Hỗ trợ từ thị trường và khung khổ chính sách
Đến cuối tuần qua, một số ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý II/2025, với mức tăng trưởng lợi nhuận khá tích cực. Bức tranh tài chính của các nhà băng đang niêm yết, giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán sẽ lộ diện rõ hơn trong thời gian tới. Song theo bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu Công ty Chứng khoán MB (MBS), ước tính tỷ lệ nợ xấu (NPL) toàn ngành ngân hàng hiện dao động quanh mức 2%, với đóng góp đáng kể từ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ thời gian qua.
Ông Phan Duy Hưng, CFA, MBA, Giám đốc, chuyên gia phân tích cấp cao VIS Rating cho biết, dựa trên quan sát đối với 27 ngân hàng niêm yết cho thấy rủi ro tài sản của ngành đã tăng lên, đặc biệt đối với các ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối và quy mô vừa do dư nợ liên quan đến bất động sản. Cho vay mua nhà thuộc phân khúc mang tính đầu cơ hoặc liên quan đến các chủ đầu tư bất động sản gặp khó khăn làm gia tăng nợ xấu ở các ngân hàng tư nhân (như VPB, MBB, OCB, TPB, VIB), trong khi các ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối tăng nợ xấu từ khách hàng doanh nghiệp trong lĩnh vực vật liệu xây dựng (như BID, CTG). Ngược lại, tỷ lệ hình thành nợ xấu dần ổn định đối với các ngân hàng lớn (như ACB, TCB) do hạn chế cấp tín dụng đối với các chủ đầu tư bất động sản gặp khó khăn.
“Chúng tôi kỳ vọng tỷ lệ hình thành nợ xấu của ngành sẽ giảm trong năm 2025, đặc biệt là đối với các ngân hàng quốc doanh và một số ngân hàng tư nhân lớn hạn chế cấp tín dụng cho các chủ đầu tư bất động sản gặp khó khăn. Nguyên nhân bởi thị trường bất động sản phục hồi sẽ làm giảm nợ xấu từ cho vay mua nhà cá nhân, trong khi các chính sách của Chính phủ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sẽ dần cải thiện khả năng thanh toán nợ của các doanh nghiệp”, ông Hưng nói.
Cũng theo ông Hưng, đầu tư công được đẩy mạnh cùng với nỗ lực liên tục của các cơ quan chức năng nhằm tháo gỡ vướng mắc pháp lý của các dự án bất động sản sẽ thúc đẩy việc mở rộng của doanh nghiệp trong nước và cải thiện dòng tiền hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, thương mại, xây dựng và bất động sản - những lĩnh vực trọng yếu mà các ngân hàng tập trung cho vay trong suốt năm 2025. Ngoài ra, khi các vấn đề pháp lý dần được tháo gỡ, các nhà phát triển bất động sản có thể khởi động lại các dự án của họ, dần cải thiện tâm lý của người mua nhà và thúc đẩy doanh số bán nhà mới, đặc biệt là tại thị trường miền Nam.
“Trong khi đó, một số ngân hàng nhỏ và vừa vẫn gặp vấn đề liên quan đến các khoản cho vay mua nhà liên quan đến các dự án mang tính đầu cơ”, ông Hưng cho biết thêm.
Đáng chú ý, một tin vui với ngành ngân hàng là quy định về quyền xử lý tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng tại Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu đã được “luật hóa” tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.
Theo bà Lưu Thị Thảo, Phó tổng giám đốc thường trực kiêm Giám đốc điều hành cao cấp VPBank, “đây là điều được các tổ chức tín dụng chờ đợi nhất”. Bởi với cơ sở pháp lý rõ ràng liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo, các ngân hàng sẽ giảm sự phụ thuộc vào thủ tục toà án, tránh tình trạng xử lý nợ kéo dài.
Cần sớm có văn bản hướng dẫn Luật
Với riêng VPBank, việc luật hóa Nghị quyết 42 càng được quan tâm hơn, bởi Ngân hàng phải đối mặt với một số thách thức từ việc nhận chuyển giao bắt buộc Ngân hàng GPBank. Hiện VPBank đã triển khai một số giải pháp công nghệ chính để chuyển đổi GPBank, tập trung vào việc khắc phục tình trạng yếu kém và thiếu đầu tư kéo dài của nhà băng này trong 10 năm qua, từ đó hướng đến mục tiêu tái định vị GPBank thành một thành viên hiện đại, hiệu quả về vận hành, mạnh về công nghệ và ổn định về tài chính, có vai trò và chiến lược rõ ràng trong hệ sinh thái chung của VPBank.
“Ngân hàng Nhà nước cần sớm có thông tư hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) năm 2025 và tiếp tục gấp rút tháo gỡ những vướng mắc chúng tôi đã đề xuất trong quá trình tái cơ cấu, giúp Ngân hàng nhanh chóng hiện thực hóa những mục tiêu của phương án chuyển giao bắt buộc”, bà Thảo kiến nghị.
Liên quan tới việc tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank kiến nghị Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ đẩy nhanh tiến trình phê duyệt các biện pháp hỗ trợ cần thiết cho Vietcombank và VCB Neo để thực hiện thành công phương án chuyển giao bắt buộc theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024.
Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị nhận định, ngành ngân hàng đã có 3 giai đoạn tái cơ cấu (giai đoạn 2011 - 2025, Quyết định 254 ngày 1/3/2012; giai đoạn 2016 - 2020, Quyết định 105 ngày 19/7/2017; giai đoạn 2021 - 2025, Quyết định 689 ngày 8/6/2022). Qua các giai đoạn tái cơ cấu đã góp phần hình thành hệ thống các tổ chức tín dụng cơ bản hoạt động an toàn, hiệu quả, phục vụ tốt cho nền kinh tế, đã có nhiều ngân hàng thương mại hội đủ nền tảng phát triển, có năng lực cạnh tranh cao.
“Vì vậy, chúng tôi đề nghị cấp có thẩm quyền cân nhắc có nên xây dựng và triển khai một giai đoạn tái cơ cấu 5 năm nữa hay không. Nếu có, cần cá biệt hóa một số tổ chức tín dụng cần xây dựng phương án tái cơ cấu, còn lại để các tổ chức tín dụng khác xây dựng kế hoạch phát triển trung hạn, dài hạn phù hợp với Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng 2030. Vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo kịp thời để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng sớm triển khai việc xây dựng Chiến lược phát triển giai đoạn 2025 - 2030", ông Tú đề xuất.
Trở lại với câu chuyện xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng, theo ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB, Ngân hàng Nhà nước sớm có thông tư hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) năm 2025 và xem xét lại quy định về trích lập dự phòng rủi ro, cụ thể là quy định liên quan đến việc gỡ tài sản bảo đảm (giải tỏa tài sản bảo đảm) trong vòng 2 năm kể từ khi có quyền xử lý tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng...