NHT: Bí ẩn cuộc đổi chủ

NHT: Bí ẩn cuộc đổi chủ

(ĐTCK) Là một trong những doanh nghiệp giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung có mức thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) ở mức cao nhất, Công ty cổ phần Sản xuất và thương mại Nam Hoa (mã NHT) vừa có một cuộc đổi chủ trong im lặng.

Ngành nghề lạ và kết quả kinh doanh ấn tượng

Thành lập từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Công ty cổ phần Sản xuất thương mại Nam Hoa có hoạt động kinh doanh khá đặc thù: Chuyên sản xuất đồ chơi trẻ em, trong đó phần lớn là đồ chơi có tính giáo dục và đồ trang trí, đồ dùng học tập. Sản phẩm đặc thù và thị trường tiêu thụ của Nam Hoa cũng khá khác biệt.

Sản phẩm của Công ty bán gần như 100% ra thị trường quốc tế, bao gồm Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… Đây là lý do mặc dù có doanh thu không nhỏ trong lĩnh vực này, nhưng cái tên Nam Hoa lại khá lạ lẫm với người tiêu dùng trong nước.

Năm 2017, Nam Hoa đạt doanh số 173,358 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 51 tỷ đồng. Với vốn điều lệ gần 55 tỷ đồng, cổ phiếu NHT của Công ty có EPS lên tới 9.330 đồng, là mức cao ấn tượng so với mặt bằng chung của thị trường chứng khoán.

Nếu so sánh với kết quả kinh doanh năm 2016, trong đó doanh thu Công ty đạt hơn 100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 12,742 tỷ đồng, thì năm 2017 của Công ty có kết quả vượt trội. Tuy nhiên, nhìn lại kết quả kinh doanh năm 2015 và 2014, với EPS mỗi năm tương ứng là 6.646 đồng và 2.149 đồng thì việc năm 2017, Nam Hoa đạt kết quả đột biến không phải quá ngạc nhiên.

Theo bản công bố thông tin, việc thay đổi kết quả kinh doanh chủ yếu do thay đổi loại sản phẩm, bên cạnh các yếu tố cải tiến kỹ thuật, quy trình quản lý, vận hành.

Báo cáo tài chính năm 2017 của Nam Hoa cho thấy, năm 2017, biên lợi nhuận gộp của Công ty lên tới 44,51%, mức rất cao so với các doanh nghiệp cùng nhóm ngành sản xuất. Tại ngày 31/12/2017, Nam Hoa không có vay nợ, khoản phải trả lớn nhất là thuế. Trong khi đó, số dư tiền và tương đương tiền của Công ty lên tới 50,175 tỷ đồng.

Với kết quả này, Nam Hoa đã thực hiện chia cổ tức năm tài chính 2017 lên tới 100% bằng tiền (10.000 đồng/cổ phiếu). Đây là con số rất ấn tượng, đặc biệt trong bối cảnh giá cổ phiếu hiện nay dù đã tăng mạnh, nhưng mới đạt mức 50.000 đồng/cổ phiếu, tương đương mức lợi tức 20%/năm.

NHT: Bí ẩn cuộc đổi chủ ảnh 1

Năm 2018, Nam Hoa đặt kế hoạch hơn 183 tỷ đồng doanh thu, tăng 6% so với kết quả thực hiện năm 2017, lợi nhuận sau thuế 46,648 tỷ đồng, bằng 91,4% so với thực hiện năm 2017.

Cuộc đổi chủ trong im lặng

Ngay sau khi cổ phiếu NHT được giao dịch tập trung trên UPCoM, một loạt cổ đông lớn đã lần lượt đăng ký bán ra. Ông  Ngô Văn Hòa, cổ đông lớn nhất, người sáng lập Công ty và nắm vị trí lãnh đạo cao nhất của Nam Hoa suốt thời gian dài, đã giảm tỷ lệ sở hữu từ 68,08% về 4,97%.

Người thân của ông Hòa cũng lần lượt đăng ký bán ra. Bà Nguyễn Ánh Ngọc, cổ đông lớn sở hữu 19,89% vốn điều lệ Công ty cũng thực hiện bán toàn bộ cổ phiếu sở hữu.

Sau giao dịch, nhóm cổ đông mới xuất hiện gồm các cá nhân: Ông Đoàn Hương Sơn (21,72%), ông Lê Duy Anh (17,15%), bà Trần Thị Thanh Hương (12,57%), bà Lê Thị Hồng Minh (7,26%) và bà Bùi Thị Hiên (7,75%). Tổng sở hữu của nhóm này là 66,45% vốn điều lệ Công ty, chưa tính đến cổ phiếu của người có liên quan (vợ/chồng, bố).

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Đoàn Hương Sơn, cổ đông sở hữu lớn nhất trong nhóm mới, đồng thời là người đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị mới của Nam Hoa cho biết, việc tìm hiểu để đi đến quyết định mua vào đã được nghiên cứu kỹ lưỡng từ lâu.

“Chúng tôi mua thâu tóm với mục đích phát triển kinh doanh, không phải vì mục tiêu đánh cổ phiếu”, ông Sơn cho biết.

Đổi chủ: Nam Hoa có khác biệt?

Một câu hỏi đặt ra là Nam Hoa sẽ thay đổi như thế nào so với giai đoạn trước? Năm 2018, Công ty liệu có đạt được kết quả kinh doanh đã đề ra? Nhóm cổ đông mới sẽ lái Công ty đi tiếp như thế nào?

Trả lời câu hỏi về kế hoạch kinh doanh năm 2018, ông Sơn cho biết, về nguyên tắc, Ban điều hành sẽ không đưa ra kế hoạch “trên trời” để cuối cùng không đạt con số đề ra.

“Do đặc thù hoạt động của Nam Hoa là làm theo đơn đặt hàng, nên chúng tôi tự tin năm 2018, Công ty sẽ tốt hơn rất nhiều so với giai đoạn trước đó và so với kế hoạch kinh doanh đã đặt ra. Vẫn còn quá sớm để nói về kết quả kinh doanh quý I/2018, nhưng với con số hợp đồng hiện có, Công ty đã vượt xa mức mong đợi của cổ đông”, ông Sơn nói.

NHT: Bí ẩn cuộc đổi chủ ảnh 2

Theo phương án trình Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018, quý I/2018, Nam Hoa dự kiến đạt doanh thu hơn 36 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 9 tỷ đồng.

Về chiến lược kinh doanh, ông Sơn cho biết, nhóm cổ đông mới đều là những người có nghề, có kinh nghiệm tốt và “chúng tôi đã tìm hiểu rất kỹ Công ty trước khi quyết định mua, nên chắc chắn sẽ có con đường tốt để đưa Nam Hoa phát triển mạnh hơn giai đoạn trước”.

Nhìn vào sơ yếu lý lịch của Hội đồng quản trị, cổ đông mới, điểm dễ thấy là đây là nhóm cổ đông có liên quan đến một thương hiệu khá nổi tiếng - Nội thất Xuân Hòa và từng làm việc ở một số doanh nghiệp lớn.

Ông Sơn từng là Trưởng điều hành chi nhánh bán hàng miền Bắc, Tổng giám đốc Hanoi Milk, Công ty Anco, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại Tràng An (công ty thành viên của Công ty cổ phần Tràng An - Hà Nội, sở hữu thương hiệu nổi tiếng Bánh kẹo Tràng An), Vietsea, đồng thời là Thành viên Hội đồng quản trị của Xuân Hòa.

Ông Đoàn Đồng Bằng từng là Giám đốc bán hàng miền Bắc của Bánh kẹo Kinh Đô, Giám đốc Bánh kẹo Tràng An, Giám đốc bán hàng và marketing Nhà máy Bia Đông Nam Á.

Ông Lê Duy Anh hiện đang là Tổng giám đốc Xuân Hòa Việt Nam, từng làm Giám đốc tại LIOA, quản lý bán hàng vùng của Unilever, Giám đốc Kinh doanh liên doanh bia Rồng Vàng….

“Thị trường Việt Nam rất tiềm năng, với dân số lớn, vậy không có lý do gì để bỏ qua. Chúng tôi sẽ đi bằng 2 chân, cả xuất khẩu và bán hàng trong nước”, ông Sơn nói.

Và có lẽ, tấn công thị trường trong nước là bước thay đổi đầu tiên của Nam Hoa mà thị trường dễ nhìn thấy, khi nhóm cổ đông mới vào thâu tóm. Từ chỗ gần như không phát triển thị trường trong nước, năm 2018, Nam Hoa đặt kế hoạch hơn 11 tỷ đồng doanh thu từ thị trường nội địa. Ông Sơn cho rằng, mọi khởi đầu đều khó khăn, nhưng những kinh nghiệm của Ban lãnh đạo mới khiến ông tự tin các kế hoạch này có tính khả thi cao.

Bên cạnh việc mở rộng thị trường, mục tiêu đẩy mạnh kinh doanh tất cả các mảng của nhóm cổ đông mới cũng khá tham vọng. Không nói con số tăng trưởng, nhưng khi trả lời câu hỏi của phóng viên về việc, cơ sở hạ tầng hiện nay của Nam Hoa có đáp ứng được kỳ vọng tăng trưởng không, ông Sơn cho rằng, Nam Hoa hoàn toàn có thể duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu 20 - 30%/năm trong vài năm tới mà không cần đầu tư mở rộng sản xuất.

“Thế nên, chúng tôi sẽ duy trì chính sách chia cổ tức cao, thậm chí còn cao hơn quá khứ”, ông Sơn nói.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết, cải tiến về mặt kỹ thuật và công nghệ sẽ là 2 ưu tiên lớn cho mục tiêu đưa Nam Hoa lên một tầm cao mới về quy mô hoạt động.

Về tính chân thực của các các con số kinh doanh, ông Sơn cho rằng, vì là cổ đông mới, tham gia với mục tiêu kinh doanh chứ không phải mục tiêu đánh cổ phiếu nên không có lý do gì ông phải làm sai kết quả kinh doanh.

“Mỗi năm Công ty phải bỏ 500 triệu đồng để thuê kiểm toán KPMG. Tôi nghĩ rằng, chi tiết này đủ để bạn hiểu Công ty không có ý định làm sai lệch bất kỳ con số nào trong báo cáo tài chính”, ông Sơn nói.

Về khả năng đưa cổ phiếu lên niêm yết thay vì đăng ký giao dịch trên UPCoM như hiện nay, ông Sơn cho rằng, Công ty có thể sẽ xem xét trong một giai đoạn phù hợp.   

Tin bài liên quan