Các cổ đông VVF đang làm hợp đồng ủy quyền bán cổ phần

Các cổ đông VVF đang làm hợp đồng ủy quyền bán cổ phần

Nhọc nhằn hành trình góp vốn vào Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex-Viettel

(ĐTCK) Những ngày này, Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để hoán đổi cổ phiếu của Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex-Viettel (VVF). Phía sau câu chuyện này là hành trình nhọc nhằn của những cổ đông đã góp vốn theo phong trào một thời.

Năm 2008, cuốn theo phong trào đầu tư đa ngành nghề, Tổng CTCP Vinaconex, Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt nam (BIDV) và các cổ đông khác là Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Công ty TNHH Đầu tư tư nhân (VP Capital) và các đơn vị thuộc Vinaconex… đã góp vốn thành lập VVF với số vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.

Nhiều nhà đầu tư cá nhân vì tin tưởng vào những tên tuổi trên nên đã tham gia góp vốn, ít thì chục nghìn cổ phần, nhiều cũng tới cả trăm nghìn đơn vị. Có không ít nhà đầu tư mua lại trên thị trường tự do với giá gấp đôi mệnh giá. Năm 2009, VVF khai trương bằng một buổi lễ hoành tráng tại Hà Nội.

Dù có 2 cổ đông sáng lập chính là Vinaconex và Viettel, song VVF hoạt động không đạt nhiều hiệu quả, khi mắc nhiều “căn bệnh” của các tổ chức tín dụng như cho vay kém hiệu quả, tập trung chủ yếu vào một số khách hàng lớn, nợ khó đòi ở mức cao...

Đơn cử, cho đến nay, VVF vẫn còn khoản tiền gửi gốc 79 tỷ đồng tại Công ty Tài chính cổ phần Hadico, đã đáo hạn từ ngày 11/8/2012 nhưng chưa thu hồi được. VVF đang phải thực hiện nhiều thủ tục, thậm chí tính chuyện khởi kiện ra tòa, nhưng vẫn chưa giải quyết được.

Hay tính đến 31/12/2015, VVF đang nắm giữ khoản trái phiếu doanh nghiệp giá trị 150 tỷ đồng, đã đáo hạn từ 19/10/2012. Khoản trái phiếu này đã được bào lãnh bởi một ngân hàng TMCP trong nước và trong thư bảo lãnh thanh toán ký ngày 24/10/2011, ngân hàng này cam kết thực hiện thanh toán cả gốc và lãi cho VVF trong trường hợp VVF không nhận được thanh toán từ tổ chức phát hành trái phiếu.

Được biết, vụ này sẽ rất khó khăn, vì ngân hàng cho rằng, một số cá nhân có dấu hiệu cố tình trục lợi, thậm chí một số phần của vụ án đã được đưa ra xử tại tòa, giám đốc của doanh nghiệp phát hành trái phiếu đang vướng vòng lao lý.

Riêng kỳ hoạt động từ tháng 4 đến cuối tháng 6/2016, VVF lỗ 31 tỷ đồng.

Trong suốt cả quãng thời gian đầu tư vào VVF, cổ đông nhận được cổ tức duy nhất 1 lần với tỷ lệ 10% bằng tiền mặt (thực nhận là 9% do phải trừ thuế thu nhập cá nhân).

Cuộc “hợp hôn” giữa SHB và VVF đã diễn ra từ lâu và cho đến Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2014 và ĐHCĐ bất thường ngày 27/11/2014, cổ đông đã thông qua giao dịch sáp nhập VVF vào SHB.

Một thỏa thuận đáng chú ý nhất khiến các cổ đông VVF đồng thuận là SHB cam kết sẽ giới thiệu nhóm nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền nhận cổ phần hoán đổi cổ phần VVF sang cổ phần SHB khi sáp nhập. Giá chuyển nhượng dự kiến là 11.500 đồng/CP. Các cổ đông pháp nhân sẽ trực tiếp ký hợp đồng đặt cọc và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với các nhà đầu tư nhận chuyển nhượng, các cổ đông thể nhân ủy quyền cho ông Nguyễn Thành Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty (thời điểm đó, ông Phương là Chủ tịch HĐQT Vinaconex) ký các hợp đồng nêu trên với các nhà đầu tư nhận chuyển nhượng.

Nhiều cổ đông nhỏ lẻ của VVF sau đó đã khốn khổ với việc đi lấy xác nhận của văn phòng công chứng hoặc UBND xã, phường cho Giấy ủy quyền (theo mẫu) mà VVF gửi cho họ và cả bản công chứng giấy chứng nhận sở hữu cổ phần.

Một nhà đầu tư phản ánh, đến UBND phường nhiều lần, nhưng cuối cùng nhận được câu trả lời là không có chức năng công chứng giấy chứng nhận sở hữu cổ phần như các loại giấy tờ khác. Sau đó, đi hỏi văn phòng công chứng, nơi thì không làm, nơi nhận làm nhưng hẹn đi lại vài lần vì còn tham khảo mẫu hợp đồng ủy quyền, công chứng. Mất tới cả triệu bạc để có hợp đồng ủy quyền, vậy nhưng cuối cùng những văn bản trên vẫn không được chấp nhận.

Cổ đông cá nhân, cực chẳng đã, lại phải liên hệ hỏi Công ty và được thông báo lên Công ty để ký hợp đồng ủy quyền theo mẫu. Lại mất thời gian xếp hàng chờ đợi và mất tiền phí, cổ đông mới lập xong văn bản ủy quyền.

Lại qua một loạt thủ tục khác như đến công ty chứng khoán được VVF chỉ định mở tài khoản giao dịch chứng khoán, mất phí giao dịch… gần 8 tháng sau, cổ đông nhỏ lẻ của VVF mới được thông báo, giao dịch đã hoàn tất và họ có thể đến công ty chứng khoán nhận lại tiền. Một cổ đông cho biết, sau khi trừ đi nhiều loại chi phí, số tiền bà nhận được chỉ gần 10.000 đồng/CP. Như vậy, sau gần 10 năm, cổ đông chưa lấy lại được tiền gốc đã góp vốn, trong khi những cổ đông mua lại cổ phần với giá cao thì chắc chắn lỗ nặng.

Vậy mà mới đây, khi gặp lại nhà đầu tư này, bà cho biết, mình vẫn còn may. Bởi nếu không ủy quyền, bán cổ phần hoán đổi, nay theo thông báo mới của SHB, tỷ lệ hoán đổi cổ phần của 2 cổ phiếu là 1:1. Tính theo thị giá SHB hiện nay khoảng 5.000-5.300 đồng/CP, số tiền góp vốn theo mệnh giá của cổ đông sẽ “bay” thêm một nửa, chưa kể thời gian chờ cổ phiếu về tài khoản để giao dịch có thể tính bằng tháng và tất nhiên mất thêm phí giao dịch…

Tin bài liên quan