Nippon Steel theo đuổi vụ mua lại US Steel, muốn 'cắm rễ' ở thị trường Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
Nippon Steel sẽ theo đuổi thương vụ mua lại US Steel và muốn gốc rễ sâu xa của họ ở thị trường Mỹ được công nhận, tân Chủ tịch tập đoàn thép Nhật Bản cho hay.
Logo của Nippon Steel tại nhà máy Kyushu, thành phố Kitakyushu thuộc tỉnh Fukuoka, Nhật Bản. Ảnh: AFP

Logo của Nippon Steel tại nhà máy Kyushu, thành phố Kitakyushu thuộc tỉnh Fukuoka, Nhật Bản. Ảnh: AFP

Thông điệp được lãnh đạo Nippon Steel đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ phản đối thỏa thuận mua lại trên.

Nippon Steel đã đồng ý mua lại tổng công ty thép Mỹ US Steel với giá khoảng 15 tỷ USD, nhưng thương vụ này đối mặt với khó khăn để được chính quyền Mỹ phê duyệt trong năm bầu cử tổng thống 2024.

Nhà Trắng xác định ngành thép rất quan trọng đối với an ninh quốc gia và Tổng thống Biden tháng trước cho rằng US Steel nên vẫn thuộc sở hữu trong nước. Đối thủ của ông Biden trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 năm nay, cựu Tổng thống Donald Trump, đã cam kết sẽ ngăn chặn thỏa thuận mua lại US Steel nếu ông tái đắc cử.

Hiện chưa rõ liệu Tổng thống Biden sẽ dùng cơ quan quản lý nào của Mỹ để ngăn cản thỏa thuận.

"Điều mà các chính trị gia Mỹ quan tâm là việc làm và liệu US Steel có thể phát triển như một công ty mang biểu tượng Mỹ ở trên đất Mỹ hay không", tân Chủ tịch Nippon Steel, ông Tadashi Imai, nói với báo giới tuần trước, trước khi ông đảm nhận vai trò mới vào ngày 1/4. "Tôi tin rằng chúng tôi là đối tác hữu ích nhất để giúp US Steel phát triển ở Mỹ", lãnh đạo Nippon Steel khẳng định.

Ông Imai, 60 tuổi, trở thành Chủ tịch Nippon Steel trong một cuộc cải tổ quản trị nhằm hạ thấp độ tuổi trung bình của các giám đốc điều hành hàng đầu. Còn cựu Chủ tịch Eiji Hashimoto đảm nhận chức danh giám đốc điều hành và sẽ chịu trách nhiệm chỉ đạo thương vụ mua lại.

Thỏa thuận mua lại US Steel đã thu hút sự chỉ trích mạnh mẽ từ một số nhà hoạch định chính sách Mỹ và công đoàn United Steelworkers (USW) bởi họ lo ngại vấn đề mất việc làm của người Mỹ.

Tuy nhiên, Nippon Steel cam kết không cắt giảm việc làm theo thỏa thuận, nhằm tôn trọng tất cả các thỏa thuận giữa công đoàn và US Steel cũng như chuyển trụ sở chính của tập đoàn tại Mỹ đến Pittsburgh nơi US Steel đặt trụ sở.

Ông Imai cũng cho biết ông hy vọng Nippon Steel sẽ được coi là một công ty có nguồn gốc lâu đời ở Mỹ, đồng thời khẳng định rằng họ đã hiện diện ở Mỹ từ những năm 1980 và có 4.000 nhân viên ở nước này, một vài trong số đó cũng là thành viên của công đoàn United Steelworkers.

"Điều quan trọng nhất và điều duy nhất chúng tôi có thể làm là thương thảo với công đoàn United Steelworkers một cách thiện chí” về các kế hoạch đầu tư và biện pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của US Steel", tân Chủ tịch Nippon Steel nói.

Theo lãnh đạo Nippon Steel, thương vụ mua lại US Steel sẽ giúp tổng công ty thép Mỹ tiếp cận các công nghệ tiên tiến của Nippon Steel, đơn cử như thép tấm điện từ. Ngoài ra, Nippon Steel có khoảng 2.000 bằng sáng chế về thép ở Bắc Mỹ trong khi các nhà sản xuất thép nói chung ở Mỹ chỉ có khoảng 200 bằng sáng chế.

Ở thị trường nội địa, trọng tâm chính của tân Chủ tịch Nippon sẽ là khử cacbon và ông cho rằng tập đoàn sẽ cần sớm đưa ra quyết định đầu tư về việc có nên đầu tư vào lò nung bằng điện mới tại hai địa điểm - Kyushu Works Yawata ở miền nam Nhật Bản và Setouchi Works Hirohata ở miền tây Nhật Bản.

Ông Imai cho biết Nippon Steel phải ra quyết định đối với các dự án trong năm tài chính này hoặc năm tài chính tiếp theo.

"Đây sẽ là một khoản đầu tư lớn…, nhưng thời điểm đưa ra quyết định quan trọng đang đến gần dựa trên sự chắc chắn về mặt kỹ thuật và khả năng dự đoán sinh lời đầu tư", Chủ tịch Nippon Steel nói thêm.

Tin bài liên quan