Kỳ vọng, thị trường sẽ ổn định ở vùng giá 1.000 điểm và từ đó có nhịp hồi phục

Kỳ vọng, thị trường sẽ ổn định ở vùng giá 1.000 điểm và từ đó có nhịp hồi phục

Nhóm cổ phiếu chiết khấu cao thu hút dòng tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index giảm khoảng 15% trong tháng 10, trong đó một số nhóm cổ phiếu có mức giảm giá mạnh hơn như chứng khoán, bất động sản, bán lẻ, thép… đang thu hút sự quan tâm trở lại của dòng tiền.

Dấu hiệu hồi phục

Sau những phiên giảm điểm liên tiếp trong nửa cuối tháng 10, VN-Index tăng điểm trong 3 phiên giao dịch đầu tháng 11, từ 1.028,19 điểm lên 1.076,78 điểm. Lực cung giảm nên thanh khoản duy trì ở mức thấp, giá trị giao dịch hơn 15.000 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Đây là dấu hiệu tích cực trong tâm lý nhà đầu tư khi thị trường chứng khoán thế giới nhìn chung vẫn đang trong nhịp giảm ở tháng thứ ba liên tiếp, một số thị trường trong khu vực Đông Nam Á đã đánh mất toàn bộ thành quả kể từ đầu năm, bao gồm Việt Nam. Cụ thể, nhịp điều chỉnh trong tháng 9 và 10 của VN-Index đã trả lại thành quả trong sóng tăng được dẫn dắt từ các đợt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank (AGR) cho rằng, đáy ngắn hạn của thị trường chứng khoán thường chỉ được nhận biết sau khi đã đi qua, nhưng hiện tại có thể kỳ vọng đợt điều chỉnh gần như kết thúc. Thị trường xuất hiện nỗ lực phục hồi khi định giá của VN-Index đã chiết khấu về vùng hấp dẫn hơn. Trong khi đó, nền kinh tế chung mặc dù còn gặp không ít khó khăn, nhưng đang dần tốt lên khi các chính sách hỗ trợ thẩm thấu sâu hơn.

Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB nhìn nhận, trong ngắn hạn, VN-Index đang nằm trong vùng hỗ trợ mạnh 1.010 - 1.030 điểm, tương đương với mức Fibonacci 61,8%, nối từ đáy tháng 11/2022 và đỉnh tháng 9/2023. Đồng thời, khi các chỉ báo động lượng như RSI rơi vào trạng thái quá bán sâu, xác suất thị trường phục hồi trong những phiên tiếp theo ở mức cao.

Đợt điều chỉnh vừa qua đã đưa định giá P/E VN-Index xuống mức 12,6 lần, thấp hơn 15% so với P/E trung bình 3 năm gần đây. Ngoài ra, đặt trong mối tương quan giữa thị trường chứng khoán và lãi suất, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn đã trở về mặt bằng tương đương giai đoạn dịch Covid-19, trong khi định giá thị trường hiện tại thấp hơn giai đoạn đó hơn 20%.

“Chúng tôi cho rằng, chính sách tiền tệ của Việt Nam từ nay đến cuối năm vẫn ở trạng thái nới lỏng, các mức lãi suất điều hành được giữ nguyên. Thị trường chứng khoán tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn khi lãi suất huy động thấp, thị trường bất động sản chưa khởi sắc. Do vậy, đây sẽ là cơ hội để tích lũy những cổ phiếu tiềm năng cho chu kỳ mới”, bà Hiền nói.

Đồng quan điểm, bà Đỗ Minh Trang, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán ACB cho biết, so với mức giảm 17% của VN-Index kể từ đỉnh ngắn hạn đầu tháng 9, nhiều cổ phiếu đã giảm giá 20 - 30% và thanh khoản thấp hơn khoảng 35% so với vùng đỉnh. Khả năng thị trường xác lập đáy ngắn hạn mới trong tháng 11 này rất thấp. Kỳ vọng, VN-Index sẽ ổn định ở vùng giá 1.000 điểm và từ đó có nhịp hồi phục.

Kỳ vọng trên dựa trên 3 yếu tố: một là, bối cảnh kinh tế vĩ mô không thực sự thuận lợi, nhưng không có các rủi ro mang tính hệ thống; hai là, thanh khoản và tỷ giá đều đang đạt được trạng thái ổn định mới; ba là, hầu hết doanh nghiệp niêm yết đã công bố báo cáo tài chính quý III/2023, nên các tác động của mùa báo cáo kết quả kinh doanh này đã được phản ánh vào giá cổ phiếu.

Các nhóm ngành có sức bật tốt

Các nhóm cổ phiếu đã giảm giá sâu có định giá hấp dẫn và triển vọng lợi nhuận tăng trưởng có cơ hội tăng giá mạnh trở lại.

Bà Trần Khánh Hiền nhận định, các nhóm ngành đáng chú ý trong thời gian tới có thể kể đến bất động sản và dầu khí.

Ngành bất động sản đã có sự phục hồi qua từng quý trong năm nay, mặc dù đà phục hồi yếu, do vẫn còn các nút thắt pháp lý.

“Trong quý IV này, chúng tôi kỳ vọng, các nút thắt về pháp lý sẽ tiếp tục được gỡ bỏ khi dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được trình Quốc hội xem xét và có thể được thông qua. Các yếu tố chính sách cũng như mặt bằng lãi suất sẽ dần ngấm vào thị trường và cần một khoảng thời gian nữa, có thể phải đến giữa năm 2024, thị trường bất động sản mới thực sự ấm dần lên. Tuy nhiên, cổ phiếu bất động sản sẽ có thể có phản ứng trước với những kỳ vọng này”, bà Hiền nói.

Trong khi đó, nhóm ngành dầu khí đang nhận được sự hỗ trợ lớn từ các yếu tố vĩ mô.

Yếu tố đầu tiên là giá dầu đang ở mức cao, nhiều khả năng sẽ vượt lên trên 90 USD/thùng trong thời gian tới, khi OPEC+ tiếp tục thắt chặt nguồn cung và xung đột Israel - Palestine có nguy cơ lan rộng.

Yếu tố thứ hai là những diễn biến tích cực trong việc triển khai dự án Lô B - Ô Môn. Vừa qua, liên doanh của PVS đã được trao thầu hạn chế gói thầu EPC1 trị giá khoảng 1 tỷ USD, điều này có nghĩa là dự án đã bắt đầu triển khai phần thượng nguồn để có thể đảm bảo tiến độ có dòng khí đầu tiên vào đầu năm 2027. Do vậy, dự án Lô B - Ô Môn có thể nhận được Quyết định đầu tư cuối cùng (FID) trong vòng 6 tháng tới, kéo theo các phần công việc tiếp theo được triển khai.

Trên sàn chứng khoán, một loạt nhóm cổ phiếu vốn thu hút dòng tiền đã giảm giá sâu trong đợt điều chỉnh vừa qua, nên thị trường kỳ vọng sẽ có một đợt phục hồi. Vì vậy, các cổ phiếu có mức giảm giá mạnh hơn thị trường chung sẽ dễ tăng trở lại.

Bà Đỗ Minh Trang cho rằng, sự bật tăng trở lại của các nhóm cổ phiếu giảm sâu phải đi kèm 2 yếu tố: thứ nhất, doanh nghiệp và nhóm ngành đó có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận; thứ hai, cổ phiếu đang có mức định giá hấp dẫn. Một số nhóm ngành đáng quan tâm là bất động sản công nghiệp, xuất khẩu, công nghệ, dầu khí, chứng khoán. Trong đó, kỳ vọng vào nhóm chứng khoán là khả năng phục hồi thanh khoản cũng như điểm số của thị trường, các giải pháp về cơ sở hạ tầng, hệ thống giao dịch, cũng như lộ trình nhằm đáp ứng chiến lược nâng hạng thị trường.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS chia sẻ, nhóm ngành cảng biển, hóa chất, công nghệ, dầu khí... được đánh giá có mức tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận tốt trong năm nay, nhưng cá nhân ông thích những cổ phiếu mang tính đại diện, những cổ phiếu đặc thù đáp ứng được các tiêu chuẩn đầu tư khắt khe.

Theo ông Khánh, nhà đầu tư có thể lựa chọn cổ phiếu của những doanh nghiệp tốt trong nhóm VN30, thậm chí VN100, mà giá bị ảnh hưởng và giảm theo thị trường chung, trong khi nội tại và tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp không thay đổi.

Ở thời điểm hiện tại, dù chưa khẳng định được đáy ngắn hạn của thị trường đã được xác lập, nhưng định giá của thị trường cũng như nhiều nhóm ngành đã về vùng thấp so với quá khứ, mở ra cơ hội cho nhà đầu tư tìm kiếm và lựa chọn những cổ phiếu có tiềm năng.

Tin bài liên quan