Nhìn lại hoạt động M&A toàn cầu năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là thời điểm các nhà đầu tư và nhà điều hành doanh nghiệp tìm cách cân bằng rủi ro ngắn hạn với các chiến lược chuyển đổi kinh doanh dài hạn.

Theo khảo sát CEO Toàn cầu thường niên lần thứ 26 của PwC, mặc dù các giao dịch toàn cầu đang chịu tác động từ suy thoái kinh tế, lãi suất tăng, giá cổ phiếu giảm mạnh, căng thẳng địa chính trị, gián đoạn chuỗi cung ứng…, nhưng 60% CEO toàn cầu cho biết, không có ý định trì hoãn các giao dịch trong năm 2023.

Năm 2022, thị trường M&A toàn cầu ghi nhận khối lượng giao dịch giảm 17% và giá trị thương vụ giảm 37% so với năm 2021, nhưng vẫn cao hơn năm 2020 cũng như thời điểm trước dịch. Năm 2021, số lượng giao dịch tăng cao kỷ lục, đạt 65.000 giao dịch.

Trong nửa cuối năm 2022, giao dịch tiếp tục suy yếu, giảm 25% về khối lượng và 51% về giá trị. Tuy vậy, tình hình kinh tế vĩ mô và các yếu tố địa chính trị có tác động không đồng đều đến thị trường M&A. Đáng chú ý, Ấn Độ là một ngoại lệ khi ghi nhận số lượng giao dịch tăng 16% và giá trị giao dịch tăng 35% trong năm 2022 - đạt mức cao kỷ lục - so với mức giảm 2 con số ở Mỹ, Trung Quốc và nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác.

Báo cáo trên cũng cho thấy, hoạt động M&A - đặc biệt là tối ưu hóa danh mục đầu tư - tiếp tục mang đến cơ hội cho nhiều nhà đầu tư, bất chấp khó khăn chung từ thị trường. Đây vẫn là công cụ giúp các CEO tái định vị doanh nghiệp của họ, thúc đẩy tăng trưởng và đạt được kết quả bền vững trong dài hạn.

Hoạt động M&A toàn cầu trong năm 2022 có sự phân hóa giữa các khu vực. Cụ thể, khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi (EMEA) ghi nhận số lượng giao dịch nhiều hơn khu vực châu Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương, cho dù chịu ảnh hưởng của chi phí năng lượng cao hơn và những bất ổn trong khu vực, cho thấy sự dịch chuyển của các nhà đầu tư khi tìm kiếm cơ hội ở các thị trường nước ngoài.

Tại Trung Đông và châu Phi, khối lượng và giá trị giao dịch giảm lần lượt 12% và 37% trong giai đoạn 2021-2022. Với khoảng 20.000 giao dịch vào năm 2022, hoạt động trong khu vực này vẫn cao hơn 17% so với mức trước dịch năm 2019.

Tại châu Mỹ, khối lượng và giá trị giao dịch (khoảng 18.000 giao dịch) giảm lần lượt 17% và 40% trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến năm 2022. Giá trị giao dịch đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề. Số lượng giao dịch quy mô lớn (megadeals) ở Hoa Kỳ - có giá trị vượt quá 5 tỷ USD - giảm gần một nửa, từ 81 giao dịch xuống 42 giao dịch trong giai đoạn này. Mức sụt giảm trở nên đáng kể hơn trong nửa cuối năm 2022 khi chỉ có 16 giao dịch quy mô lớn, so với 26 giao dịch trong nửa đầu năm.

Tại châu Á - Thái Bình Dương (khoảng 16.000 giao dịch), khối lượng và giá trị giao dịch giảm lần lượt 23% và 33% trong giai đoạn 2021-2022. Trung Quốc ghi nhận sự sụt giảm lớn nhất, với khối lượng và giá trị giao dịch lần lượt giảm 46% và 35% do ảnh hưởng Covid-19 và nhu cầu xuất khẩu suy giảm. Các công ty muốn tiếp cận thị trường châu Á đang tìm kiếm cơ hội đầu tư ngoài Trung Quốc, chẳng hạn Ấn Độ, Nhật Bản và các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Trong đó, Ấn Độ đã nổi lên như một điểm đến đầu tư hấp dẫn, vượt qua Nhật Bản và Hàn Quốc về giá trị thương vụ và xếp thứ hai trong khu vực, chỉ sau Trung Quốc.

Theo ông Tiong Hooi, lãnh đạo Dịch vụ tư vấn giao dịch, PwC Việt Nam, nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó thị trường M&A Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, châu Á - Thái Bình Dương vẫn là “điểm tốt nhất” cho tăng trưởng toàn cầu nhờ có nhiều yếu tố hỗ trợ, bao gồm cả sự chuyển giao tài sản giữa các thế hệ, đẩy mạnh hiện đại hóa nội ngành, dòng chảy thương mại giữa các quốc gia trong khu vực ngày càng tăng và mối quan tâm mới đối với môi trường, xã hội và quản trị (ESG).

“Chúng ta đang chứng kiến nhiều thương vụ ‘tập hợp’ trong các thị trường phân mảnh để mở rộng quy mô, thoái vốn chiến lược khỏi một số doanh nghiệp để cân đối dòng tiền nhằm đối phó với áp lực đáo hạn trái phiếu. Chúng ta cũng thấy xu hướng chia tách doanh nghiệp tại các công ty gia đình quy mô lớn có liên quan đến các sự kiện chuyển giao tài sản, tiến hành các thương vụ M&A… để thúc đẩy đổi mới và sáng tạo, bán cổ phần hoặc một phần dự án để có vốn tài trợ cho hoạt động mở rộng chiến lược, đặc biệt trong khu vực Đông Nam Á, để quản lý căng thẳng chính trị và chuỗi cung ứng trong khu vực”, ông Tiong Hooi cho hayn

Tin bài liên quan