Nhiều dự án bất động sản có vai trò “đánh thức” cả vùng đất rộng lớn.

Nhiều dự án bất động sản có vai trò “đánh thức” cả vùng đất rộng lớn.

Những yếu tố tạo nên sự “quyến rũ” của các thị trường bất động sản mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Xu hướng “đánh bắt xa bờ” của nhà đầu tư đang mang đến cho các địa phương nhiều cơ hội chuyển mình, nhưng để nhà đầu tư gắn kết với địa phương, chính quyền phải thực sự đồng hành.

Tinh thần kiến tạo

“Nếu ban lãnh đạo ở địa phương đoàn kết, đồng thuận và ủng hộ, thì chúng tôi mới đầu tư, nếu không, dù tiềm năng, chúng tôi cũng không tham gia”, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC nhấn mạnh yếu tố tiên quyết khi lựa chọn địa bàn đầu tư.

Theo ông Quyết, ngoài các yếu tố như tiềm năng, lợi thế, khả năng kết nối, vị trí…, điều quan trọng nhất để FLC quyết định đầu tư hoặc không đầu tư vào một địa phương chính là sự đoàn kết, đồng thuận của hệ thống lãnh đạo. Bởi, nếu bộ máy lãnh đạo không đoàn kết mà lại “lục đục”, thì doanh nghiệp và dự án sẽ chịu ảnh hưởng trước tiên.

“Khi địa phương coi chúng tôi là nhà đầu tư chiến lược, thì chúng tôi cũng sẽ toàn tâm, toàn ý với dự án, với sự phát triển của tỉnh”, Chủ tịch Tập đoàn FLC bày tỏ.

Trên thực tế, khi đầu tư vào Bình Định, FLC đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ tỉnh này. Cách làm của Bình Định khi đó là tạo điều kiện để doanh nghiệp vừa làm, vừa hoàn thiện thủ tục.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nhấn mạnh, việc các dự án được tạo điều kiện để sớm đưa vào hoạt động là rất cần thiết; nếu thủ tục rườm rà, mất đến một vài năm mới cấp xong giấy phép, thì các doanh nghiệp rất dễ nản lòng.

“Thời điểm đó, nhiều doanh nghiệp còn ngại đầu tư vào Bình Định và FLC là nhà đầu tư lớn đầu tiên, có vai trò như cánh chim đầu đàn. Việc Bình Định cho phép doanh nghiệp vừa xây dựng dự án, vừa hoàn thiện thủ tục là sự linh động cần thiết, tạo điều kiện cho nhà đầu tư theo tinh thần kiến tạo”, ông Hồ Quốc Dũng khẳng định.

Với sự hỗ trợ của địa phương, nhất là về thủ tục, dự án nghỉ dưỡng vào loại lớn nhất nước thời điểm 2015 - 2016 với quy mô 1.300 ha, vốn đầu tư trên 7.000 tỷ đồng của FLC đã được hoàn thành chỉ trong 14 tháng.

Ảnh tác giả

3 yếu tố chính tạo nên sức “quyến rũ” của các thị trường mới, đó là sự kết nối; sự quyết liệt của chính quyền địa phương; và vai trò của nhà đầu tư chiến lược. Trong đó, những nhà đầu tư tiên phong phải có khả năng định hướng, dẫn dắt thị trường trong tương lai, tạo ra sự hài hòa cho thị trường…

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành

Đề cao vai trò của bộ máy lãnh đạo địa phương, với tinh thần đồng hành, kiến tạo, TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ chia sẻ, nhiều nhà đầu tư rất quan tâm đến môi trường đầu tư, nhất là sự thống nhất, đoàn kết trong chỉ đạo của bộ máy chính quyền địa phương.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cũng cho biết, theo quan sát của ông, tất cả địa phương giải ngân đầu tư công nhanh, có các dự án quy mô lớn được triển khai nhanh đều phải thực hiện theo cách vừa làm, vừa hoàn thiện. Trong đó, lớn nhất là vai trò của lãnh đạo địa phương, phải dám quyết, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Trải thảm, chứ đừng rải đinh

Thời gian qua, những bất cập trong việc thực hiện chính sách đầu tư, kinh doanh xuất hiện ở không ít nơi. Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện một chủ đầu tư bức xúc cho biết, nhiều địa phương trong giai đoạn kêu gọi đầu tư thì trải “thảm đỏ” với nhiều cam kết hấp dẫn, nhưng khi nhà đầu tư chính thức đặt chân vào địa bàn, thì lại gặp vô số khó khăn. Khi đó, làm thì khó, bỏ thì không đành, nhiều chủ đầu tư rơi vào tình trạng khóc dở, mếu dở.

“Trên trải thảm, dưới rải đinh đang là tình trạng chung ở một số địa phương, khi mà bộ máy điều hành không có sự đoàn kết, thống nhất. Khi đầu tư, chúng tôi sợ nhất điều này”, vị đại diện chủ đầu tư này nói.

Rõ ràng, những cam kết, chia sẻ của chính quyền địa phương với tư cách “chủ nhà” có ý nghĩa rất quan trọng đối với các nhà đầu tư bắt đầu khai phá vùng đất mới.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, muốn “giữ” nhà đầu tư ở lâu và gắn kết với địa phương, thì lãnh đạo và bộ máy chính quyền địa phương phải thực sự đồng hành cùng nhà đầu tư.

Ở chiều ngược lại, hơn ai hết, nhà đầu tư luôn mong muốn có được sự đồng hành này. Đơn cử, với GP Invest, trước đây, doanh nghiệp này chỉ phát triển từng dự án đơn lẻ tại Hà Nội, nhưng gần đây bắt đầu triển khai thêm dự án ở Phú Thọ, Hưng Yên.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT GP Invest chia sẻ: “Chúng tôi đặt nhiều tâm huyết vào dự án khu đô thị tại TP. Việt Trì (Phú Thọ) và hy vọng qua dự án này, tỉnh sẽ nhận ra GP Invest là hạt giống quý, gieo mầm cho các dự án tốt khác mọc lên”.

Đưa ra dự báo đầy triển vọng về sự dịch chuyển của dòng tiền đến các vùng đất mới, ông Nguyễn Chí Nghĩa, Phó tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc cho rằng, không khó để lý giải sự xuất hiện của những “cánh chim đầu đàn” mạo hiểm đầu tư vào các vùng đất mới. Bởi, với bản lĩnh và kinh nghiệm thương trường, họ đã nhìn thấy tiềm năng lớn từ những nơi này.

Đồng quan điểm, TS. Trần Du Lịch cũng khẳng định, thị trường mới sẽ không thể nổi được nếu như không có dự án tiên phong và nhà đầu tư tiên phong. Ngoài ra, giao thông sẽ là yếu tố quyết định sự phát triển cùa thị trường.

Ở một góc nhìn khác, ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam nêu quan điểm, một địa phương chỉ có thể “bật” lên thành thị trường mới nổi tiềm năng khi có được điều kiện tự nhiên, điều kiện pháp lý và điều kiện kinh doanh tốt.

“Nhiều địa phương, khu vực đang ở dạng mới được 'đánh thức', nên khát vốn đầu tư để trỗi dậy về kinh tế. Vì vậy, chính quyền sẽ tạo điều kiện để phê duyệt và triển khai dự án dễ dàng hơn so với hai thị trường đã bão hòa là Hà Nội và TP.HCM”, ông Doanh phân tích.

Cũng theo chuyên gia này, nếu thủ tục hành chính để triển khai dự án bớt phiền hà hơn, thì sẽ giúp chủ đầu tư tiết kiệm chi phí tài chính và thời gian rất lớn, đồng nghĩa với việc đón bắt cơ hội kịp thời hơn.

Tin bài liên quan