
Ảnh Internet
Theo thông tin từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tính đến đầu giờ chiều ngày 22/7, tổng số tiền chi trả bảo hiểm liên quan đến vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 tại Quảng Ninh ước đạt 14,27 tỷ đồng. Trong đó, 6 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ dự kiến chi trả khoảng 10,07 tỷ đồng, còn 6 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ chi trả khoảng 4,2 tỷ đồng.
Là một trong những đơn vị đã nhanh chóng triển khai việc chi trả quyền lợi cho khách hàng, ngày 22/7, Generali cũng đã phát hành Thư chấp nhận chi trả quyền lợi bảo hiểm cho hai nạn nhân trong vụ tai nạn.
Con số cập nhất mới nhất của Generali tính đến cuối ngày 22/7 về tổng số tiền chi trả bảo hiểm cho các khách hàng trong vụ tai nạn trên là 6,25 tỷ đồng. Cụ thể, khách hàng N.H.Y. được chi trả 2,05 tỷ đồng, còn khách hàng N.H.H.P. nhận mức chi trả 4,2 tỷ đồng.
Được biết, ngay sau khi nhận thông tin sự cố, Generali đã chủ động liên hệ với thân nhân các nạn nhân, hướng dẫn chi tiết các thủ tục cần thiết để giải quyết quyền lợi bảo hiểm. Công ty đồng thời rút ngắn quy trình xử lý hồ sơ, ban hành quyết định chi trả chỉ sau ba ngày kể từ thời điểm xảy ra vụ tai nạn. Việc chi trả chính thức sẽ được thực hiện ngay sau khi hoàn tất các thủ tục hậu sự. Generali cho biết đang tiếp tục xác minh thêm danh sách các nạn nhân có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm để kịp thời chi trả nếu có. Đại diện doanh nghiệp nhấn mạnh cam kết đồng hành dài hạn và nhân văn với khách hàng, đúng theo định vị "Người bạn trọn đời".
Không chỉ Generali, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khác cũng đang tích cực phối hợp với cơ quan chức năng và gia đình các nạn nhân để hoàn thiện hồ sơ, xác minh hợp đồng bảo hiểm và chi trả quyền lợi theo đúng quy định. Một số doanh nghiệp đã chủ động tiếp cận gia đình người bị thiệt hại để thăm hỏi và tiến hành các thủ tục bồi thường. Tuy nhiên, một số trường hợp vẫn chưa thể hoàn tất hồ sơ nhận tiền do đang trong quá trình điều trị thương tật hoặc lo hậu sự, dẫn đến việc chi trả bị tạm hoãn.
Trước đó, ngay sau vụ tai nạn xảy ra vào ngày 19/7, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã ban hành Công văn số 896/QLBH-PNT gửi Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm: Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để xác định thiệt hại về người và tài sản; Thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường và trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm theo hợp đồng và quy định pháp luật; Đảm bảo việc chi trả nhanh chóng, kịp thời và đầy đủ, không để khách hàng bị trì hoãn quyền lợi trong thời điểm khó khăn. Cục cũng khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình, đôn đốc các doanh nghiệp và hỗ trợ nghiệp vụ trong quá trình bồi thường, nhằm đảm bảo người tham gia bảo hiểm được bảo vệ đầy đủ, đúng với cam kết trong hợp đồng.
Việc các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động chi trả, rút ngắn quy trình và minh bạch trong xử lý bồi thường là minh chứng rõ ràng cho thấy bảo hiểm không chỉ là một sản phẩm tài chính, mà còn là cam kết trách nhiệm và nhân văn sâu sắc đối với khách hàng.
Số liệu của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2025 các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 27.468 tỷ đồng, tăng thêm gần 4,4% so với cùng kỳ năm trước.