Trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng tại nhiều ngân hàng ở mức thấp như Vietcombank là 2,6%, Agribank khoảng 1,2%...

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng tại nhiều ngân hàng ở mức thấp như Vietcombank là 2,6%, Agribank khoảng 1,2%...

Nhu cầu tín dụng cải thiện

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đã có nhiều văn bản kêu gọi, vận động, thậm chí áp dụng biện pháp hành chính nên lãi suất cho vay giảm dần, nhưng gốc rễ của lãi suất là thanh khoản của thị trường.

Lãi suất giảm, tín dụng vẫn không tăng

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, Ngân hàng đã thực hiện 10 đợt giảm lãi suất huy động, 5 đợt giảm lãi suất cho vay cho tất cả các phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.

“Với việc thực hiện nhiều đợt giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu của khách hàng, lũy kế đến hết 30/6/2023, Vietcombank đã giảm gần 1.300 tỷ đồng tiền lãi cho hơn 242.000 lượt khách hàng có dư nợ hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 87% tổng dư nợ của Ngân hàng”, ông Tùng nói.

Vậy nhưng, tính đến cuối tháng 6/2023, tín dụng của Vietcombank chỉ tăng 2,6%, đạt quy mô 1,2 triệu tỷ đồng.

Tương tự, từ đầu năm 2023 đến nay, Agribank đã nhiều lần giảm lãi suất huy động và có 7 lần giảm lãi suất cho vay.

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank chia sẻ: “Ngân hàng đưa rất nhiều giải pháp, hạ lãi suất cho vay từ 2 - 4%/năm tuỳ đối tượng khách hàng. Bên cạnh đó, Agribank tổ chức nhiều đoàn công tác làm việc trực tiếp với các chi nhánh trong toàn hệ thống để đánh giá nguyên nhân và tìm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, nhưng mức tăng vẫn thấp, đến 30/6/2023 chỉ đạt khoảng 1,2% so với đầu năm 2023”.

Tại BIDV, Chủ tịch Hội đồng quản trị Phan Đức Tú cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2023, Ngân hàng đã rà soát thủ tục cấp tín dụng, đơn giản hoá và áp dụng công nghệ vào quy trình cấp tín dụng, đồng thời tích cực nghiên cứu phát triển các sản phẩm ứng dụng kỹ thuật số hoá, đặc biệt xây dựng cơ chế cấp tín dụng theo phương thức phương tiện điện tử. Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng cơ chế, chương trình riêng cho từng đối tượng khách hàng, triển khai kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.

“BIDV cũng đã có 4 lần điều chỉnh giảm sàn lãi suất cho vay từ 1,1 - 1,3%/năm”, ông Tú nói.

Theo ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước, thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan này đã có 4 lần hạ các mức lãi suất điều hành từ giữa tháng 3/2023 đến nay, với mức giảm 0,5 - 2,0%/năm, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao. Mục tiêu là nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất - kinh doanh và tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường.

“Với nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành, mặt bằng lãi suất thị trường đã có xu hướng giảm. Đến cuối tháng 6/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng thương mại giảm khoảng 1%/năm so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, đến ngày 30/6/2023, tín dụng nền kinh tế mới đạt hơn 12,49 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022”, ông Tú thông tin.

Gốc rễ là thanh khoản của thị trường

Nhu cầu tín dụng vẫn yếu trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm và thị trường bất động sản ảm đạm.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT kỳ vọng, lãi suất huy động và cho vay sẽ duy trì xu hướng giảm trong nửa cuối năm 2023.

Ông Hinh dự báo, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng có thể giảm xuống 6 - 6,2%/năm vào cuối năm 2023, dựa vào 4 yếu tố. Một là, tác động từ 4 đợt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2023. Hai là, nhu cầu tín dụng yếu trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm và thị trường bất động sản ảm đạm. Ba là, Chính phủ sẽ đẩy mạnh đầu tư công, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế. Bốn là, Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ.

Ông Hinh cũng dự báo, lãi suất cho vay sẽ giảm mạnh hơn trong nửa cuối năm 2023, do chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đang giảm, nhờ tác động từ các đợt cắt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý ngành ngân hàng đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép giãn trích lập dự phòng nợ xấu.

“Lãi suất cho vay giảm sẽ là yếu tố thúc đẩy sự phục hồi của tiêu dùng và đầu tư tư nhân, vốn bị suy yếu trong nửa đầu năm 2023 do lãi suất cho vay neo ở mức cao”, ông Hinh nói.

TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, ngành ngân hàng có dư địa để tiếp tục hạ lãi suất cho vay. Thứ nhất, nguồn cung tiền hay tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng dồi dào. Hiện nay, câu chuyện thanh khoản đang được Ngân hàng Nhà nước làm rất tốt. Thứ hai, thanh khoản lớn tạo sức ép cho các ngân hàng đẩy mạnh cho vay và như vậy lãi suất sẽ hạ. Tuy nhiên, có một vấn đề cần cân nhắc là rủi ro của nền kinh tế. Thanh khoản dư thừa, nhưng rủi ro liên quan đến tâm lý của thị trường tăng lên thì lãi suất cũng khó hạ.

“Số liệu quý II/2023 cho thấy, kinh tế đã phục hồi tốt thì tâm lý thị trường sẽ tốt hơn. Doanh nghiệp phát triển tốt hơn thì tâm lý thị trường càng tốt hơn và những lo ngại về rủi ro nợ xấu được cải thiện. Cùng với thanh khoản dư thừa, nhu cầu vay có và rủi ro giảm thì lãi suất sẽ giảm”, ông Tú Anh nói.

Xung quanh vấn đề lãi suất, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho rằng, để giảm lãi suất, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng đã ban hành nhiều văn bản kêu gọi, vận động, thậm chí áp dụng biện pháp hành chính nên lãi suất cho vay được các ngân hàng điều chỉnh giảm. Nhưng gốc rễ của lãi suất không nằm ở thủ tục hành chính, mà ở thị trường là vấn đề thanh khoản.

“Nếu chúng ta không củng cố niềm tin cho người dân, đảm bảo chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác cùng môi trường kinh tế vĩ mô ổn định thì sẽ rất khó để tăng trưởng kinh tế”, ông Vinh nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng bày tỏ quan ngại về sức hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp. Mặc dù các tổ chức tín dụng đã giảm lãi suất cho vay, song tốc độ tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 6/2023 đạt chưa tới 5% so với đầu năm 2023. Tình trạng này cùng với khó khăn từ thị trường vốn và thị trường bất động sản dẫn đến chất lượng tài sản của ngành ngân hàng suy giảm, nợ xấu tăng.

Ông Phan Đức Tú đề xuất, Chính phủ, các bộ, ngành chỉ đạo có hiệu quả chương trình phục hồi phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường vốn. Tăng khả năng phục hồi cho nền kinh tế cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cả về cung và cầu, thực hiện chính sách tài khoá mạnh mẽ, mở rộng, giảm áp lực cho nền kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai các kế hoạch kinh doanh. Ngoài ra, tăng cường tạo niềm tin thị trường, theo đó, đẩy mạnh phổ biến các kiến thức về hoạt động kinh doanh, về tài chính - ngân hàng, để tạo ra sự hiểu biết chung, chia sẻ cơ hội, lợi ích, trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể khi tham gia các thị trường, các hoạt động đầu tư, mua bán chứng khoán, bảo hiểm…

Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank nêu quan điểm: “Trong điều kiện hiện nay, chính sách tài khóa đóng vai trò rất quan trọng. Đặc biệt, phải khơi thông được giải ngân đầu tư công, qua đó sẽ góp phần tăng nguồn lực cho nền kinh tế, nâng sức cầu trong nước”.

Tin bài liên quan