị. Hai KLF và VIX đều đóng cửa trong sắc đỏ với mức giảm lần lượt là 1,87% và 3,14%, tổng khớp tương ứng 5,42 triệu và 2,75 triệu đơn vị.

Ngoài VIX, các mã chứng khoán trên sàn HNX cũng chủ yếu đóng cửa trong sắc đỏ. Tương tự, các mã dầu khí trên sàn cũng đồng loạt giảm giá, với mức giảm mạnh vẫn thuộc về PVB khi giảm 8,38% xuống mức thấp nhất ngày 35.000 đồng.

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua ảnh 1

Về phần các Dự, phiên điều chỉnh giảm đi kèm với động thái bán ròng của khối ngoại sau chuỗi 16 phiên mua ròng liên tục không làm các Dự thay đổi về xu hướng tăng ngắn hạn của thị trường. Vì vậy, những MSBS, VCSC, IVS vẫn tin rằng thị trường sẽ tăng điểm trong tuần giao dịch này, thậm chí còn lấy lại ngưỡng 600 điểm. Tuy nhiên, kết quả giao dịch trong tuần qua cho thấy những nhận định này chưa đúng.

“Trong tuần giao dịch từ 9/3 -13/3 thì mức độ giao dịch của khối ngoại vẫn duy trì sự tích cực. Chỉ số VN-Index sẽ sớm lấy lại mốc 600 điểm nhờ vào nhóm LargeCap trước khi tiếp tới vùng kháng cự mạnh 608 điểm. Dòng tiền vẫn tiếp tục có xu hướng dịch chuyển nhiều sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, và đó là những cổ phiếu sẽ tạo ra biên lợi nhuận tích cực hơn cho dù bước khởi động vẫn chậm chạp”, IVS nhận định.

Tương tự là MSBS: “Mặc dù phiên cuối tuần qua giảm điểm nhưng nhìn chung cả tuần, chỉ số VN-Index vẫn tăng điểm, hình thành cụm nến tích cực với sự đồng thuận của khối lượng giao dịch. Các tín hiệu kỹ thuật vẫn đang củng cố cho một xu hướng tăng điểm trong thời gian tới và chúng tôi cho rằng thị trường sẽ vượt 600 điểm trong tuần mới với mặt bằng thanh khoản được cải thiện. Chúng tôi vẫn duy trì quan điểm thị trường đang có diễn biến tích cực và tuần mới là tuần tăng điểm. Cụ thể, phiên giao dịch đầu tuần VN-index có thể rung lắc quanh mốc 590-593 điểm nhưng kết thúc phiên có thể tăng điểm”.

VCSC cũng cho rằng: “Hai chỉ số có thể lấy lại đà hồi phục trong các phiên giao dịch tới và khối lượng giao dịch sẽ tiếp tụ cải thiện trên mức trung bình 20 phiên, đặc biệt chúng tôi cho rằng chỉ số VN-Index có thể kiểm định lại mức 605 của chỉ số VN-Index”.

Ngược lại, KIS là Dự duy nhất đã ghi điểm với nhận định về phiên giảm đầu tuần qua.

“Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư nội trước thời điểm các quỹ ETF tiến hành tái cơ cấu danh mục quý I/2015 khiến thanh khoản suy giảm. Về cuối phiên, hiệu ứng ETF phản ánh khá rõ lên 2 sàn khi xuất hiện hàng loạt lệnh bán ATC khối lượng tập trung vào bluechip. Các mã vốn hóa chi phối như GAS, BVH, VNM, VIC, VCB, MSN… đã đồng loạt giảm giá sau áp lực bán ròng của NĐTNN. Theo đó, các chỉ số sẽ giảm nhẹ phiên thứ Hai. Dù vậy, chúng tôi nhận thấy sắc xanh vẫn tích cực ở nhóm midcap và penny”.

Như đã nêu trên, nhiều Dự như MBKE, BVSC, VDSC, SHS, BSC, MBS, SSI vẫn ủng hộ vào xu thế tăng ngắn hạn, nhưng nhận định lại không quá cụ thể, như là “vẫn trong xu hướng tăng”, hay “rủi ro điều chỉnh sâu đã giảm”, “thị trường vẫn ở trạng thái nhạy cảm”...

Sang phiên giao dịch 10/3, VN-Index giảm điểm ngay từ lúc mở cửa trong sự thận trọng của nhà đầu tư, giao dịch ở đợt ATO vẫn chủ yếu xuất phát từ mã HQC. Sau đó, với sự trở lại của một số mã ngân hàng, VN-Index đảo chiều và vượt qua được ngưỡng 590 điểm. Nhưng cũng rất nhanh áp lực bán gia tăng và chỉ số bị lùi trở lại.

Trên HNX, chỉ số HNX-Index cũng lình xình quanh mốc tham chiếu khi mở cửa với giao dịch diễn ra khá chậm như thường lệ. HNX-Index sau khi đảo chiều theo tín hiệu tích cực trên HOSE, vượt qua ngưỡng 86 điểm cũng bị đẩy bật trở lại và lình xình quanh tham chiếu.

Bên cạnh việc khối ngoại đang bước vào chu kỳ bán ra, việc giá điện tăng 7,5% và giá xăng rục rịch tăng theo cũng khiến tâm lý thị trường bị ảnh hưởng. Lực mua tỏ ra hết sức thận trọng khiến các chỉ số chỉ diễn biến lình xình, VN-Index không thể leo về mốc 590 điểm, còn HNX-Index cũng không trở lại được mốc 86 điểm. Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 0,1% lên 589,03 điểm, HNX-Index tăng 0,09% lên 85,98 điểm.

Ở nhóm ngân hàng, VCB đã hồi trở lại, cùng với BID, CTG, EIB giữ mức tăng nhẹ 1 bước giá, trong khi MBB đứng ở tham chiếu, còn STB chịu áp lực chốt lời, nên giảm điểm.

Cũng giống như phiên sáng đầu tuần, mã HQC chỉ sôi động ở đầu phiên và chững lại ở cuối phiên, kết thúc buổi sáng ở mốc tham chiếu với 3,48 triệu đơn vị được khớp. Ngoài HQC, mã HAI cũng lặp lại kịch bản của phiên trước đó, mở cửa nằm sàn, kết phiên thu hẹp đà giảm ở mức 4,52% xuống 14.800 đồng và khớp gần 2,3 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, tâm điểm chính của thị trường trong phiên sáng đến từ một cái tên quen thuộc nhưng đã ẩn mình khá lâu là FLC. Dòng tiền dồn dập chảy vào FLC giúp mã này từ sắc đỏ đầu phiên đạt mức tăng 3,6% lên 11.500 đồng và tới gần 21,5 triệu đơn vị.

Tân binh CDO cũng đã lấy lại đà tăng với sắc tím đậm, khớp 38.200 đơn vị và còn dư mua trần 1,64 triệu đơn vị.

Trên HNX, FIT đã hồi trở lại với mức tăng nhẹ 1 bước giá và khớp 3,18 triệu đơn vị. Nhưng dẫn đầu thanh khoản trên sàn này vẫn là KLF với 4,83 triệu đơn vị và tăng 1,9%. Mã SHN tiếp tục được kéo lên mức giá trần 4.100 đồng từ sớm và khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Trong buổi giao dịch chiều, sau phút rung lắc nhẹ đầu phiên, nhận thấy dòng tiền đầu cơ đang chảy mạnh vào thị trường, bên nắm giữ cổ phiếu đã hãm lực cung giá thấp, trong khi nhóm ngân hàng trở lại, cùng sự trợ giúp của một số mã lớn khác khiến VN-Index đảo chiều đi lên. Nhưng cũng giống như đầu phiên sáng, do động lực chưa đủ mạnh, VN-Index một lần nữa bị đẩy lại khi cố thoát khỏi ngưỡng 591 điểm, thậm chí chỉ số này đóng cửa không giữ được mốc 590 điểm.

Trong khi đó, nhận được sự hỗ trợ tích cực từ nhóm HNX30, HNX-Index sau ít phút giằng co đầu phiên như VN-Index, đã thẳng tiến vào cuối phiên và vượt qua ngưỡng 86 điểm, đóng cửa ở mức cao nhất ngày mà không gặp bất kỳ một chướng ngại nào quá lớn.

Đóng cửa, VN-Index tăng 0,21% lên 589,66 điểm, HNX-Index tăng 0,54% lên 86,36 điểm. Sự thận trọng cao khiến thanh khoản chung giảm nhẹ trở lại, đạt hơn 2.300 tỷ đồng. Khối ngoại đã giảm mạnh giá trị bán ròng xuống còn 31,48 tỷ đồng, trong khi đã mua ròng 158.530 đơn vị.

Mã FLC đánh dấu sự trở lại đầy ấn tượng với thanh khoản tăng vọt lên tới 30,82 triệu đơn vị, tăng 4,5% lên 11.600 đồng. Lịch sử giao dịch cho thấy, giá cổ phiếu FLC thường có chuỗi tăng mạnh với giao dịch lớn, chiếm tới khoảng trên 30% tổng khối lượng khớp toàn sàn HOSE trước các đợt tăng vốn. FLC sẽ trình ĐHCĐ sắp tới phương án tăng vốn khủng từ gần 3.750 tỷ đồng lên tới gần 8.400 tỷ đồng. FLC cũng có 2 đợt phát hành tăng vốn trong năm 2014, từ 771,8 tỷ đồng lên hơn 3.000 tỷ đồng.

Mọi sự chú ý đều đổ dồn vào FLC, nên các mã thị trường khác như HQC, ITA, KBC, VHG, DLG.., kể cả các mã vốn có tính dẫn dắt như ngân hàng, chứng khoán… đều có giao dịch khiêm tốn. Riêng mã HAI vẫn giảm về gần mức sàn 14.600 đồng (-5,81%) với 3,12 triệu đơn vị được khớp.

Trên HNX, mã FIT nới rộng đà tăng lên 18.300 đồng (+2,81%), còn KLF duy trì sắc xanh nhẹ và dẫn đầu về thanh khoản, nhưng SHN đã mất sắc tím và chỉ còn tăng tối thiểu đạt 3.900 đồng. KLF khớp được 6,27 triệu đơn vị, FIT khớp 5,1 triệu đơn vị, còn SHN khớp 1,22 triệu đơn vị.

Hỗ trợ cho VN-Index còn có SHB và VCG khi cả 2 đều đóng cửa ở mức cao nhất ngày. Trong khi S99 là mã nổi bật nhất trong dòng Sông Đà khi được khớp 1,36 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 7,09%.

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua ảnh 2

Về phần các Dự, IVS đã đúng với nhận định nhóm ngân hàng sẽ dẫn dắt thị trường tăng trở lại ở phiên này.

“Chúng tôi vẫn quan tâm nhiều tới khối lượng giao dịch và nhận thấy thị trường vẫn khá tích cực dù giảm điểm. Do đó, giống như tuần trước, nhiều khả năng thị trường sẽ sớm tăng trở lại. Nếu như nhanh thì ngay trong phiên ngày 10/3 điều đó sẽ xảy ra và tất nhiên nhóm ngân hàng sẽ lại là nhóm dẫn dắt”, IVS nhận định.

Còn SHS ghi điểm về việc kiểm nghiệm lại mốc 590 điểm của VN-Index:

“Vùng 580 – 585 điểm của VN-Index được chúng tôi nhắc tới trong tuần trước, tuy vậy nhờ có lực mua vào mạnh mẽ của khối ngoại đã giúp chỉ số này bật dậy nhanh chóng khi vừa test lại mốc 590 điểm. Mặc dù quan điểm trung và dài hạn của chúng tôi vẫn là tích cực, tuy nhiên trong ngắn hạn, chúng tôi đánh giá thị trường cần test lại vùng hỗ trợ này để tạo động lực bứt phá khỏi mốc 600 điểm trong thời gian tới”, SHS đánh giá.

Ở phía ngược lại, MSBS đã trật khi cho rằng thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh.

Trước mắt, VN-Index đang đối mặt với mốc 585 điểm tương ứng với giá trị của đường MA200. Mốc 585 điểm cũng là mốc kháng cự tương đối mạnh và mang tính quyết định về diễn biến của thị trường trong thời gian tới. Về diễn biến của phiên ngày 10/3, chúng tôi thấy các cổ phiếu vốn hóa lớn trên sàn như BVH, VIC, VNM, MSN… đều đang cho tín hiệu xấu. Ngoài ra, diễn biến cuối phiên ngày 9/3 có thể tạo ra tâm lý tiêu cực, nên ngày 10/3 nhiều khả năng thị trường vẫn giảm điểm và có sự giằng co mạnh quanh mốc 585 điểm”, MSBS nhận định.

VCSC cũng trật bởi nhận định: “Chúng tôi cho rằng hai chỉ số có thể kiểm định các mức hỗ trợ 585 của chỉ số VN-Index và 85.0 của chỉ số HNX-Index và hai chỉ số có thể dần hồi phục vào cuối phiên. Tâm lý nhà đầu tư tiếp tục thận trọng và lực cầu có thể gia tăng dần trong vài phiên tới khi chỉ báo xung lượng ngắn hạn của chỉ số VN-Index giảm mạnh về gần vùng quá bán cho nên các nhà đầu tư cần hạn chế bán ra trong phiên giao dịch tới”.

Trong khi những BVSC, KIS, MBS, SSI, VDSC, MBKE, BSC vẫn đưa ra những nhận định mang tính trung lập như “Thị trường vẫn phụ thuộc vào diễn biến của khối ngoại”, “mức độ rủi ro không quá lớn”, hay là “xu hướng tăng chưa thay đổi”....

Tới phiên giao dịch 11/3, những tích cực đạt được từ phiên trước có lẽ chưa đủ để các chỉ số vững vàng đi lên. VN-Index mở cửa phiên sáng 11/3 trong sắc đỏ, giao dịch vẫn giữ sự thận trọng nên thanh khoản không cao.

VN-Index liên tục có những đợt trồi sụt quanh tham chiếu dù biên độ dao dộng không lớn. Những nhóm là lực đỡ chính trong phiên trước là nhóm ngân hàng và nhóm cổ phiếu lớn không còn giữ được vị thế khi hầu hết đều giao dịch dưới tham chiếu.

Trên HNX, chỉ số sàn này cũng chìm trong sắc đỏ khi số mã giảm điểm chiếm áp đảo. Trong nhóm cổ phiếu đầu cơ, ACB và VND tăng 100 đồng, nhóm cổ phiếu dầu khí gần như đứng giá, trong khi nhóm cổ phiếu bất động sản họ Sông Đà đều giảm điểm, với mức giao động 100-200 đồng.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 0,21% xuống 588,4 điểm, HNX-Index giảm 0,46% xuống 85,97 điểm. Ảm đạm có lẽ là từ để chỉ giao dịch của các nhà đầu trong phiên sáng nay. Trên bảng điện tử, sắc đỏ chiếm chủ đạo với 109 mã giảm trên HOSE và 103 mã giảm trên HNX.

Điểm sáng nhất đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng khi một số mã nhóm này có dấu hiệu hồi phục trở này. Cụ thể, VCB, CTG, BID, ACB cùng tăng 100 đồng, bên cạnh STB tăng vẫn tăng mạnh 800 đồng. Đây có lẽ là má phanh giúp thị trường không bị lao dốc trong phiên giao dịch thiếu vắng các trụ đỡ mạnh.

Bên cạnh đó, cũng phải kể đến mức tăng ấn tượng của các “tân binh” như HAH, NHP hay CDO với sắc tím đậm, thanh khoản khá mạnh nên đều xuất hiện dư mua trần.

Cổ phiếu FLC vẫn có thanh khoản tốt, nhưng không giữ được đà tăng như phiên trước đó, mà chỉ lình xình quanh tham chiếu.

Trong buổi giao dịch chiều, diễn biến giao dịch vẫn khá buồn tẻ. Dù thị trường đã có nhịp hồi giúp VN-Index vượt qua 590 điểm và đạt mức điểm cao nhất trong phiên, nhưng thông tin giá xăng chính thức tăng đã khiến thị trường nhanh chóng đi xuống

Ở đợt khớp lệnh đóng cửa ATC, áp lực bán gia tăng khiến VN-Index lùi sâu thêm, đóng cửa ở mức giá thấp nhất trong ngày. Trong khi HNX cũng không có diễn biến khả quan khi bị bao trùm bởi sắc đỏ.

Đóng cửa, VN-Index giảm 0,53% xuống 586,54 điểm, HNX-Index giảm 0,41% xuống 86,01 điểm. Thanh khoản chung tiếp tục chiều hướng đi xuống khi sự thận trọng bao phủ lên thị trường, đạt chỉ hơn 2.100 tỷ đồng. Khối ngoại đã lại tăng bán ròng nhưng không mạnh, đạt 1,87 triệu đơn vị, giá trị gần 84 tỷ đồng.

Mã FLC tiến về tham chiếu nhưng thanh khoản chưa bằng 1/3 phiên trước với 9,8 triệu cổ phiếu được khớp. Ngược lại. sau 2 phiên giảm mạnh đầu tuần, mã HAI đã tăng nhẹ trở lại 200 đồng với thanh khoản vẫn duy trì đều ở mức hơn 3 triệu đơn vị.

Các tân binh HAH, NHP, CDO duy trì sắc tím đến hết phiên, thanh khoản gần như không thay đổi nhiều so với phiên sáng bởi bên bán “gìm hàng”.

Với nhóm cổ phiếu ngân hàng, những tưởng những tín hiệu cuối phiên sáng sẽ là lực đẩy để nhóm này hồi phục trong phiên chiều, nhưng với áp lực lớn từ nhóm bluechips, cổ phiếu ngân hàng tiếp tục trong thế điều chỉnh, ngoại trừ STB vẫn đi ngược dòng.

Trên HNX, SHN đã rơi xuống giá sàn khi lực cầu cạn kiện. Mă PVB gây chú nhất khi có thanh khoản tăng đột biến, đạt trên 4,6 triệu đơn vị, cùng với mức tăng trần sau 2 phiên giảm mạnh đầu tuần. Thông tin liên quan đến mã này vẫn là việc thoái vốn của cổ đông lớn GAS như đã công bố trước đó.

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua ảnh 3

Về phần các Dự, IVS đã tiếp tục ghi điểm với nhận định khá sát với diễn biến của thị trường phiên này.

“Tâm lý lúc này vẫn chưa thực sự ổn định nên thị trường còn khó gia tăng mạnh. Cho dù phiên ngày mai (11/3) hiệu ứng vẫn còn, nhưng nhiều khả năng cả 02 chỉ số vẫn chịu áp lực và 2 màu xanh đỏ vẫn đan xen nhau. Nhìn về từng cổ phiếu có thể sự phân hóa nhẹ sẽ bắt đầu và những cổ phiếu tăng tích cực vừa qua như PVT, DXG, SAM, HBC, JVC, FCN... sẽ tăng nhẹ trở lại”, IVS đánh giá.  

Cả BVSC và MBKE thì cùng chung “ý tưởng” nên tiếp tục tịch lũy cổ phiếu khi nhịp điều chỉnh chưa thể kết thúc ở thời điểm hiện tại .

“Về xu hướng thị trường, nhịp điều chỉnh có thể sẽ vẫn tiếp diễn trong ngắn hạn. Nhà đầu tư được khuyến nghị nắm giữ danh mục trung hạn ở mức trung bình và có thể tranh thủ các phiên thị trường điều chỉnh để tích lũy cổ phiếu cho danh mục ngắn hạn với tỷ trọng vừa phải”, BVSC nhận định.

Tương tự là MBKE: “Phiên tăng 10/3 đi kèm với thanh khoản vẫn thấp khiến chúng tôi chưa thể kết luận chắc chắn quá trình điều chỉnh đã kết thúc. Dù vậy, cần nhấn mạnh xu hướng chủ đạo của VN-Index vẫn là tăng và do đó, việc nắm giữ một tỷ trọng cổ phiếu lớn hơn tiền mặt tiếp tục là khuyến nghị chủ đạo của chúng tôi trong giai đoạn hiện nay”.

Trong khi đó, MSBS và VCSC tiếp tục có phiên trật thứ 3 kể từ đầu tuần khi đưa ra nhận định chưa được chính xác.

“Với diễn biến hiện tại thì nhiều khả năng đầu phiên ngày 11/3 thị trường sẽ tăng điểm vượt mốc 590  điểm, tiến lên vùng 593-594 điểm. Tuy nhiên, áp lực bán vào cuối phiên sẽ đẩy chỉ số giảm dần, kết thúc phiên chỉ tăng nhẹ. Chúng tôi vẫn duy trì quan điểm thận trọng, hạn chế mua đuổi cổ phiếu trong những nhịp hồi phục của thị trường”, MSBS nhận định.

Còn VCSC cho rằng: “Chúng tôi cho rằng hai chỉ số có thể tiếp tục hồi phục trong phiên giao dịch kế tiếp và kiểm định lại các mức kháng cự 600 – 605 của chỉ số VN-Index và 87.5 của chỉ số HNX-Index trong vài phiên tới”.

Với BSC, MBS, SHS, KIS, VDSC, SSI thì nhận định trung lập vẫn là lựa chọn tiên quyết trong bối cảnh thị trường giao dịch tích lũy như hiện nay.

Đến phiên giao dịch 12/3, tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khiến thị trường diễn ra khá buồn tẻ, không có những đột biến như HQC ở 2 phiên đầu tuần khiến thanh khoản thị trường trong đợt mở cửa rất thấp, chủ yếu là các lệnh khớp thăm dò là chính. VN-Index mở cửa trong sắc đỏ đi kèm thanh khoản rất thấp.

Nhờ sự trở lại của một vài mã ngân hàng lớn, cùng với đà tăng tích cực của nhóm bất động sản, VN-Index đảo chiều tăng điểm, nhưng vì độ rộng khá hẹp nên chỉ số này chỉ lình xình quanh tham chiếu, mà chưa thể hiện rõ xu hướng. Thời gian còn lại, áp lực bán gia tăng, khiến độ rộng của thị trường dần nghiên về phía tiêu cực, dù vậy, với sự hỗ trợ của một vài mã lớn như VIC, MSN, BVH, KDC, CTG, nên VN-Index chỉ từ từ đi xuống.

Tương tự, HNX-Index cũng giao dịch trong sắc đỏ trong khoảng 15 phút đầu phiên, trước khi đảo chiều đi lên cùng với đà tăng nhẹ trên HOSE và sự hỗ trợ của nhóm dầu khí. Dù vậy, tâm lý thận trọng khiến chỉ số này không thể bứt lên, mà quay đầu giảm trở lại. Đà giảm của HNX-Index càng về cuối dần được nới thêm, nhưng cũng không quá mạnh.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 0,06% xuống 586,21 điểm, HNX-Index giảm 0,58% xuống 85,51 điểm.

Nhóm ngân hàng có thời điểm có sắc xanh đồng đều, nhưng sau đó, do lực cầu quá yếu nên lần lượt quay đầu giảm trở lại, chỉ còn CTG và EIB là có được sắc xanh nhạt. STB với diễn biến tăng giảm xen kẽ phiên sáng nay đã điều chỉnh giảm 0,9% với thanh khoản cầm chừng.

Nhóm bất động sản, hạ tầng dù lúc đầu có mức tăng khá tốt để hỗ trợ cho thị trường, nhưng sau đó cũng yếu dần. Các mã thị trường như FLC, OGC, VHG, ITA, KBC, DLG, HQC cũng không có gì đột biến, giống như trường hợp của HQC đầu tuần, hay FLC trong phiên thứ Ba. Mã FLC giảm nhẹ 1 bước giá và khớp gần 6 triệu đơn vị, các mã còn lại cũng chỉ xoay quanh giá tham chiếu với tổng khớp trên dưới 1 triệu đơn vị.

Các tân binh như CMG hay CDO tiếp tục gây chú ý với mức tăng kịch trần và dư mua trần. CDO tăng trần lên 21.900 đồng và khớp gần 1,2 triệu đơn vị.

Trên HNX, tân binh NHP khớp 1,32 triệu đơn vị ngay từ đầu phiên. Do lực cung bị tiết giảm, nên sau đó mã này không có thêm đơn vị nào được khớp, trong khi dư mua giá trần 17.100 đồng vẫn còn hơn 600.000 đơn vị. SHB và FIT khớp chưa tới 1,8 triệu đơn vị, còn KLF chỉ khớp nhỉnh hơn 1 triệu đơn vị. SHB và KLF cùng giảm nhẹ 1 bước giá, còn FIT đứng ở tham chiếu.

Trong buổi giao dịch chiều, thị trường không đón nhận thêm thông tin tích cực nào, tâm lý giao dịch thận trong vẫn duy trì khiến dòng tiền tham gia vào thị trường khá dè dặt. Tuy nhiên, đà tăng của một số cổ phiếu lớn cùng các cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, công nghệ đã giúp VN-Index bật tăng. Trong khi đó, tín hiệu không tốt từ nhóm cổ phiếu dầu khí khiến HNX-Index vẫn giao dịch trong sắc đỏ, tuy nhiên, đà giảm đã được hãm lại.

Đóng cửa, VN-Index tăng 0,34% lên 588,53 điểm, HNX-Index giảm 0,17% xuống 85,87 điểm. Tâm lý thận trọng bao trùm khiến thanh khoản chung của thị trường tiếp tục giảm về mức thấp hơn, chỉ đạt trên 1.800 tỷ đồng. Khối ngoại đã mua ròng nhẹ hơn 0,2 triệu đơn vị, nhưng giá trị vẫn là bán ròng với 11,79 tỷ đồng.

Lực cầu gia tăng giúp các nhóm ngân hàng lấy lại được đà tăng. VCB tăng 0,82%, CTG và BID cùng nhích nhẹ 1 bước giá, trong khi STB, MBB và EIB cùng lấy lại mốc tham chiếu. STB, CTG, BID, MBB cùng khớp hơn 1 triệu đơn vị.

FLC vẫn là điểm sáng thanh khoản trên HOSE khi khớp hơn 13,1 triệu đơn vị với mức tăng nhẹ 0,86%. KBC khớp 3,73 triệu đơn vị, trong đó khối ngoại mua tới hơn 1 triệu đơn vị. ITA, HQC, HT1 cùng khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Thị trường cũng đón nhận thêm con sóng mới từ nhóm công nghệ. Các cổ phiếu trong nhóm này lần lượt kéo trần với lượng dư mua trần khá lớn như CMG, ELC, ITD.

Trên sàn HNX, hầu hết các cổ phiếu dầu khí đều lùi về mốc tham chiếu hoặc giảm điểm, ngoại trừ PVB nhưng mã này đã không còn giữ được sắc tím, chỉ còn tăng 2,27% lên 36.000 đồng/CP và khớp 322.400 đơn vị.

FIT và KLF có mức thanh khoản cao nhất sàn cùng đạt gần 2,2 triệu đơn vị và cùng đứng giá tham chiếu. SHB chỉ nhích nhẹ so với phiên sáng với 1,98 triệu đơn vị được khớp. Tân binh NHP giữ mức trần, khớp 1,3 triệu đơn vị và thỏa thuận 1 triệu đơn vị ở mức giá sàn.

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua ảnh 4

Về phía các Dự, việc thị trường vẫn lình xình với thanh khoản thấp và 2 chỉ số đóng cửa trái chiều như phiên này thì những nhận định thận trọng, “thủ thế” trung lập như của BVSC, MBKE, VDSC, KIS, SSI, IVS là có thể hiểu được.

Trong khi đó, MSBS và VCSC đã ghi được điểm đầu tiên trong tuần với đánh giá về phiên tăng kỹ thuật này.

“Chúng tôi vẫn duy trì quan điểm thận trọng đối với diễn biến của thị trường hiện tại. Một lần nữa  chỉ số VN-Index quay lại test mốc 585 điểm sau khi có phiên hồi phục vào ngày 10/3. Hiện tại, mốc 585 vừa là mốc giao thoa giữa MA20 và MA200, đồng thời cũng là điểm số của ngưỡng  Fibonacci 78,6%. Vậy nên diễn biến của thị trường quanh mốc này đóng vai trò quan trọng cho  diễn biến của thị trường sắp tới. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đánh giá thị trường sẽ không giảm sâu trong ngắn hạn và ngày 12/3 có thể sẽ có phiên hồi phục kỹ thuật”, MSBS nhận định.

Tương tự là VCSC: “Chúng tôi cho rằng hai chỉ số có thể hồi phục trong phiên giao dịch ngày mai 12/3 và đà hồi phục này có thể kéo dài đến các phiên giao dịch cuối tuần. Điểm tích cực nhất là các chỉ báo xung lượng ngắn hạn giảm mạnh về vùng quá bán và các chỉ báo trạng thái xu hướng suy yếu cho thấy hai chỉ số có thể xuất hiện các nhịp hồi phục kỹ thuật và áp lực giảm sâu chưa thể xảy ra ở thời điểm hiện tại”.

Còn MBS cũng đúng khi chỉ số VN-Index đã test ngưỡng hỗ trợ gần 585, trước khi tăng trở lại.

“Sau phiên giảm điểm này, các chỉ số đã giảm về sát các ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn, với VN-Index là vùng 585 điểm và với HNX-Index là vùng 85 điểm tương ứng với đường trung bình động 20 ngày. Trong phiên tới, các chỉ số sẽ tiếp tục kiểm nghiệm lại vùng hỗ trợ này”.

Ở phía ngược lại, nhận định của BSC và SHS chưa được chính xác với nhịp tăng của VN-Index phiên này.

VN-Index và HNX-Index đã đóng cửa tại mốc điểm thấp nhất ngày. Các cổ phiếu vốn hóa lớn như GAS, VIC, HPG hay PVS đều giảm điểm. Các cổ phiếu có biến động giá đáng chú ý trong phiên này gồm PVB và MHC. Trong phiên tới, một sự điều chỉnh quanh vùng hỗ trợ có thể sẽ tiếp tục xảy ra và chưa thể phục hồi nhanh chóng”, BSC nhận định.

SHS thì cho rằng: Thị trường quay lại xu hướng điều chỉnh trên diện rộng. Tâm lý thận trọng khiến khối lượng giao dịch giảm sút mạnh. Khối ngoại tiếp tục xu hướng bán ròng là những yếu tố cho thấy sự lạc quan trong ngắn hạn đang giảm dần. VN-Index sẽ test lại vùng 578 – 580 điểm nếu thị trường tiếp tục giao dịch như những phiên vừa qua”.

Bước sang phiên giao dịch cuối tuần 13/3, kịch bản thận trọng được lặp lại, thị trường giao dịch quanh ngưỡng hỗ trợ 585 điểm với VN-Index. Chỉ số đã khởi đầu trong sắc xanh, thanh khoản vẫn ở mức rất thấp.

Đà tăng của VN-Index sau đó được nới rộng nhờ các mã ngân hàng đồng loạt tăng điểm. So với cùng thời điểm của phiên sáng hôm trước, cầu mua giá cao đã được cải thiện, nên độ rộng của thị trường cũng theo đó nới rộng hơn. Tuy vậy, cầu mua cũng không tỏ ra vội vàng, chỉ vừa đủ để duy trì nhịp tăng. Khối ngoại dù giao dịch chậm nhưng vẫn bung tiền cho khối ngân hàng tạo ra nhịp giữ khá tốt cho các chỉ số không bị rơi sâu.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng có được sắc xanh ngay từ khi mở cửa nhờ đà tăng nhẹ của nhóm HNX30. Cũng như thường lệ, hoạt động giao dịch vẫn diễn ra khá tẻ nhạt. Giao dịch chỉ diễn ra ở một vài mã lớn nên thanh khoản chỉ nhích từng chút một.

Diễn biến thị trường phiên sáng nay không có nhiều điểm nhấn, mặc dù chỉ số lao dốc về cuối phiên, nhưng cơ bản sự cân bằng vẫn đang duy trì để đảm bảo diễn biến không quá xấu và cũng không quá tốt. Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 0,27% xuống 586,95 điểm, HNX-Index tăng 0,02% lên 85,88 điểm.

Áp lực bán khiến đa phần các mã lớn như GAS, VNM, HSG, PVD, PVT, BVH ... giảm điểm hoặc lùi về tham chiếu như MSN, SSI, HAG, HPG.... Sắc xanh chỉ còn lại ở vài mã như VIC, CII, KDC, FPT... trong đó CII tăng nhẹ 1 bước giá lên 19.000 đồng/CP và khớp 2,2 triệu đơn vị.

VN-Index chỉ không giảm sâu nhờ sự ổn định của nhóm ngân hàng. Các mã VCB, MBB, BID, CTG giữ sắc xanh nhẹ, EIB đứng tham chiếu, còn STB giảm 300 đồng. BID khớp gần 2 triệu đơn vị, còn STB và CTG khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Áp lực bán cũng được suy trì trên nhóm cổ phiếu nóng nhưng không mạnh, nên khiến đa số đứng quanh tham chiếu. FLC được kéo về mốc tham chiếu 11.700 đồng, khớp lệnh mạnh nhất HOSE, hơn 11 triệu đơn vị. Ngoài FLC, giao dịch ở nhóm này cũng không thật sự cao, chỉ OGC trên 2 triệu đơn vị, còn lại ITA, HQC, KBC khớp trên 1 triệu đơn vị. Mã HAI cũng bớt “gây bão”.

Trên HNX, các nhóm dẫn dắt như dầu khí, chứng khoán cũng đa phần chỉ đứng tham chiếu hoặc giảm nhẹ. Chỉ một vài mã thị giá cao như TCT, ACB, HLD, HUT, PLC là có được sắc xanh nhẹ.
Có đúng 3 mã đạt thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là KLF, PVS và FIT. Trong đó, KLF khớp trên 2 triệu đơn vị mạnh nhất sàn, đứng tham chiếu. Còn PVS và FIT giảm điểm.

Trong phiên giao dịch chiều, diễn biến thị trường thậm chí còn kém hơn so với phiên sáng. Lực cầu tỏ ra quá yếu nên VN-Index chỉ có một vài nhịp tăng yếu ớt, khiến bên nắm giữ cổ phiếu sốt ruột và cuối phiên là một đợt đẩy bán mạnh, kéo VN-Index lùi sát về mốc 586 điểm. Tương tự, chỉ số HNX-Index gần như “ngụp lặn” dưới mốc tham chiếu trong cả phiên chiều nay và không giữ nổi mốc 86 điểm sau đợt khớp lệnh ATC.

Đóng cửa, VN-Index giảm 0,41%) xuống 586,1 điểm, HNX-Index giảm 0,17% xuống 85,72 điểm. Thanh khoản đã tăng nhẹ so với phiên trước, song vẫn ở mức thấp chỉ hơn 2.000 tỷ đồng. Khối ngoại đã tăng bán ròng phiên này, đạt hơn 1,2 triệu đơn vị, giá trị hơn 54 tỷ đồng.

Áp lực bán gia tăng khiến bệ đỡ chính của thị trường là nhóm ngân hàng yếu đi trông thấy. VCB và STB quay đầu giảm điểm, MBB và EIB về mốc tham chiếu, còn CTG và BID giữ được sắc xanh nhạt. CTG và BID cùng khớp 2,4 triệu đơn vị, còn STB khớp xấp xỉ 2 triệu đơn vị và giảm mạnh nhất nhóm 400 đồng về 20.000 đồng/CP.

Hiệu ứng giảm từ nhóm ngân hàng lan sang nhiều mã lớn khác khiến đa phần các mã đều giảm điểm. Trong nhóm VN30, chỉ còn đúng 4 mã tăng điểm là DRC, VSH, PPC và FLC.

Riêng FLC, cầu mua bất ngờ tăng rất mạnh trong phiên chiều với lượng khớp được lên tới gần 16 triệu đơn vị, trong đó riêng đợt khớp lệnh ATC là gần 4,8 triệu đơn vị. Cổ phiếu này theo đó được kéo tăng lên mức cao nhất ngày, tăng 200 đồng lên 11.900 đồng và tổng khớp 27,3 triệu đơn vị. FLC cũng chính là mã giúp nhà đầu tư bớt “ngủ gật” trong phiên này.

Ngoài FLC, các mã thị trường khác như HQC, OGC, ITA, KBC, DLG, HAI, VHG, ASM, DXG cũng được giao dịch khá tốt, thanh khoản đều trên 1-2 triệu đơn vị. HQC khớp 4,2 triệu đơn vị.

Trên HNX, các mã dầu khí lớn đều nới rộng đà giảm. PVB giảm mạnh 1.200 đồng xuống 34.800 đồng/CP. PVS giảm 400 đồng xuống 26.400 đồng/CP và khớp 1,35 triệu đơn vị.

Hai mã dẫn đầu thanh khoản là KFL và FIT cũng chỉ khớp tương ứng 3,7 triệu và 2 triệu đơn vị. Ngoài ra, BAM, ITQ và S99 cũng có được thanh khoản hơn 1 triệu đơn vị, trong đó S99 giảm 700 đồng xuống 12.500 đồng/CP.

Mã ACB giảm 1 bước giá, còn SHB đứng tham chiếu với hơn 1 triệu đơn vị được khớp.

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua ảnh 5

Về phía các Dự, vận may có lẽ đã quay trở lại với MSBS khi Dự này có thêm một phiên ghi điểm khá thuyết phục. MSBS cũng là Dự duy nhất ghi được điểm ở phiên cuối tuần này.

VN-Index đã có phiên hồi phục kỹ thuật khi một lần nữa chỉ số giảm sát mốc 585 điểm vào phiên giao dịch trước đó. Thanh khoản trong phiên 12/3 có sự suy giảm và dòng tiền chưa thực sự vào mạnh. Nhiều cổ phiếu tăng điểm, trong đó có cả những cổ phiếu vốn hóa lớn, nhưng điều này chỉ có tác dụng giữ nhịp thị trường, chưa phải là động lực để tăng mạnh trở lại. Do đó, thị trường sẽ tăng điểm vào đầu phiên 13/3 tiến lên vùng 590 điểm, nhưng sau đó sẽ rung lắc mạnh và giảm điểm cuối phiên”, MSBS nhận định.

Trong khi đó, “bạn đồng hành” VCSC lại không có được may mắn này nên gánh thêm một phiên trật.

VCSC đánh giá: “Chúng tôi cho rằng hai chỉ số có thể sẽ tiếp tục đà hồi phục kỹ thuật trong phiên kế tiếp và áp lực giảm sâu dưới các mức hỗ trợ của đường trung bình SMA20 của hai chỉ số chưa thể xảy ra khi các chỉ báo trạng thái xu hướng tiếp tục đà sụt giảm”.

Cũng giống như VCSC, IVS cũng mất điểm khi tin vào việc thị trường sẽ có thêm một phiên tích cực.

“Thị trường vừa qua đón nhận hàng loạt thông tin không tích cực và phản ánh mà thị trường tạo ra khá đúng. Có điểm rõ nhất là áp lực bán đã có dấu hiệu sụt giảm, và nhiều người cũng cho rằng, thị trường đã phản ánh hết những gì xấu nhất từ giá điện, giá xăng. Và khi đó, nhịp tăng trở lại là điều trở nên rõ ràng hơn. Trong khi đó chỉ số VN-Index cũng tăng trở lại khi tiếp cận tới mốc 585 điểm trong 2 phiên gần đây. Đó có thể là cơ sở để tin rằng thị trường sẽ có thêm một phiên tích cực nữa”, IVS nhận xét.

Còn những KIS, MBS, SHS, BSC, BVSC, MBKE, VDSC, SSI thì không thay đổi quan điểm trung lập trong diễn biến thị trường như hiện tại.

Tổng kết tuần giao dịch từ 9/3 đến 13/3, thị trường đã có sự điều chỉnh nhe. Diễn biến tăng giảm xen kẽ trong khoảng hẹp vẫn là chủ đạo. Đồng thời, tâm lý thận trọng tiếp tục phủ lên thị trường khiến thanh khoản suy giảm khá mạnh. Bên cạnh các thông tin kém tích cực về giá xăng, giá điện, tâm lý thị trường còn chịu ảnh hưởng mạnh từ việc nhà đầu tư ngoại bắt đầu chốt lời sau chuỗi mua ròng liên tục.

Tuy nhiên, điểm tích cực là dòng tiền nội đã bắt đầu quay trở lại, không chỉ tập trung vào nhóm cổ phiếu thị trường, mà cũng đã luân chuyển qua nhiều nhóm cổ phiếu khác. Bên cạnh đó, việc lãi suất dự kiến giảm thêm cũng sẽ tạo đà tâm lý tích cực trong thời gian tới

Về các chỉ số tuần qua, một tuần điều chỉnh với 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, khiến VN-Index mất 7,87 điểm (-1,32%) về 595,26 điểm. Còn với 4 phiên giảm và chỉ 1 phiên tăng, HNX-Index giảm 1,06 điểm (-1,24%) xuống 85,72 điểm.

Đối với các Dự, đây là tuần không thành công đối với VCSC khi có tới 4 phiên trật. Tương tự là MSBS khi bị trật 3 phiên. Góp mặt trong nhóm này có IVS với 2 phiên trật, còn BSC và SHS đều trật 1 phiên.

Ở chiều ngược lại, cũng không có Dự nào thật sự thành công. Dự trúng nhiều nhất cũng chỉ đạt 2 phiên, đó là MSBS và IVS. Còn lại KIS, SHS, BVSC, MBKE, VCSC và MBS cùng trúng được 1 phiên.

Đối với danh hiệu “còi vàng”, VDSC và SSI cùng nhau chia sẻ danh hiệu này khi có cùng cả 5 phiên nhận định trung lập. Bám sát phía sau là KIS, BSC, MBS, BVSC và MBKE với 4 phiên trung lập.

TRÚNG

TRUNG LẬP

TRẬT

T2/9/3

HOSE(-5,53/0,93%/588,44)

HNX(-0,89/1,03%/85,9)

KIS

MBKE, BVSC, VDSC, SHS, BSC, MBS, SSI

MSBS, VCSC, IVS

T3/10/3

HOSE(+1,22/0,21%/589,66)

HNX(+0,47/0,54%/86,36)

SHS, IVS

BVSC, KIS, MBS, SSI, VDSC, MBKE, BSC

MSBS, VCSC

T4/11/3

HOSE(-3,12/0,53%/586,54)

HNX(-0,35/0,41%/86,01)

BVSC, MBKE, IVS

BSC, MBS, SHS, KIS, VDSC, SSI

MSBS, VCSC

T5/12/3

HOSE(+1,99/0,34%/588,53)

HNX(-0,14/0,17%/85,87)

MSBS, VCSC, MBS

BVSC, MBKE, VDSC, KIS, SSI, IVS

BSC, SHS

T6/13/3

HOSE(-2,43/0,41%/586,1)

HNX(-0,15/0,17%/85,72)

MSBS

KIS, MBS, SHS, BSC, BVSC, MBKE, VDSC, SSI

IVS, VCSC

Tin bài liên quan