Nhựa Đông Á: Chủ nợ “chịu thiệt” để thành cổ đông

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngoài phương án hoán đổi nợ thành cổ phần, Công ty cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á (mã DAG) cũng lên kế hoạch gọi vốn 200 tỷ đồng qua kênh phát hành riêng lẻ.
Nhựa Đông Á: Chủ nợ “chịu thiệt” để thành cổ đông

Áp lực nợ giảm

Ngày 6/4 vừa qua, đại hội cổ đông thường niên của Công ty cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á (mã DAG) đã thông qua phương án phát hành tối đa 21,2 triệu cổ phiếu riêng lẻ với mục đích hoán đổi khoản nợ vay của hai cá nhân là ông Nguyễn Bá Hùng - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Phạm Ngọc Hinh. Số cổ phiếu này sẽ hạn chế chuyển nhượng một năm từ ngày kết thúc đợt phát hành.

Trước đó, trong năm 2022, Nhựa Đông Á nhận được khoản vay lãi suất 0% có tổng giá trị 212 tỷ đồng từ hai cá nhân này; trong đó, ông Nguyễn Bá Hùng - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị cho vay 112 tỷ đồng và ông Phạm Ngọc Hinh cho vay 100 tỷ đồng.

Với mức giá chuyển đổi 10.000 đồng/cổ phiếu, ông Hùng sẽ nhận về 11,2 triệu cổ phiếu, còn ông Hinh nhận được 10 triệu cổ phiếu. Mức giá hoán đổi cao gấp hơn 3 lần thị giá hiện tại của cổ phiếu DAG (quanh vùng 3.800 đồng/cổ phiếu) và các chủ nợ hoàn toàn có thể gom được lượng lớn trên sàn.

Đáng chú ý, phương án hoán đổi nợ này dựa trên đề nghị của bên cho vay và đều là những khoản nợ chưa đến hạn thanh toán. Ngày 3/11 và 27/12 năm nay, khoản vay ông Hùng mới đến hạn trả, còn khoản vay ông Hinh thì hạn trả nợ là trong hai năm tới.

Từ năm 2018 đến nay, ngoại trừ năm 2021 phát hành cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ, không năm nào Nhựa Đông Á trả cổ tức cho cổ đông. Do vậy, khả năng lãnh đạo doanh nghiệp hoán đổi nợ thành cổ phần với giá đắt hơn trên thị trường để hưởng cổ tức được loại trừ.

Báo cáo tài chính của Nhựa Đông Á cho thấy, đến cuối năm 2022, Công ty có 963,7 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 245,3 tỷ đồng nợ dài hạn. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu ở mức hơn 2,17 lần. Sau nghiệp vụ này, nợ vay của Công ty sẽ giảm 212 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu cũng tăng một khoản tương ứng, cải thiện sức khỏe tài chính. Tuy vậy, các cổ đông cũng phải chấp nhận việc giá trị cổ phiếu bị pha loãng đáng kể.

Tăng vốn để mở rộng dư địa tăng trưởng

Trong tình hình thị trường chứng khoán còn nhiều ẩn số khó dự báo, “tiền mặt là vua”, vì cớ gì hai chủ nợ của DAG lại chấp nhận đổi tiền lấy cổ phiếu, nhận phần thiệt về mình? Phải chăng, DAG đang sở hữu tiềm năng tăng trưởng hay ấp ủ kế hoạch mới nào trong thời gian tới?

Năm nay, Nhựa Đông Á đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 22 tỷ đồng, tăng trưởng 51,7% so với năm ngoái. Tuy vậy, so với quy mô vốn điều lệ dự kiến lên tới 1.000 tỷ đồng sau các đợt phát hành cổ phiếu, khoản lợi nhuận này khá khiêm tốn.

Nhìn lại lịch sử hoạt động của Nhựa Đông Á, có thể thấy, dù đặt kế hoạch tăng trưởng cao, nhưng mục tiêu lợi nhuận này chưa bằng một nửa mức lợi nhuận bình quân Công ty ghi nhận trong giai đoạn 2016 - 2019. Hai năm qua, Công ty liên tục đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng nhưng chưa năm nào hoàn thành kế hoạch. Điều này xuất phát từ nguyên nhân khách quan là đại dịch Covid bùng phát và đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy giá nguyên vật liệu đầu vào của Công ty tăng cao, trong khi sức cầu tiêu thụ suy giảm.

Thực hiện định hướng phát triển 5 năm hậu đại dịch, năm 2022, DAG triển khai dự án mở rộng 3 nhà máy và dự định chào bán hơn 29,78 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm huy động 297,82 tỷ đồng. Tuy nhiên, do thị trường chứng khoán biến động mạnh, Hội đồng quản trị Công ty quyết định tạm dừng phương án này. Công ty đã chuyển sang huy động vốn từ các nguồn khác (trong đó có vay nợ lãnh đạo) và liên tiếp rót tiền vào các công ty con để triển khai xây dựng, cải tạo mở rộng ba nhà máy.

Trong năm nay, ngoài phương án tăng vốn điều lệ qua hoán đổi nợ, Công ty dự kiến phát hành 20 triệu cổ phiếu riêng lẻ nhằm huy động 200 tỷ đồng. Số tiền trên sẽ được rót vào Công ty TNHH Nhựa Đông Á và bổ sung nguồn vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh, hoặc thanh toán nợ ngân hàng và các khoản nợ đến hạn khác. Việc hai chủ nợ chấp nhận hoán đổi nợ sang cổ phiếu giúp bức tranh tài chính của DAG “sáng sủa” hơn cũng như giúp Công ty thuận lợi trong các lần huy động vốn tiếp theo.

Nhiều tổ chức dự báo trong năm 2023, ngành nhựa tiếp tục gặp nhiều khó khăn, doanh số xuất khẩu suy giảm, sức mua trên thị trường nội địa yếu, dẫn đến sức ép cạnh tranh tăng lên. Trong lĩnh vực nhựa xây dựng, Nhựa Đông Á sẽ phải đối mặt từ sức ép gia tăng thị phần của hai đối thủ là Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong… những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, năng lực sản xuất và quản trị mạnh.

Trong khi đó, thị trường bất động sản vẫn còn nhiều bế tắc sẽ là rào cản để DAG đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm của mình. Tuy nhiên, trong năm 2023, DAG đã có chiến lược sản xuất 2 dòng sản phẩm mới tại 2 nhà máy vừa đầu tư mở rộng tại Hà Nội và TP.HCM.

Tin bài liên quan