Nhu cầu than giảm ở châu Âu trong mùa Đông bất chấp khủng hoảng năng lượng

Nhu cầu than giảm ở châu Âu trong mùa Đông bất chấp khủng hoảng năng lượng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) EU đã đốt ít than hơn vào mùa Đông vừa qua so với những năm trước, và điều này đã dập tắt lo ngại rằng mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất sẽ tăng cao khi các quốc gia đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng.

Nghiên cứu từ tổ chức tư vấn năng lượng Ember cho thấy, từ tháng 10/2022 đến tháng 3/2023, sản lượng điện than giảm 27 terawatt giờ (TWh), tương đương gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi sản lượng khí đốt giảm 38 TWh do người tiêu dùng cắt giảm mức tiêu thụ điện để đối phó với mức giá liên tục tăng cao.

Nguồn cung cấp năng lượng tái tạo cũng tăng lên, với sản lượng điện gió, mặt trời và thủy điện lần đầu tiên vượt xa sản xuất nhiên liệu hóa thạch khi cung cấp 40% tổng nguồn cung cấp điện.

Nghiên cứu chứng minh rằng những lo ngại về sự phục hồi mạnh mẽ trong việc sử dụng than trong cơ cấu năng lượng của châu Âu đã bị cường điệu hóa, bất chấp cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất của lục địa này trong 40 năm sau ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine.

Trong khi Nga cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu, đẩy giá năng lượng lên mức kỷ lục, việc các chính phủ thúc đẩy trẻ hóa các nhà máy than cũ để đảm bảo đèn vẫn sáng cuối cùng đã không dẫn đến tăng tiêu thụ than.

Các nhà phân tích tại Ember cho biết trong nghiên cứu: “Với việc châu Âu vượt qua thành công mùa Đông này và tránh được sự gián đoạn lớn về nguồn cung, đã chứng minh rằng sự trở lại của ngành than bị đe dọa đã không thành hiện thực. Với việc sản xuất nhiên liệu hóa thạch giảm, lượng khí thải của ngành điện EU trong mùa Đông là mức thấp nhất từ trước đến nay”.

Tuy nhiên, nghiên cứu từ Ember cảnh báo rằng, châu Âu đã được hỗ trợ bởi một mùa Đông ôn hòa giúp cắt giảm nhu cầu điện để sưởi ấm và không có gì đảm bảo thời tiết như vậy sẽ tiếp tục diễn ra vào mùa Đông tới. Các công ty và hộ gia đình cũng đã phải chịu đựng rất nhiều khó khăn do giá cả cao hơn khiến họ phải cắt giảm tiêu thụ.

Tổng mức tiêu thụ điện từ tháng 10/2022 đến tháng 3/2023 đã giảm 94 TWh, tương đương 7% so với cùng kỳ vào mùa đông 2021/2022.

Nhà phân tích Harriet Fox của Ember cho biết: “Đối với nhiều người, mùa Đông năm nay thực sự khó khăn với giá cả quá cao và chúng ta không nên bỏ qua điều đó. Nhưng chúng ta không thể trông chờ vào mùa Đông tới sẽ diễn ra theo cách giống hệt như vậy và châu Âu cần phải hành động ngay bây giờ, bao gồm cả việc tiếp tục thúc đẩy các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả và đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo”.

Mặt khác, lượng than giảm không đồng đều giữa các quốc gia trong EU. Đức và Ba Lan có mức giảm sử dụng than lớn nhất so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng mức sử dụng than của ba quốc gia - Ý, Phần Lan và Hungary - đều tăng. Theo Ember, việc sử dụng than của Ý đã tăng hơn 25% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, sản xuất hạt nhân cũng giảm mạnh chủ yếu do các vấn đề bảo trì tại các nhà máy điện của Pháp.

Lợi ích lâu dài của cuộc khủng hoảng năng lượng là các quốc gia ngày càng tin tưởng hơn vào khả năng của các dạng năng lượng sạch hơn bao gồm cả năng lượng tái tạo để đảm bảo nguồn cung.

Năng lượng gió và năng lượng mặt trời đã tăng 18 TWh, tương đương 6% so với cùng kỳ năm ngoái trong những tháng mùa đông, với tiềm năng tương tự sẽ được bổ sung vào lưới điện trong 12 tháng tới.

“Mọi người sẽ nhìn lại năm 2022 và 2023 và xem đó là thời điểm năng lượng tái tạo thực sự bắt đầu cất cánh. Các chính phủ hiện đang nhận thức được thực tế rằng chúng ta không thể dựa vào nhiên liệu hóa thạch và do đó năng lượng tái tạo có thể chiếm phần lớn trong hệ thống năng lượng của chúng ta”, nhà phân tích Harriet Fox của Ember cho biết.

Tin bài liên quan