Những động thái tiếp theo của Fed sau khi nâng lãi suất cơ bản

0:00 / 0:00
0:00
Điều trần trước Quốc hội Mỹ, Chủ tịch Fed Powell nói rõ trọng tâm của ông là kiềm chế lạm phát và Fed cũng sẵn sàng tăng lãi suất cao hơn ở mức 0,5 điểm phần trăm mỗi đợt nếu giá tăng không chậm lại.
Trụ sở Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại Washington DC. (Ảnh: THX/TTXVN).

Trụ sở Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại Washington DC. (Ảnh: THX/TTXVN).

Hồi tháng 12/2021, thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chỉ có mối lo ngại chính về diễn biến đại dịch COVID-19, các quan chức Fed đều chia sẻ quan điểm rằng họ có thể kiềm chế lạm phát với mức tăng lãi suất khiêm tốn, trong khi đảm bảo nền kinh tế và thị trường lao động phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã bùng phát vào cuối tháng 2/2022, đẩy những nỗi lo về đại dịch xuống.

Khi các nhà hoạch định chính sách của Fed nhóm họp vào tuần này, họ sẽ phải xác tình hình mới đã ảnh hưởng ra sao tới triển vọng đó, và họ có thể làm gì để giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực với nền kinh tế?

Tình hình đã thay đổi

Tại cuộc họp kéo dài hai ngày 15-16/3, Fed sẽ không chỉ đảo ngược các biện pháp khẩn cấp trong mùa dịch COVID-19, mà còn phải cho công chúng hiểu rõ “mê cung” của các yếu tố kinh tế và địa chính trị mà họ phải cân bằng để không ảnh hưởng tới đà tăng trưởng kinh tế.

Vào tháng 12 năm ngoái, hầu hết các nhà hoạch định chính sách của Fed đều dự báo lãi suất sẽ chỉ cần tăng lên ngưỡng 2,10% vào cuối năm 2024. Khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt là mối quan tâm hàng đầu của Fed.

Các quan chức cam kết sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để giữ cho các hộ gia đình và doanh nghiệp ổn định về tài chính trong suốt cuộc khủng hoảng.

Tình hình hiện đã rất khác. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ hiện đã giảm mạnh xuống còn 3,8% - thấp theo tiêu chuẩn lịch sử. Các hộ gia đình cũng đang “rủng rỉnh” tiền mặt từ các chương trình viện trợ trong mùa dịch của chính phủ.

Giờ đây, việc lạm phát cao gấp ba lần mục tiêu 2% của Fed và căng thẳng tại Ukraine lại trở thành những mối đe dọa chính. Chúng không chỉ thách thức năng lực hoạch định chính sách của Fed, mà còn làm dấy lên “bóng ma” về một giai đoạn khó khăn như những năm 1970, thời điểm ngân hàng trung ương phải chấp nhận một cuộc suy thoái để kiểm soát giá cả.

Kể từ cuộc họp chính sách cuối cùng vào cuối tháng 1/2022, lạm phát không có dấu hiệu chậm lại rõ ràng, khiến quan điểm của Fed ngày càng lạc lõng với một nền kinh tế vẫn đang phát triển.

Kỳ vọng lạm phát dài hạn, một dấu hiệu cho thấy liệu công chúng có đang mất lòng tin vào khả năng kiềm chế giá cả của Fed hay không, cũng bắt đầu tăng lên.

Mặt khác, cũng có những dấu hiệu cho thấy đại dịch đã dịu đi và có thể tạo thêm động lực cho đà phục hồi mạnh mẽ. Số liệu mới được công bố vào đầu tháng này cho thấy tăng trưởng việc làm trong tháng Hai đã mạnh mẽ hơn và vượt qua kỳ vọng của giới phân tích, bên cạnh các lần điều chỉnh tăng cho tháng 1/2022 và tháng 12/2021.

Ngoài ra, việc lương tạm thời ngừng đà tăng vào tháng trước đã giảm bớt lo ngại lương của người lao động và giá cả có thể thúc đẩy nhau cùng tăng cao hơn.

Dữ liệu gần đây của Fed cùng cho thấy tiết kiệm của các hộ gia đình Mỹ vẫn ở mức cao trong hầu hết năm 2021, cung cấp một “vùng đệm” giúp người dân hấp thụ chi phí khí đốt và thực phẩm đắt đỏ hơn mà không giảm các khoản chi tiêu khác.

Chính sách mới cho giai đoạn mới

Fed gần như chắc chắn sẽ tăng lãi suất chuẩn qua đêm thêm 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng Ba.

Nhưng thị trường sẽ dành nhiều chú ý tới những dự báo cho thấy các nhà hoạch định chính sách nhận định sẽ cần tăng lãi suất bao nhiêu trong năm nay cũng như vào hai năm tới, để chế ngự lạm phát vốn đã cao vượt quá hy vọng của họ.

Nếu triển vọng của giới chức Fed đối với lãi suất chuẩn vượt ngưỡng 2,50% (thường được coi là mức trung lập), điều đó đồng nghĩa quan điểm thiết lập chính sách của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã thay đổi.

Các thành viên FOMC khi đó sẽ phải ghìm đà tăng trưởng kinh tế và đối mặt nguy cơ suy thoái cao hơn để kiềm chế giá cả.

Trong một báo cáo gửi tới khách hàng gần đây, ông Roberto Perli và các nhà phân tích khác tại ngân hàng Piper Sandler cho biết không có nghi ngờ gì về việc FOMC sẽ bắt đầu nâng lãi suất tại cuộc họp tháng Ba.

Điều mà các thị trường muốn biết là Fed sẽ làm gì tiếp theo. Nếu các dự báo mới nêu rằng mục tiêu lãi suất chuẩn vượt quá ngưỡng 2,50% trong những năm tới, đó là dấu hiệu cho thấy phần lớn FOMC lo lắng về lạm phát đến mức không quan tâm đến nguy cơ xảy ra suy thoái.

Các nhà đầu tư gần đây đã dự kiến Fed sẽ nâng lãi suất đến gần mức trung lập. Do đó, một dự báo theo hướng nâng lãi suất cao hơn hữa có thể gây ra cú sốc cho thị trường.

Diễn biến này thậm chí có thể dẫn đến sự "đảo ngược" của đường cong lợi suất, với các trái phiếu ngắn hạn có mức lợi suất vượt quá các trái phiếu dài hạn.

Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ, Washington, D.C., ngày 28/9/2021. (Ảnh: THX/TTXVN).
Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ, Washington, D.C., ngày 28/9/2021. (Ảnh: THX/TTXVN).

Nếu kịch bản nêu trên thành hiện thực, cuộc họp lần này có thể là thời điểm gây nhiều tác động nhất của ngân hàng trung ương Mỹ kể từ mùa Xuân năm 2020, khi các quan chức cam kết hỗ trợ cho nền kinh tế bị đại dịch COVID-19 “đánh gục” bằng cách hạ lãi suất chuẩn xuống mức gần bằng 0% và bắt đầu triển khai chương trình mua trái phiếu quy mô lớn.

Các chu kỳ tăng lãi suất của Fed thường đi kèm với hướng dẫn cụ thể của riêng mình, với những từ ngữ như "đo lường" hoặc "từng bước" được dùng để minh họa tốc độ tăng lãi suất dự kiến.

Chủ tịch Fed Jerome Powell gần đây đã sử dụng các thuật ngữ ít cụ thể hơn như "linh hoạt" cho chính sách của Fed. Điều này cho thấy Fed dự kiến tăng lãi suất ổn định trong năm nay, nhưng cũng có thể phải tăng tốc hoặc chậm lại để đối phó với các tình huống và điều kiện thay đổi nhanh chóng.

Và một trong những sự kiện còn đang diễn biến phức tạp là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Khi chưa xuất hiện giải pháp rõ ràng cho tình hình căng thẳng này, cuộc xung đột có thể đẩy lạm phát tăng hơn nữa thông qua việc tăng chi phí năng lượng, gây thêm gián đoạn cho chuỗi cung ứng, thậm chí sắp xếp lại quan hệ thương mại và quản trị toàn cầu, từ đó dẫn tới giá cao bền vững.

Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ vào đầu tháng này, ông Powell đã nói rõ rằng trọng tâm của ông là kiềm chế lạm phát. Ông Powell cho biết Fed đã sẵn sàng tăng lãi suất cao hơn ở mức 0,5 điểm phần trăm mỗi đợt nếu giá tăng không chậm lại.

Nhưng quan chức này cũng thừa nhận rằng những diễn biến kinh tế, địa chính trị... của thế giới cũng như các ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đã trở nên phức tạp hơn, và cần thêm nhiều thời gian hơn để cân nhắc và hiểu rõ về tình hình.

Tin bài liên quan